"Vỗ ngực" vì bộ tem chó lớn nhất Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Gặp ông Hoàng Châu Kỳ, chỉ "dăm câu ba điều" là kiểu gì ông cũng quay về chuyện sưu tập tem, tiền và... thơ Nguyễn Bính.

Mê tem đến... dại người!
Trên đời không hiếm người có thú chơi đặc biệt nào đó: Người mê chó, người mê chim, người lại thích cá cảnh... Riêng chơi tem cũng có rất nhiều người. Nhưng ông Kỳ là người mê tem đặc biệt. Lần đầu biết, nói chuyện với ông về một việc khác, sau vài ba câu tôi đã được ông dẫn dắt vào câu chuyện chơi tem với lời khoe và hứa hẹn: "Này. Tôi hay sưu tập tem lắm. Hôm nào chị đến nhà tôi, tôi sẽ cho chị xem rất nhiều tem mà tôi có". Và tôi đã đến.
Tại phòng riêng của ông Kỳ, phòng tuy nhỏ nhưng có cả một cái tủ chỉ để chứa tem. Bộ sưu tập của ông có cả tem Việt Nam và tem thế giới. Hơn 100 quyển album chứa tem được đánh số thứ tự và xếp rất ngăn nắp: Gáy quay ra ngoài, trên gáy anbum ghi rõ nội dung chủ đề tem chứa ở trong. Ví dụ: 7 kỳ quan thế giới, Hồ Chí Minh, quân đội, Mác - Lê Nin, danh nhân... Với chủ đề nào mà có nhiều tem, ông làm nhiều quyển và chia ra "A", "B". 
Ông Kỳ (80 tuổi, ở số 7/27 ngõ chùa Liên Phái, phố Bạch Mai, Hà Nội) mang tem ra khoe với khách
Là người nhiều năm công tác trong ngành bưu chính viễn thông (ông Kỳ làm công tác điện báo) nên ông Kỳ rất hiểu về lịch sử ngành bưu chính viễn thông, về điện máy, điện báo, nghề đưa thư và ý nghĩa các con tem. Ông cho biết: "Tất cả mọi hoạt động của xã hội gần như được đưa hết lên tem, từ lãnh tụ, văn hóa, xã hội, khoa học... Vì thế, qua tem có thể biết được nhiều thứ về xã hội". Tem mà ông Kỳ có phần lớn là mua, một số thì được tặng.
Nhìn ông Kỳ cẩn thận lật giở và hào hứng khoe bộ sưu tập, tôi hỏi: "Sưu tập tem có gì thú vị?". Ông trả lời bằng việc tiếp tục... khoe: "Tôi sưu tập từ năm 1960. Chiến tranh, rồi chuyển nhà... nhưng lúc nào tôi cũng giữ cẩn thận tem. Tôi có cả tem in sai. Mua mất 300 ngàn đồng đấy, mà nó chỉ đáng vứt đi". 
Ông giảng giải: "Trong giới chơi tem, người ta đánh giá tem dị bản mới là quý, được điểm cao". Miệng nói, tay ông lật giở: "Đây này. Đây là tem ông Lê Nin, lại bị đột răng ở giữa tem (đáng ra phải đột ở viền quanh con tem); Tem 4 sao vàng là thư rất khẩn cấp; Tem không có cờ bay (phát hành năm 1954); tem chưa có đột răng...".
Hai đồng tiền cổ. 
150kg tiền và nỗi lo cuộc đời là hữu hạn
Đang miên man chuyện tem, chợt ông Kỳ lục tủ lôi ra đồng tiền có chữ "Tây Vương Thưởng Công" được ông ép plastic cẩn thận, nói là của vua Tự Đức và đồng đô la phát hành năm 1876. Tôi hỏi: "Ông lại tích cả tiền nữa cơ à?". Ông nghiêm mặt: "Thế này ăn thua gì. Tôi có 150kg tiền gồm cả tiền xu, tiền giấy, tiền Việt lẫn tiền nước ngoài, nhưng phải đem đi gửi rồi".
Giải thích về việc phải gửi tiền, ông nói: "Mọi khi để tiền ở nhà, nhưng từ ngày vợ mất (vợ ông mới mất chưa qua giỗ đầu), ông hay lên nhà con cái (ở địa chỉ khác ở). Nhà không có chủ mà để nhiều tiền không tiện."... Nói rồi ông thở dài thườn thượt. 
Theo lời ông Kỳ, ông có cả đồng 2 xu giấy cụ Hồ in năm 1946, 3 đồng 5 xu giấy cụ Hồ (3 đồng ấy lại có 6 số giống nhau nhưng khác sê ri)... Khác với tem đang còn "tiếc rẻ", vẫn muốn giữ... ông Kỳ đang muốn bán lại cho ai thực sự thích sưu tập tiền toàn bộ số tiền ông đang có bởi: "Tuổi đã cao, con cái lại không mê sưu tập nên đằng nào sau này tôi mất chúng cũng sẽ bán"!...
Nghe tâm sự của ông già 80 tuổi tuy trông còn khoẻ mạnh nhưng tự biết "cuộc đời là hữu hạn", lo liệu cả việc mình nằm xuống thì nào tem, nào tiền ai sẽ là người tiếp quản... tôi cũng thấy có chút ngùi ngùi. Tuy vậy, gia tài tiền mà ông Kỳ có đang được  rao bán với giá 100 triệu đồng. Không biết ai có khả năng bỏ ra từng ấy tiền để mua lại?
Một số loại tem được ông Kỳ sưu tập. 
Vỗ ngực vì bộ tem chó lớn nhất Việt Nam
Cả nước hiện đang có khoảng 5 vạn người sưu tập tem, có 33 hội tem đã được thành lập ở các tỉnh, thành (nhiều tỉnh không có hội tem nhưng vẫn có người chơi tem). Người chơi tem thuộc đủ thành phần, lứa tuổi từ công chức, giáo viên, kỹ sư... Sáng thứ 7 hằng tuần, cứ từ 10h sáng, tại 14 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) lại có người sưu tập tem, bán tem đến đó để giao lưu, mua bán, trao đổi. Và từ 10h sáng chủ nhật, trước cửa số nhà 160 Triệu Việt Vương (Hà Nội) lại có chợ tem trên vỉa hè. Ông Kỳ cho biết mình đang gửi bán bộ tem chó (gồm hơn 500 con tem chó của toàn thế giới) ở đó. "Ai có bộ này có thể vỗ ngực vì mình có bộ tem chó lớn nhất nước Việt Nam!", ông Kỳ nói.
Ông Kỳ cho hay, giá trị của tem là do người chơi định ra. Ông cười mà rằng: "Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã" ấy mà! Cùng mê tem, người ta sẽ tìm đến nhau, mua bán, trao đổi với những giá trị do chính người chơi định ra. 
Câu chuyện miên man khi ông Kỳ ngẫu hứng ngâm nga mấy câu thơ của Nguyễn Bính và rồi lại khoe: "Tôi có 147 bài thơ viết về Nguyễn Bính trong khi ông Tô Hoài mới chỉ có 92 bài thôi". Tôi là người thích thơ, yêu thơ Nguyễn Bính, nhưng quả thực với những điều ông Kỳ nói thì nhiều điều tôi còn chưa biết. Chẳng hạn như: Nguyễn Bính có bài thơ tặng chị Trúc, vậy chị Trúc là ai?; có bao nhiêu điệp từ trong thơ Nguyễn Bính (cái này phải đọc hết thơ Nguyễn Bính và làm thống kê)... 
Tạm biệt người đàn ông hay khoe, nhưng những cái khoe của ông rất dễ chịu, làm người đối diện thấy tò mò và thích thú. Tôi nghĩ ai gặp ông Hoàng Châu Kỳ cũng sẽ có cảm giác như thế.
Ông Hoàng Châu Kỳ là Tổng Thư ký Hội tem Việt Nam từ năm 1994 - 2010. Ông đã đi 10 nước trên thế giới, dự nhiều cuộc triển lãm tem; từng được Huy chương bạc quốc gia tại Triển lãm Vietstampex 2000 tổ chức ở Hà Nội với bộ tem "Câu chuyện truyền tin". Hiện nay, ông làm việc tại Tạp chí Tem.
Hoài Hương