“Vua” khóa Hà Thành

Google News

(Kiến Thức) - Tốt nghiệp trường Đại học Thương mại năm 2004 nhưng anh Nguyễn Lưu Mỹ, ở số 1, ngõ 118 đường Trương Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội về nhà làm nghề sửa khóa trước sự khó hiểu của gia đình, bè bạn...

Mặc dù đã tối, nhưng chiếc điện thoại trên bàn của Mỹ vẫn rung liên tục vì khách hàng gọi đến nhờ mở khóa. Anh Mỹ tâm sự: "Mỗi khi có người mất chìa khóa ô tô, xe máy, nhà cửa... đều gọi đến cho mình bất kể ngày, đêm".
Nhớ trên 300 loại rãnh khóa
Lưu Mỹ đến với cái nghề tỉ mẩn này từ hồi mới lên chín, lên mười. Hồi đó anh được cha truyền dạy nghề sửa chữa khóa, với "bí kíp" mà cha truyền lại, anh lóc cóc đạp xe từ phố Huế, đến Trương Định, rồi vòng sang tận Cửa Nam, Cửa Bắc để sửa khóa.
Anh Mỹ bảo: "Trước đây, người dân dùng khóa cơ là chủ yếu nên đồ nghề mang theo cũng rất đơn giản, chỉ cần bỏ vào túi mấy chục phom khóa, vài cái giũa và sợi dây thép bé bằng cái kim và hiện đại hơn là cái vam mở khóa là có thể hành nghề ngon lành. Khi có người làm rơi chìa khóa, mình chỉ cần dùng sợi dây thép nhỏ đưa vào, rồi vặn nhẹ một cái là khóa mở được ngay".
Không ngờ cái nghề tưởng chừng bần cùng mạt hạng đó lại ngấm vào cậu bé Mỹ như duyên nợ. Sau mỗi buổi cắp sách đến trường, người ta thấy cậu bé Mỹ có thân hình nhỏ thó đạp chiếc xe cà tàng lóc cóc đến khắp các đường cùng, ngõ hẻm ở Hà Nội sửa khóa thay cha.
Lâu không có người hỏi chuyện xưa cũ, khi gặp chúng tôi và kể về cơ duyên nghề khóa, bao nhiêu kỷ niệm trong anh Mỹ lại ùa về. Anh Mỹ lôi cái ổ khóa bằng đồng cũ mèm ra rồi dùng sợi dây thép ngoáy tách một cái, ngay lập tức, khóa được mở mà không cần đến chìa. Anh khoe, cái khóa này thuộc dạng cổ, ngày nhỏ mình đã học nghề từ những ổ khóa như thế này. Thời gian mở khóa bằng dây thép ngang bằng với thời gian dùng chìa thật.
Anh Mỹ "phẫu thuật" một chiếc chìa khóa có gắn chip điện tử. 
Anh Nguyễn Lưu Mỹ chia sẻ: "Bí quyết để trở thành thợ khóa giỏi, không bị khuất phục trước bất kỳ loại khóa nào dù cổ lỗ hay hiện đại là phải cố gắng nhớ được càng nhiều kiểu cấu trúc khóa thì càng tốt. Khi đưa vam mở khóa hoặc sợi dây thép vào lỗ thì ngón tay phải đưa nhẹ nhàng để cảm nhận được rãnh khóa đó như thế nào, đầu dây thép đi đến đâu, rãnh khóa gồ ghề thế nào phải cảm nhận được hết và quan trọng là phải rất chính xác. Việc này phụ thuộc rất nhiều vào cảm giác của người thợ khóa. Người giỏi là khi đưa dây thép vào trong là biết ngay rãnh khóa thuộc loại nào và công việc còn lại là làm lại một chiếc chìa đúng theo rãnh khóa vừa cảm nhận được".
Theo anh Mỹ thì muốn sửa một loại khóa bất kỳ nào đó trước đây anh phải cưa đôi khóa ra để xem cấu trúc và cơ chế hoạt động bên trong như thế nào sau đó mới có giải pháp phá khóa đơn giản, hiệu quả nhất. Thế nhưng, cái khó của thợ sửa khóa không phải là việc bổ đôi khóa xem trong đó có gì mà ở chỗ phải chạy theo công nghệ ngày càng hiện đại, tinh vi và phải đối mặt với những loại khóa mà trước đó người thợ chưa từng gặp phải. Kinh nghiệm giải quyết chuyện này đó là phải dùng sợi dây thép luồn vào lỗ khóa và tìm ra cấu trúc tương thích với ổ khóa...
Anh Mỹ tiến hành sao chép mã số từ chip điện tử ra máy tính. 
Thợ khóa cũng phải có đức
Dẫn chúng tôi đến một ngôi nhà nhỏ nằm trong con ngõ nhỏ 118 ở đường Trương Định, anh Mỹ nhanh tay lôi ra một bộ khóa tích hợp 3 công nghệ hiện đại gồm phần cơ, tần sóng và số hóa. Đây là công nghệ hiện đại thường dùng cho ô tô, xe máy cao cấp... Loại khóa này rất khó ở chỗ phải biết được mã số của khóa, phá tần sóng và mở ổ khóa. 
Để phá loại khóa này, anh đã nghĩ ra cách gắn con chip của khóa vào một thiết bị liên kết giống như usb để kết nối với máy tính, sau đó sao chép mã số trong con chip này ra một đĩa CD mới, tiếp theo đó là dùng một con chip "sạch" (chip chưa cài mã số) chính hãng kết nối với máy tính và tiến hành sao chép dữ liệu, mã số ở đĩa CD. Sau khi có được mã số trong con chip mới rồi thì phải kết nối với tần sóng ngắn gắn trong xe để nhập lại mã số chính xác thì mới mở được khóa.
Những công đoạn phức tạp này chỉ cần thực hiện trong vòng vài phút là xong. Nếu người mới vào nghề thì phải mất cả tiếng vì phải mày mò sao chép mã số ra đĩa CD.
Một ổ khóa hiện đại thường tích hợp rất nhiều công nghệ, trong đó tìm mã số trong những chip điện tử là khó nhất. 
Đã mấy đời làm nghề sửa khóa, nhưng gia đình anh Mỹ truyền dạy những "bí kíp" cốt tử này cho rất ít người. Theo anh Mỹ thì không thể truyền dạy nghề cho những người tham lam, bởi họ có thể lợi dụng nghề để đi trộm cắp, gây họa cho xã hội. Một thợ khóa lành nghề thì chỉ cần chưa đầy 3 giây đã có thể mở khóa, đột nhập vào nhà người khác và thoát khỏi ngôi nhà đó trong khi vẫn cửa đóng then cài.
Để đề phòng kẻ xấu lợi dụng trộm đồ, khi đến sửa mình phải yêu cầu khách hàng xuất trình đăng ký xe, số khung, số máy, chứng minh nhân dân... sau đó mới tiến hành mở khóa. Nếu những "bí kíp" phá khóa rơi vào tay người xấu thì hậu quả không thể lường trước. "Trước đây mình đã bị công an "hỏi thăm" xem là có liên quan đến vụ đột nhập nhà người khác trong một vụ trộm nào đó ở Hà Nội hay không. Mặc dù mình chẳng liên quan gì cả nhưng đó lại là kinh nghiệm giúp mình cẩn thận hơn mỗi khi nhận mở khóa cho khách hàng hoặc nhận dạy nghề cho thợ sửa khóa", anh Mỹ cho biết.
"Hiện gia đình mình đã mở xưởng sản xuất phôi khóa cung cấp cho toàn bộ địa bàn Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, mình vẫn chưa thể mở rộng quy mô vì không tìm được người có tố chất tốt để đào tạo sâu nghề khóa".
Anh Nguyễn Lưu Mỹ 
Lợi Dương

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ

đõ văn luân -

Ai có số điện thoại anh thợ này không ạ

Lê Phù Sa -

không những....mà cần, thậm chí bắt buộc...
Tôi nghĩ không chỉ "Thợ khóa cũng phải có đức"

mà thậm chí đó phải là điều tiên quyết, bắt buộc

chả thế mà anh Mỹ phải nói hiện "không tìm được người có tố chất tốt để đào tạo sâu nghề khóa"

Hiển thị thêm bình luận