“Vườn hóa thạch” ở Đăk Lăk

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều nhà văn hóa và khảo cổ học cho rằng, tất cả những thứ tinh túy, hồn cốt của Tây Nguyên đã dồn hết về đây.

Hóa thạch triệu năm tuổi
Những mảnh Cúc đá tên khác là Amomoid (vỏ sò hóa thạch) có tuổi thọ từ tiền kỷ Jura cách đây gần 200 triệu năm được anh Hoàng Thành sưu tầm trong 20 năm ròng. Anh Hoàng Thành là người gốc Huế, theo gia đình di tản sau cuộc chiến tết Mậu Thân năm 1968 đến vùng đất Buôn Ma Thuật, tỉnh Đăk Lăk dựng nghiệp. Tuổi thơ của anh gắn liền với mảnh đất cao nguyên đầy  nắng, gió với những điều huyền bí khó gọi tên. 
Thế rồi số phận đưa anh đến với nghề xây dựng cầu đường, anh đi khắp những nẻo đường, những cánh rừng của Tây Nguyên hùng vĩ, đưa cần cẩu múc sâu vào lòng đất mở ra những con đường phát triển tương lai. Những lần vạt núi mở đường, anh Thành đã gặp những mẫu vật có hình thù kỳ lạ và đem về nhà trưng bày chơi.
Ngoài những mẫu vật Amomoid, anh Hoàng Thành còn có cả những mẫu cây hóa thạch có niên đại hàng ngàn năm. 
Anh Thành dẫn chúng tôi đến khu vườn trưng bày cổ vật rồi kể về duyên cớ đến với công việc thu nhặt đồ cổ hàng triệu năm: "Chuyện bắt đầu từ 20 năm trước, khi đó tôi làm nghề xây dựng cầu đường. Một lần, anh em công nhân san đường tôi thấy những mảnh đá có hoa văn hình xoắn ốc bung lên. Tôi cầm lên thấy rất lạ, thích thú nhưng không thể gọi tên được đồ vật đó là gì, mà cũng không biết nó có từ khi nào, giá trị của nó ra sao... 
Tôi liền đem những hòn đá kỳ lạ này về nhà để, qua mấy mươi năm làm nghề cầu đường, tôi đã "tha" về hàng hàng chục tấn cổ vật như vậy cùng những thân cây hóa thạch chỉ để nhìn ngắm. Lúc đó tôi không thể lý giải được vì sao lại đem lòng đam mê những thứ quái dị đó, trong khi vợ thì không hiểu chuyện gì đang xảy ra với cái đầu tôi và trong ngôi nhà nhỏ bé này. Khi những cổ vật này hiếm, tôi bắt đầu bỏ tiền túi ra thu mua từ khắp nơi đem về chỉ để... ngắm nhìn".
Thế rồi đến năm 2009, một đoàn công tác của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam do PGS. TS Phạm Văn Lực làm trưởng đoàn ghé vào nhà anh Thành tham quan kho cổ vật. Khi nhìn thấy những hiện vật này, các nhà khoa học đã nhận định ngay rằng, đây là những báu vật có giá trị đặc biệt về địa chất và cổ sinh địa tầng của mảnh đất Tây Nguyên. Đến tháng 3/2010, PGS.TS Lưu Đàm Cư, Phó Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cử đoàn khảo sát do TS Nguyễn Hữu Hùng, chuyên gia nghiên cứu về cổ sinh vật học vào tận nhà anh Thành để khảo sát, tìm hiểu.
Sau khi khảo sát kho cổ vật của gia đình anh Thành, nhóm chuyên gia cổ sinh vật học của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cho rằng, những cổ vật mà anh Thành sưu tập gồm các hóa thạch Chân rìu và các Amomoid có thể thuộc giống Dalatiseras hay còn gọi là Cúc đá, kích thước trung bình lớn, có thể đã được các tác giả Meister, Vũ Khúc, Đặng Trần Huyên mô tả 2002 trong địa tần Jura hạ thuộc hệ tầng Đăk Krông cách đây gần 200 triệu năm.
Anh Hoàng Thành với một mẫu Amomoid được xác định từ trung kỷ Jura cách đây 175,6 triệu năm. 
Di sản địa chất Tây Nguyên
Theo lý giải của các nhà khoa học thì bộ sưu tập của anh Thành rất quan trọng, nó là mật mã của quá trình hình thành vùng đất Tây Nguyên. Căn cứ vào những hiện vật có được, các nhà khoa học cổ sinh vật kết luận: "Lịch sử của mảnh đất Tây Nguyên bắt đầu từ gần 200 triệu năm trước, khi đó, vùng đất này vẫn đang chìm dưới đáy biển, trải qua quá trình kiến tạo địa tầng hết sức phức tạp và sự hoạt động mạnh mẽ của núi lửa đã đẩy một vùng đất bao gồm Tây Nguyên của Việt Nam, phía Đông Bắc Camphuchia, Nam Lào được đẩy lên cao như ngày nay. 
Tuy nhiên, một điều khá đặc biệt đó là dù cùng nằm trong hệ địa tầng Đăk Krông, nhưng chỉ có vùng Đăk Lăk, Đăk Nông và một phần Gia Lai có các loại Amomoid, những nơi khác thuộc Nam Lào và Đông Bắc Camphuchia không có".
Theo lý giải của các nhà nghiên cứu cổ sinh địa tầng thì cả vùng Đông Bắc Camphuchia, Nam Lào và Tây Nguyên của Việt Nam có địa hình lỏng chảo, vùng lòng chảo đó nằm ngay trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông. Chính vì địa hình lòng chảo này nên các Amomoid trôi dạt về vùng trũng Đăk Lăk, cho nên vùng này trở thành "kho" lưu trữ hóa thạch rất đa dạng, phong phú mà những nơi khác không thể có được.
Mẫu Amomoid được các nhà khoa học xác định từ tiền kỷ Jura cách đây gần 200 triệu năm. 
Một điểm khác khiến giới nghiên cứu cổ sinh địa tần ngạc nhiên đó là họ đã phát hiện bên trong một số Amomoid lại có kẹp một Amomoid khác có kích thước nhỏ hơn, có màu sẫm hơn Amomoid lớp ngoài. Điều này cho thấy lịch sử hình thành vùng đất Tây Nguyên hết sức phức tạp. Các Amomoid con (một loại sò biển) đã hình thành do sự phun trào của núi lửa thuộc tiền kỷ Jura cách đây gần 200 triệu năm. 
Trải qua thời gian, những Amomoid này trôi tự dọ trong nước biển. Đến trung kỷ Jura cách đây 175,6 triệu năm, núi lửa tiếp tục hoạt động mạnh, lúc này một số Amomoid phát triển sau đó có kích thước lớn hơn đã ngậm cả những Amomoid nhỏ hơn hóa thạch từ trước đó. Quá trình phun trào của núi lửa đã đẩy nham thạch tràn vào các Amomoid lớn, tiếp tục quá trình hóa thạch và có hình dạng như ngày nay.
Ngoài những hiện vat Amomoid quý giá này, tại kho lưu trữ của gia đình anh Thành còn có cả những thân cây hóa thạch cách đây hàng ngàn năm, điều này đem lại hình dung cụ thể về lịch sử phát triển của vùng đất Tây Nguyên, làm cơ sở cho việc nghiên cứu văn hóa của các tộc người Tây Nguyên dưới góc nhìn địa văn hóa.
(còn nữa)
"Cách đây mấy năm, tôi đã bán lại số lượng trên 11 tấn cổ vật cho Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam với số tiền trên 400 triệu đồng, số tiền thu được tôi dùng vào việc trả nợ ngân hàng vì phải đi vay tiền mua đồ cổ trước đó và xây dựng khu trưng bày trong vườn nhà. Hiện tại số cổ vật của gia đình tôi chỉ đủ trưng bày để khách thập phương tới tham quan chứ không bán nữa".
Anh Hoàng Thành
Trần Dương