Ấn tượng nghi lễ lên đồng của người Việt trên AFP

Google News

(Kiến Thức) - Hãng thông tấn AFP của Pháp mới đăng tải bài viết về nghi lễ lên đồng của người dân Việt Nam.

Theo AFP, lên đồng là một nghi thức trong hoạt động tín ngưỡng dân gian của Việt Nam. Lên đồng vốn được người xưa coi là nghi thức để giao tiếp với thần linh. Họ tin rằng các vị thần linh có thể nhập hồn vào ông đồng, bà đồng để đưa ra những lời phán truyền, giúp diệt trừ tà ma, bệnh tật, ban phúc lộc cho những người tham dự buổi hầu đồng. Khi thần linh nhập vào đồng thì ông đồng, bà đồng lúc đó không còn là mình nữa mà là hiện thân của vị thần nhập vào cơ thể họ. Điều này sẽ khiến những người có mặt tại buổi hầu đồng vô cùng kinh ngạc.
Một công chức có tên Nguyen Thi Hoa đã tham gia một buổi lễ hầu đồng. Khi đó, cô được đội lên đầu một tấm khăn màu đỏ khi thực hiện nghi lễ lên đồng tại một phủ ở Hà Nội.
"Tôi không nhớ những gì đã làm", chị Hoa trả lời phỏng vấn với AFP sau khi thực hiện nghi lễ lên đồng kéo dài 5 giờ đồng hồ và thay tới 15 bộ trang phục cho biết.
6 năm trước, chị Hoa bắt đầu bị chứng mất ngủ, ăn không ngon và mệt mỏi hành hạ. Khi đó, các bác sĩ đã không thể chữa trị tận gốc căn bệnh của cô.
Theo lời khuyên của một người bạn, chị Hoa đã đến thăm một phủ lên đồng. Tại đây, người ta đã nói với chị rằng hãy thực hiện nghi lễ lên đồng.
"Tôi vô cùng ngạc nhiên khi sức khỏe của bản thân ngày càng tốt hơn", chị Hoa cho biết bản thân đã có những thay đổi tích cực trong công việc.
"Tôi không thể tin được rằng mình đã hút thuốc và uống rượu", một người 52 tuổi không uống rượu cho biết sau khi tham dự một buổi hầu đồng.
Nghi lễ lên đồng tại Hà Nội ngày 25/3/2014. 
Những con nhang, đệ tử có thể đóng góp kinh phí để trang trải các chi phí trong nghi lễ lên đồng. Thường có hai hoặc bốn phụ đồng (được gọi là nhị trụ hoặc tứ trụ hầu dâng) đi theo thanh đồng để chuẩn bị trang phục, lễ lạt...
Trong một buổi lên đồng, người ta sử dụng rất nhiều “giá”. Mỗi lần thay giá, người ta lại phủ lên “cậu” hoặc “cô” một tấm khăn lụa đỏ, sau đó bỏ ra. Khi đó, thanh đồng sẽ ở một giá mới và phải thay trang phục, khăn chầu, cờ quạt, đồ hầu dâng... theo giá mới này.
Điệu múa của thanh đồng cũng được thay đổi theo từng giá. Giá quan thường múa cờ, múa kiếm. Giá ông hoàng múa khăn tấu, múa tay không. Giá cô múa quạt, múa hoa, múa thêu thùa, múa khăn lụa, múa đàn. Giá cậu múa hèo, múa lân...
Một điệu múa cờ của thanh đồng trong buổi lễ lên đồng.
Người ta cũng sử dụng nhạc hát trong nghi thức lên đồng thường chính là điệu chầu văn hoặc bài hát nói có nội dung ca ngợi sự linh thiêng của thần thánh và vẻ đẹp tiên giới. Nhạc khí chủ đạo là đàn nguyệt, phách, sênh, trống chầu, chuông… Nhóm đàn hát trên được gọi là cung văn.
Trong nhiều thập kỷ, lên đồng bị hạn chế tổ chức vào thời Pháp thuộc. Ngày nay, lên đồng vẫn là hình thức sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, thu hút một bộ phận người dân Việt Nam tham gia. Các nghi lễ này thường được tổ chức nhiều lần trong một năm vào các dịp lễ, tiết.
Tâm Anh (theo AFP)