Đã từng là nơi lánh nạn của vua Hàm Nghi sau khi Huế thất thủ, đền Thánh mẫu Trầm Lâm ở xã Phú Gia, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) là địa danh nổi tiếng khắp miền Trung về sự linh thiêng và bí ẩn. Hiện nay, đền Trầm Lâm còn lưu giữ nhiều dấu ấn cũng như báu vật mà vị hoàng đế thứ 8 của nhà Nguyễn ban tặng.
Vùng đất vua ở
Vào những ngày cuối hè chúng tôi về thành Sơn Phòng (địa danh từng là căn cứ của phong trào Cần Vương, gắn liền với vua Hàm Nghi - PV) ở xã Phú Gia, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) gặp gỡ những cụ cố đạo được nhân dân trong vùng tín nhiệm và giao phó thay phiên nhau trông giữ các báu vật do vua Hàm Nghi để lại. Các cụ kể rằng, năm 1885, sau cuộc binh biến đánh thực dân Pháp ở đồn Mang Cá (Huế) do Tôn Thất Thuyết lãnh đạo thất bại, vua Hàm Nghi được những vị trung thần Tôn Thất Thuyết, Trương Bảo Ngọc, Nguyễn Văn Tường hộ tống về ở ẩn tại núi Ấu Sơn nhằm mục đích để tránh xa khỏi sự theo dõi của bọn mật thám. Sau khi ổn định tình hình, vị vua yêu nước nhà Nguyễn tiếp tục cùng với những trọng thần hiệu triệu nhân dân cùng đứng lên chống thực dân Pháp. Tại đây, nhà vua đã được nhân dân Hà Tĩnh và các vùng lân cận đùm bọc, che chở để viết Chiếu Cần Vương.
Vua Hàm Nghi tên thật là Nguyễn Phúc Ứng Lịch, mới 13 tuổi đã được lên ngôi. Tuy còn rất trẻ nhưng ông là vị vua có tư tưởng tiến bộ, luôn giữ lập trường chống thực dân Pháp để mang lại độc lập cho dân tộc. Tuy vậy, do hoàn cảnh lúc đó không tương quan về lực lượng nên việc dẫn tới thất thủ của triều đình là một tất yếu. Nhưng trong con người vị vua trẻ tuổi luôn ấp ủ ý chí hiệu triệu sức mạnh toàn dân tộc chống lại thực dân Pháp.
Thành Sơn Phòng có địa hình chủ yếu là đồi núi với diện tích khoảng hơn 5 ha, rất thuận cho việc trú ẩn và xây dựng hệ thống thành phòng ngự. Thành được xây dựng gồm có 4 cửa: Tiền, hậu, tả, hữu và được bao bọc bởi những dãy núi trùng điệp. Tại đây, lần thứ hai vua tiếp tục ban Chiếu kêu gọi nghĩa sỹ, cũng như nhân dân toàn dân tộc phò vua chống giặc Pháp xâm lược. Ngay sau khi Chiếu Cần Vương ban hành ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam và một số tỉnh ở Bắc Kỳ, phong trào yêu nước nổ ra đồng loạt và rất rầm rộ. Trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân, thực dân Pháp buộc phải nghĩ tới việc dập tắt phong trào yêu nước và chúng biết rõ điều cần làm trước tiên là tìm ra chỗ ở của vua Hàm Nghi.
|
Cụ cố đạo Lê Khắc Tùng.
|
Về ở ẩn không lâu, địa phận trú ẩn của vị vua nhà Nguyễn không thể nào thoát khỏi sự rà soát ráo riết của bọn mật thám ở khắp nơi. Tình thế mỗi ngày một nguy cấp, vào một đêm tháng 9/1885, trong khi vua Hàm Nghi đang ngủ, trong giấc mơ ông được một nàng tiên nữ mặc áo dài trắng, chân đi đôi giày hia về báo mộng rằng: "Bọn bạch quỷ (thực dân Pháp - PV) đang đưa quân vây ráp, nhà vua hãy tính liệu, sắp có sự cố". Sáng mai khi thức giấc vua gọi các trọng thần cùng với các bô lão trong vùng đến để bàn bạc, chuẩn bị sơ tán sang vùng mới. Trước khi vua chuyển sang Quảng Bình đã làm lễ sắc phong cho các vị thần linh trong đền Trầm Lâm và ban lại nhiều báu vật gồm áo bào, gươm báu, 3 con voi (trong đó có 2 con bằng vàng, một con bằng đồng đen - PV), một con nghê đồng đen và 39 đạo sắc của các triều đại để lại. Từ đó đến nay, trải qua thời gian những người dân nơi đây thay phiên nhau trông coi và bảo vệ báu vật của nhà vua một cách cẩn thận.
Tuy vua Hàm Nghi chỉ ở lại trong một thời gian ngắn (3 tháng 10 ngày - PV), nhưng nhân dân thành Sơn Phòng xem đồ của vua ban là báu vật của làng. Họ thay phiên nhau cất giữ rất cẩn thận và lưu truyền cho đến ngày hôm nay. Cứ hai năm một lần, người dân xã Phú Gia lại tổ chức lễ rước sắc phong cho cụ cố đạo mới, được tổ chức vào ngày mồng 7 âm lịch. Những người được chọn giữ báu vật vua ban phải là các bô lão trong làng được người dân tín nhiệm, hiện tại ông Lê Khắc Tùng (SN 1935) đang giữ chức là cố đạo, thực hiện việc trông coi bảo vật vua ban.
"Giếng thần" chữa bách bệnh?
Đền Đức Thánh mẫu Trầm Lâm là một ngôi đền rất linh thiêng, được người dân xây dựng từ thế kỷ XV và trở thành địa chỉ văn hóa tâm linh của nhân dân huyện Hương Khê và các vùng lân cận. Đền đã được vua Hàm Nghi ban đạo sắc, sau đó vua còn làm lễ tạ ơn, vì nữ thần linh đã có công trong việc giúp vua chống giặc ngoại xâm. Ngôi đền mặc dù đã bị chiến tranh tàn phá rất nhiều, nhưng vẫn giữ được vẻ uy nghiêm, tĩnh lặng vốn có từ bao đời nay. Trước cổng đền Trầm Lâm có một giếng nước quanh năm không bao giờ cạn vào mùa khô, cũng như không bao giờ đầy vào mùa nước lũ. Tương truyền rằng một năm có 4 mùa thì nước giếng có 4 sắc. Mùa xuân nước xanh, mùa hạ nước hồng, mùa thu nước trắng và mùa đông nước đen.
Những người dân trong xã Phú Gia kể lại rằng “nước” giếng thần có thể chữa được bách bệnh, có những vợ chồng lấy nhau hàng chục năm nhưng vẫn không sinh con được, sau khi đến ngôi đền cầu xin Đức Thánh mẫu thì không lâu sau đó gia đình nọ đã có tin mừng. Rồi có những người mắc bệnh hiểm nghèo đi chữa trị từ Bắc chí Nam nhưng vẫn không khỏi, biết tin ngôi đền linh thiêng Trầm Lâm có giếng nước rất quý có thể chữa được lành bệnh, gia đình tới ngôi đền và cầu xin. Thật kỳ diệu, chỉ trong một thời gian ngắn người bệnh đã được khỏe mạnh bình thường.
Rất nhiều người dân nơi đây đã truyền miệng lại cho nhau về sự linh thiêng của ngôi đền Trầm Lâm. Cụ Phan (SN 1920) quê ở xã Phú Gia cho hay: “Người dân quê tôi từ bao đời nay luôn tâm niệm rằng, các vị thần linh trong ngôi đền thiêng này luôn che chở cho bà con, ban cho dân nhiều điều lành trong cuộc sống. Giếng linh thiêng cũng vậy, nước giếng không bao giờ cạn, có thể chữa được bách bệnh. Ngày trước khi cuộc sống của người dân còn rất nghèo khó, để tỏ lòng thành kính, hằng năm các gia đình trong làng thường làm lễ cúng tế thần linh cầu mong điều tốt lành”.
Cụ cố đạo Lê Khắc Tùng kể lại: "Cách đây không lâu, ở gần xã Phú Gia cô giáo cùng học sinh thực hành ngành đo đạc, để thỏa trí tò mò về lời đồn giếng thiêng không đáy, cả cô và trò đã dùng dây để thả xuống đo. Nhưng càng thả càng thấy xa vời, tốn không biết bao nhiêu dây mà vẫn chưa chạm đáy, tức chí cô giáo có dùng mấy câu văng tục ngay tại giếng thiêng. Tối hôm đó những người sống gần nhà cô giáo cho hay, cô giáo đột nhiên mắc chứng bệnh điên khùng. Lần ra người nhà mới biết cô giáo có phạm lỗi lớn ngay tại đền thờ Đức Thánh mẫu Trầm Lâm, gia đình bèn dùng lễ sang đền để tạ lỗi”. Với người dân sự linh thiêng đó như một lời răn dạy để họ sống tốt hơn và từ đó góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa cộng đồng.
Theo Người Đưa Tin