Đằng sau những bức tường trại giam, chằng chịt dây thép gai là thế giới của những con người đã có quá khứ lầm lạc. Họ là những phạm nhân ở đây để trả án cho những tội lỗi của mình đã gây ra, số đông trong họ đều tu tâm dưỡng tính, cố gắng nỗ lực để mong sớm một ngày trở về với cộng đồng. Nhưng không phải tất cả, mà vẫn còn có những phạm nhân đêm ngày nung nấu một ý định trốn chạy khỏi nơi giam giữ. Khi ấy, nhiệm vụ của các trinh sát trại giam là phải truy bắt bằng được những phạm nhân trốn trại về chịu án, ngăn chặn tội ác có thể lại xảy ra.
Bởi nếu không, hậu quả sẽ khôn lường, Thượng tá Trần Văn Tải, Phó Giám thị Trại giam Hồng Ca trong một lần trò chuyện đã khẳng định chắc nịch với chúng tôi như vậy. Theo Thượng tá Trần Văn Tải, khi phạm nhân còn ngoài vòng pháp luật thì tội ác hoàn toàn có thể tiếp tục xảy ra. Và trong hàng chục năm trong nghề, Thượng tá Trần Văn Tải cho biết kể từ năm 1999 thế kỷ trước đến nay, rất ít phạm nhân có thể trốn khỏi Trại giam Hồng Ca, mà dù có “sáng tạo” ra muôn vàn chiêu trò, kế sách tinh vi, liều lĩnh đến thế nào nhằm trốn chạy sự trừng phạt của pháp luật thì sớm muộn gì cũng bị bắt về quy án.
Nhưng đằng sau hành trình truy bắt phạm nhân trốn trại đầy áp lực ấy là câu chuyện mà không phải ai cũng biết về sự kỳ công, nỗi gian nan của những người lính trinh sát trại giam. Thượng tá Trần Văn Tải kể, năm 2012, khi phạm nhân Hờ A Súa (43 tuổi), ở xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái đã trốn khỏi trại giam; gần 200 trinh sát của trại giam đã được điều động tỏa đi khắp nơi truy tìm dấu vết và bắt “nóng” phạm nhân.
Còn nhớ hôm đó, chẳng mặc thời gian đã là đêm, các trinh sát còn bỏ cả ăn để lập thành 20 vòng chốt trên núi, các tuyến đường bộ để lần tìm manh mối. Một mũi trinh sát khác giữa đêm cũng lên đường tìm đến nhà phạm nhân để nắm tình hình, bởi phạm nhân sau khi bỏ chạy khỏi trại giam có thể tìm cách về nhà lấy tiền bạc, quần áo, lương thực… để tiếp tục bỏ trốn. Cứ như vậy, ròng rã 3 ngày đêm tiếp nối sau đó các trinh sát cứ ăn bờ, ở bụi, lúc chèo rừng, lúc lội suối… để truy tìm tung tích. Khi đã “định vị” được phạm nhân trốn trại, mọi biện pháp nghiệp vụ, “câu nhử”, “giăng mồi”, kịch bản đánh án được lên kế hoạch chi tiết, phân công phân nhiệm cho từng trinh sát một cách tỉ mỉ, bởi chỉ cần sai một li nếu thời khắc đó phạm nhân có súng, có lựu đạn… thì án mạng có thể xảy ra.
Một trinh sát trại giam chia sẻ với chúng tôi rằng, trong nhiều lần truy bắt phạm nhân trốn trại, đôi lúc anh cảm thấy đau xót khi phải chứng kiến những phạm nhân chẳng lo cải tạo đến ngày trả hết án mà chỉ ủ mưu trốn chạy. Kể ra còn chưa hết, còn có những phạm nhân sau khi thoát trại còn thách thức cả các giám thị, quản giáo, trinh sát trong trại giam. Thượng tá Trần Văn Tải kể lại: “Tôi từng chứng kiến có phạm nhân trốn xong còn viết thư về trại tuyên bố rằng: “Cháu đã trốn là không bắt lại được đâu”. Họ còn thách đố cả những người trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý, giáo dục và cảm hóa họ trong suốt thời gian cả tạo trong trại giam”.
Và những đêm không ngủ
Thực tế trong “thế giới thu nhỏ” của những người phải khoác trên mình bộ áo sọc có muôn vàn lý do đưa họ đến đây. Từ chịu án mức vài năm đến chung thân, từ những phút nhất thời không kiểm soát được hành vi dẫn đến phạm tội, từ những kẻ vào tù ra trại như cơm bữa, đến những kẻ gây nên những tội ác không thể dung thứ, bị cả xã hội lên án; nên những kẻ “nuôi” dã tâm trốn tù cùng vì thế mà “sáng tạo” bằng muôn phương cách.
Phần đông trong số đó bị bắt “nóng” lại ngay khi mới tẩu thoát khỏi trại giam được ít ngày, nhưng cũng có kẻ “ngụy trang” bằng cách thay tên đổi họ, di chuyển liên tục, thay đổi chỗ sinh sống thường xuyên, vào rừng ở bụi, dùng các biện pháp phẫu thuật để biến hình đổi dạng… đã khiến các trinh sát trại giam phải dốc tâm rút lực, lăn lộn hàng tháng, thâm chí hàng năm trời mới lần tìm ra tung tích.
Trần Văn Đông (SN 1963), ở ấp Quang Ninh, xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang là một phạm nhân như thế; trốn trại lần một bất thành, lần hai thì thành công. 22 năm sau, Trần Văn Đông bị bắt về quy án, và người chặn đứng chuỗi ngày lẩn trốn khi ấy chính là Thiếu tá Nguyễn Văn Bé Năm, Đội trưởng trinh sát ở Trại giam Mỹ Phước.
Đến nhận nhiệm vụ sau khi Trần Văn Đông trốn trại trước đó rất lâu nhưng trinh sát Bé Năm vẫn quyết không từ bỏ “mục tiêu”, kiên trì đeo bám để lần tìm tung tích kẻ trốn trại. Thường xuyên sau đó trinh sát Bé Năm liên tục đi về quê nhà của Trần Văn Đông để lân la dò hỏi thông tin từ hàng xóm, người thân của Đông. Và cuối cùng, một đầu mối đã hé mở khi trinh sát Bé Năm nhận được một thông tin mơ hồ rằng Đông đang sống đâu đó quanh khu vực Bến xe Miền Tây, TP.HCM. Sau đó là những tháng ngày tạm rời trụ sở để bám theo hướng này, đổ công sức đi điều tra và trinh sát Bé Năm nắm được thông tin Đông bị bắt ở Long An, đã đưa ra xét xử về tội Trộm cắp tài sản, đã thụ án xong và ra tù.
Không quản gian nan, trinh sát bé Năm lại tiếp tục “đào xới” toàn bộ hồ sơ các vụ án trộm cắp ở Long An vào thời gian đó nhưng không có một chút dấu vết nào của Đông. Mọi chuyện tưởng chừng như đã vô vọng, nhưng trong số các hồ sơ liên quan lại có một trường hợp trùng hợp về năm sinh. Không nản, cộng thêm linh tính mách bảo, nhiều ngày sau đó trinh sát Bé Năm thử đánh liều xác minh về nhân vật bằng cách “hóa trang” lân la dò hỏi những người lái xe ôm, bán hàng rong.... Cuối cùng, bằng các biện pháp nghiệp vụ, trinh sát Bé Năm tìm cách tiếp cận trường hợp trùng hợp để “bóc” lớp vỏ bọc hoàn hảo dù đã thay tên đổi họ mà thân phận chính là Trần Văn Đông - phạm nhân trốn trại.
Cũng giống như Trần Văn Đông, phạm nhân Nguyễn Văn Ngọc, quê ở huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng cùng tay tên đổi họ và sống chui lủi sau khi trốn khỏi Trại giam số 3, Bộ Công an. Trung tá Nguyễn Sỹ Chương (SN 1966), cán bộ phụ trách Đội trinh sát, Trại giam số 3 cùng hàng trăm trinh sát đã được huy động để để lần tìm tung tích. Và cuộc “rượt đuổi” đầy gian nan, vất vả kéo dài tới 11 năm, Trung tá Nguyễn Sỹ Chương đã bắt được Nguyễn Văn Ngọc về quy án. Sau khi trốn trại, cứ tạm ở đâu khi thấy “động” là Ngọc lại cao chạy xa bay.
Nhiều năm tháng sau đó, nắm được thông tin Ngọc đang sống trong miền rừng tỉnh Đắk Lắk, Trung tá Nguyễn Sỹ Chương cùng đồng đội lên đường khi trong tay chỉ vẻn vẹn có một tấm ảnh bé bằng bao diêm đã ố vàng của phạm nhân Nguyễn Văn Ngọc. Bỏ trốn lâu, hình dạng đã thay đổi nhiều nhưng các trinh sát Trại giam số 3 không thể ngờ được Ngọc liều lĩnh đến mức tự rạch mặt mình thành sẹo chi chít để “ngụy trang”. Sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát đã xác thực chính người công nhân đang cạo mủ cao su là Nguyễn Văn Ngọc.
Manh động, liều lĩnh, khi phát hiện các bóng trinh sát, Ngọc mang theo vũ khí chạy thục mạng vào rừng lẩn trốn. Hơn 10 ngày ròng rã ăn lương khô, uống nước suối, không dám chợp mắt, kiên trì mai phục vì chỉ cần lơ đãng một tích tắc thôi là mọi công sức đều đổ bể, phạm nhân Nguyễn Văn Ngọc đã bị bắt vì kiệt sức, lương thực mang theo đã cạn… Và cũng chính Trung tá Nguyễn Sỹ Chương - người được đánh giá là “cao thủ” chuyên bắt phạm nhân trốn trại sau nhiều ngày sống trong rừng, luồn đèo, leo núi, xuống đồi hiểm trở đã bắt được Lê Phạm Thơ. Đến lúc bị bắt, phạm nhân trốn trại này không thể nghĩ được rằng người đàn ông trong trang phục dân tộc đứng sừng sững trước mặt mình chính là Trung tá Nguyễn Sỹ Chương, trinh sát Trại giam số 3.
Công tác trinh sát là “xương sống” của trại giam
Trong hành trình gian nan truy bắt phạm nhân trốn trại không thể không nhắc đến câu chuyện của Thiếu tá giàu kinh nghiệm Vũ Hợp Thành, Đội phó Đội Trinh sát Trại giam Hồng Ca - người được giao nhiệm vụ truy bắt “nóng” phạm nhân trốn trại Đàm Tuấn Nguyên (SN 1987), có HKTT ở TP Lào Cai - một tướng cướp cực kỳ nguy hiểm, khét tiếng về độ liều lĩnh và hết sức manh động.
Khi vụ việc được phát hiện, phạm nhân Đàm Tuấn Nguyên đã trốn khỏi trại giam 2 giờ đồng hồ. Thiếu tá Vũ Hợp Thành (khi ấy đang mang quân hàm Đại úy) nhớ lại: “Lúc đó các mũi trinh sát đã được điều động tỏa đi khắp nơi, sau nửa ngày truy bắt không có kết quả chúng tôi đã xác định cuộc lùng bắt phạm nhân này quay lại quy án chắc chắn sẽ phải tốn nhiều thời gian, công sức”…
“Lúc đó chúng tôi xác định bằng mọi cách phải thu thập được tất cả thông tin của phạm nhân trốn trại này. Từ việc lục tìm thông tin của Nguyên tại các ga tàu, bến thuyền và cả những bãi vàng, bất kỳ nơi nào đối tượng có thể tá túc đều được chúng tôi “hỏi thăm” để không bỏ lọt. Sau 10 ngày tìm kiếm mà không có bất cứ tin tức nào của đối tượng, toàn bộ lực lượng truy bắt lên các phương án truy bắt một cách tỉ mỉ, chi tiết. Rồi cả đội lại xin quay lên Lào Cai, ngày thì bám các cơ sở nhà dân, đêm xuống lại lân la tới các đối tượng giang hồ để tìm kiếm tin tức về Nguyên.
Suốt 1 tháng ròng rã, toàn bộ lực lượng trinh sát, cảnh vệ và Ban giám thị không thể nào chợp mắt được vì chưa có tin tức của Nguyên; đến chiều cận 30 Tết mà thông tin về Nguyên vẫn bóng chim tăm cá... Không lẽ nào Nguyên còn lẩn trốn trong rừng chưa ra? Đối tượng này có thể “bốc hơi” hay biết “tàng hình”? Không nản, 6 tổ trinh sát Trại giam Hồng Ca tiếp tục lên đường để lần theo manh mối. Cuối cùng qua một nguồn tin từ cơ sở, các trinh sát đã xác định được vị trí của Nguyên tại Đà Lạt và đang làm việc tại một quán café. Sau khi tiếp cận quán café biết được thông tin Nguyên đang đi lấy nguyên liệu chuẩn bị đổi ca phục vụ bàn, tổ trinh sát đã quyết định mai phục, bắt y tại quán” - Thiếu tá Vũ Hợp Thành kể lại: “Khi bị bắt, Đàm Tuấn Nguyên còn ngơ ngác không hiểu vì sao mình bị bắt và không thể nhận ra chúng tôi, những trinh sát tại nơi giam giữ y bởi vì hơn 1 tháng trời bám địa bàn khắp các tỉnh miền Bắc - Trung - Nam, anh em sống trong những giấc ngủ chập chờn, chả còn để ý đến đầu tóc và râu đã mọc dài, mặt mũi hốc hác phờ phạc, khiến tên cướp “quen mặt” này đã không nhận ra”…
“Công tác trinh sát trại giam - là linh hồn, là xương sống của trại giam. Công tác trinh sát phải nắm được toàn bộ diễn biến tư tưởng của phạm nhân để làm chủ, phân hóa, bóc tách sẽ làm tốt công tác quản lý, phòng ngừa, nếu không thì lúc nào cũng canh cánh trong lòng như ngồi trên đống lửa” - Thượng tá Trần Văn Tải, Phó Giám thị Trại giam Hồng Ca cho biết.
Từ muôn câu chuyện phạm nhân trốn trại mới thấy được, trong “thế giới thu nhỏ” đằng sau cánh cửa trại giam, không phải phạm nhân nào cũng hối cải, chấp nhận lao động cho tới ngày hết án, hay cố gắng cải tạo tốt để hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Nhưng với những phạm nhân liều lĩnh trốn trại, họ không hiểu rằng cho dù “kế hoạch” có chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng nhường nào, kể cả khi đã thoát ra được ngoài thì cũng phải sống kiếp chui lủi, thường trực nỗi lo bị bắt trong những ngày đằng đẵng sau đó, để rồi tội chồng lên tội và ngày về càng thêm xa.
Theo Quân Trần/An ninh Thủ đô