(Kienthuc.net.vn) - Trước đây, gỗ sưa trong vùng nhiều vô kể, có những cây lớn hai người ôm không xuể, người dân chặt làm củi nấu, làm nhà hoặc đắp đống dưới gầm nhà để làm quan tài phòng khi trong gia đình không may có người qua đời. Người dân nơi đây chẳng thể ngờ điều đó lại khiến cho nhà mồ của người chết bị kẻ xấu đào bới tung tóe để trộm bộ quan tài gỗ sưa.
Từ trung tâm huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, chúng tôi theo con đường đất đỏ bazan dẫn vào xã Kông Lơng Khơng bạt ngàn những mía. Đứng trên đỉnh dốc, phóng tầm mắt ra xa, vạt mía hàng nghìn hécta trông như mảnh lụa xanh biếc trải dài tít tắp tới tận chân núi. Người ở nơi xa đến mấy ai biết rằng, trước đây, vùng đất này vốn là lãnh địa của loại gỗ sưa bạc tỉ lẫy lừng ngự trị.
|
Vùng đất bạn ngàn mía này trước đây là nơi ngự trị của gỗ sưa. |
Ngồi với chúng tôi dưới ánh trăng rằm tháng Mười sáng tỏ, già làng Đinh H’Mưng, làng Mơ H’Ra, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang trầm ngâm kể chuyện xưa như một pho sử thi sống của buôn làng. Ông nhớ về một thời gỗ sưa trong vùng được sử dụng chủ yếu để làm... củi nấu.
Ngày trước, vùng Kbang, An Khê, An Pơ của tỉnh Gia Lai, gỗ sưa nhiều vô kể. Cũng như các loại gỗ tạp khác, gỗ sưa mọc nhiều trong những cánh rừng phía tây, giáp với dãy Trường Sơn hùng vĩ. Dân làng vào rừng chặt gỗ sưa về làm nhà, xẻ gỗ đóng bàn ghế cho học sinh hoặc làm củi nấu. Cây lớn cỡ hai người ôm thì giữ lại làm áo quan cho người chết...
Gỗ sưa khi đốt có mùi thơm thoảng nhẹ quyến rũ kiểu hương trầm. Thời bấy giờ để bán được những cây gỗ sưa lớn, người dân địa phương thường nói dối những người buôn gỗ lậu đó là gỗ hương.
|
Gỗ sưa có hương thơm quyến rũ khi đốt. |
Cách đây gần chục năm, một số người lạ mặt không biết từ đâu xuất hiện trong vùng, họ đi thu mua gỗ sưa với giá 5.000 đồng/kg. Đang từ một loại gỗ tạp, giá trị sử dụng rất ít, người dân địa phương bắt đầu mơ màng hiểu về giá trị kinh tế của loại gỗ này. Chỉ trong một thời gian ngắn, những cây sưa lớn nhỏ trong vùng bị đốn hạ không thương tiếc. Gỗ sưa theo những chuyến xe gắn máy, ô tô dời xa buôn làng, dạt về đâu không ai rõ nữa.
Gỗ xưa khan hiếm dần, giá trị tiền tệ của nó cũng được các thương lậu thu mua đẩy cao lên hàng ngày. Từ vài nghìn đồng mỗi kilogam lên vài chục ngìn đồng, rồi vài trăm nghìn… và bây giờ gỗ sưa có giá lên đến vài triệu đồng một kilogam.
Sưa đắt, người ta phá cả nhà cổ tìm những khúc gỗ sưa đem bán. Không chỉ có người Kinh, một số gia đình người dân tộc Bana nhạy bén với thời cuộc đã chớp nhanh cơ hội để làm giàu.
|
Người dân vào rừng đào bới rễ gỗ sưa đem về bán. |
Khi nguồn gỗ sưa cạn kiệt, người dân buôn làng cơm đùm, cơm nắm, lỉnh kỉnh mang bao bị kéo nhau vào rừng tung đá, bới đất, lật tìm từng cọng rễ sưa lên để mang về bán. Có những chuyến đi chóng vánh, sáng đi tối về. Rồi cũng có những chuyến đi kéo dài dai dẳng cả tuần hay lâu hơn thế nữa. Tuy nhiên phần lớn họ tay trắng trở về trong sự mệt mỏi, chán chường, đau ốm vì đói ăn, nằm rừng muỗi đốt, uống nước suối lạnh.
Anh Đinh H’Ní (25 tuổi), vốn là một công an viên thôn Kuk Côn, xã An Thành, huyện An Pơ (Gia Lai) cũng không thể làm ngơ trước ma lực đồng tiền từ gỗ sưa đem lại. Cách đây chưa lâu, anh và một người trong thôn quyết định lên rừng tìm sưa để mong có cơ hội đổi đời mặc cho sự can ngăn của vợ trẻ, con thơ.
Lang thang trong rừng suốt 6 ngày ròng rã, gặp bất cứ rễ cây nào họ cũng dùng lửa để thử. Đến ngày thứ 7 thì hai người tìm được một gốc sưa đã mục bên bờ suối trước đó đã bị ai đào lấy hết. Bới tung đất đá, hai người mừng quýnh khi phát hiện những chiếc rễ quý đã mục vẫn còn sót lại, dù rất nhỏ. Cả ngày đào bới, họ gom được 19kg rễ sưa vụn nát đem về bán được 6 triệu đồng.
|
Đinh H’Ní với gói rễ gỗ sưa giữ lại làm kỉ niệm. |
Sau lần này, Đinh H’Ní cùng bạn còn lên rừng một lần nữa nhưng cả hai đã phải trở về tay không, bụng đói meo, người gầy rạc. Từ đó, họ nhận ra rằng mộng gỗ sưa đã không thể giúp họ đổi đời. Vùng đất gỗ sưa ngự trị đã trở thành ký ức một thời đã xa.
Giữ lại một gói rễ gỗ sưa đã mục, H’Ní đem ra khoe với tôi: “Tiếc quá, khi mình lớn lên thì sưa không còn nữa. Trước đào được một ít, mình đem bán rồi giữ lại vài rễ để làm kỉ niệm”. Nói xong, H’Ní lấy một miếng nhỏ tặng tôi.
Khắc Lịch
[links()]
Đang đọc nhiều: