Xung quanh quy định về mẫu chứng minh nhân dân (CMND) mới có hiệu lực từ ngày 1.7 và hiện đang thí điểm tại TP.Hà Nội, có nhiều ý kiến cho rằng rất tiện dụng, phù hợp với xu thế phát triển nhưng cũng không ít băn khoăn về sự thể hiện thông tin cá nhân.
Theo Nghị định 170/2007/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 27/2012 của Bộ Công an, từ 1.7 áp dụng mẫu CMND mới. Theo đó, CMND mới có kích thước chuẩn quốc tế (85,6 mm x 53,98 mm) được làm bằng chất liệu nhựa. Trên CMND được ghi các thông tin cơ bản về cá nhân, quê quán, có mã vạch chứa đựng một số thông tin để cơ quan chức năng dễ quản lý. CMND mới có 12 con số tự nhiên so với mẫu cũ chỉ có 9 số, do Bộ Công an cấp và quản lý thống nhất trên toàn quốc. Thời hạn của CMND mẫu mới vẫn giữ nguyên như cũ - 15 năm.
|
Mặt trước và sau mẫu CMND mới - Ảnh: internet |
Theo Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục VII) - Bộ Công an, mặc dù áp dụng thực hiện từ 1.7, nhưng do công tác chuẩn bị cơ sở vật chất lớn nên tháng 8.2012, việc này mới được triển khai nhưng chỉ mang tính chất thí điểm tại một số quận, huyện của TP.Hà Nội.
"Cá nhân tôi cho rằng việc để tên cha mẹ là không cần thiết"
Ông Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật |
Không cần thiết có tên cha mẹ
Một trong những băn khoăn của nhiều người khi tiếp nhận thông tin về CMND mẫu mới là quy định ghi thêm thông tin về họ tên cha, mẹ trên mặt sau của tấm CMND. Theo ngành công an, việc công khai danh tính cha, mẹ nhằm giúp phân biệt một cách chính xác về nhân thân của người đó trong trường hợp cần truy tìm, phân loại.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, cho rằng việc ghi tên cha mẹ sẽ gây ra phiền toái. Theo ông Lộc, có nhiều người do hoàn cảnh gia đình, thiếu bố hoặc mẹ, thì sẽ phải bỏ trống, có những trường hợp bố mẹ là tội phạm sẽ tạo cho họ sự mặc cảm. “Có những người 60-70 tuổi nay đổi CMND thì cũng phải khai cả tên cha mẹ, dù cha mẹ họ đã mất từ rất lâu rồi thì không rõ việc này có tác dụng gì”, ông Lộc băn khoăn.
Chi phí lớn
Trung tướng Tô Thường không cho biết việc thực hiện thí điểm sẽ tiến hành trong thời gian bao lâu bởi việc đổi mới CMND sẽ tốn rất nhiều công sức, tiền bạc để đầu tư các loại máy móc thiết bị mới cho in ấn, sản xuất.
Theo thống kê, việc triển khai giai đoạn 1, trong vòng 5 năm sẽ cấp đổi 24 triệu CMND với khoản chi phí ước hơn 600 tỉ đồng. Nếu làm hết 60 triệu CMND cho những người đến tuổi thì con số này sẽ lên hàng ngàn tỉ đồng.
|
“Theo quan điểm của tôi, CMND là phổ cập trong xã hội. Quản lý là trách nhiệm của cơ quan chuyên môn; những việc gây ra sự bất tiện thì phải xem xét lại”, ông Lộc nói.
Đồng tình theo quan điểm này, TS Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp - cho rằng trong xu thế xã hội hiện nay, có nhiều người được thụ tinh nhân tạo, sinh ra trong ống nghiệm thì sẽ rất khó để thể hiện tên bố hoặc mẹ. Hơn nữa, các thông tin là bí mật đời tư, việc công bố công khai sẽ ảnh hưởng đến người được cấp.
“Tôi chỉ tiếp nhận thông tin này theo tinh thần Nghị định của Chính phủ, còn trước đó khi soạn thảo việc cơ quan thẩm định, đánh giá cũng như có tính đến sự phù hợp với bộ luật Dân sự, luật Bảo vệ trẻ em hay không thì tôi không được rõ, cá nhân tôi cho rằng việc để tên cha mẹ là không cần thiết”, ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, do có nhiều ý kiến phản đối nên Bộ trưởng Bộ Tư pháp vừa chỉ đạo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tiến hành nghiên cứu, kiểm tra những nội dung được nêu trong Thông tư 27 của Bộ Công an, trong đó có việc đưa thông tin về bố, mẹ công dân lên CMND. Nếu phát hiện những nội dung trong Thông tư 27 không phù hợp với luật Dân sự và đảm bảo quyền bí mật thông tin cá nhân, Bộ Tư pháp sẽ có ý kiến chính thức tới Bộ Công an để kiến nghị Chính phủ sửa đổi.
Vẫn có thể kiến nghị sửa đổi
Trao đổi với Thanh Niên chiều qua, trung tướng Tô Thường, Tổng cục trưởng Tổng cục VII, cho biết ông đã nhận được nhiều thông tin trái chiều về CMND mẫu mới, trong đó có quy định ghi tên cha mẹ. “Về việc này chúng tôi cũng nói rõ luôn là không phải do Bộ Công an quy định mà là thực hiện theo Nghị định của Chính phủ. Mặt khác, trong quá trình thực hiện thí điểm, nếu có những vấn đề bất cập thì bộ sẽ nghiên cứu, đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi”, ông Thường nói.
Theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (C64), Bộ Công an, quy định cấp CMND mẫu mới không bắt buộc; những người đang dùng CMND theo mẫu cũ nhưng chưa hết thời hạn 15 năm vẫn tiếp tục sử dụng chứ không phải đổi. Việc thí điểm cấp mới CMND triển khai đến khu vực nào thì người làm thủ tục cấp CMND lần đầu sẽ được làm theo mẫu mới. Chỉ trừ trường hợp CMND bị hỏng mất hoặc chuyển hộ khẩu thường trú, cần cấp lại thì mới theo mẫu mới. Trình tự thủ tục cấp CMND vẫn thực hiện theo quy định cũ trước đây. Tuy nhiên người xin cấp CMND sẽ không phải lăn tay trên mực, nộp ảnh như trước đây mà việc này sẽ thực hiện bằng máy và nhập các thông tin vào hệ thống.
Mức phí cấp mới CMND là 30.000 đồng, đổi CMND là 50.000 đồng, cấp lại CMND là 70.000 đồng.
(Thanh Niên)