Hàng năm, số tiền mà người Việt chi để mua vàng mã, hương, tiền âm phủ... lên đến hàng chục triệu USD.
Vào tháng 1 hàng năm, một người phụ nữ sống ở Hà Nội thường chuẩn bị đón Tết Nguyên đán bằng việc đặt hàng một mô hình xe máy Honda mới nhất làm từ giấy để chuẩn bị lễ cúng. Sau khi người con trai duy nhất của bà đã qua đời tham gia cuộc đua xe bất hợp pháp, bà thường đốt cho con xe máy giấy cùng nhiều vật dụng khác trong mỗi lần làm lễ cúng cho con. Người mẹ này tin rằng, những thứ vàng mã bà đốt cho con trai sẽ trở thành vật dụng thực sự để con sử dụng khi ở thế giới bên kia. Mỗi năm, bà thường chi khoảng 5 triệu đồng để mua vàng mã.
|
Một người phụ nữ chuẩn bị vàng mã, tiền giấy để chuẩn bị lễ cúng tại một ngôi đền. |
Theo Nikkei Asian Review,
đốt tiền giấy và vàng mã như quần áo, giày dép, nón và đồ chơi làm từ giấy khá phổ biến ở Việt Nam. Chỉ khoảng 10% dân số theo đạo Thiên Chúa, Công giáo và những tôn giáo khác không thực hiện tập tục này.
Người dân Việt Nam thường thực hiện lễ cúng vào ngày mùng 1 và 15 âm lịch hàng tháng. Người Việt thường thắp hương và đốt vàng mã ở nhà để cúng tổ tiên, trời đất và những người thân đã khuất. Người dân tin rằng họ làm điều đó để bày tỏ lòng tôn kính đối với tổ tiên, mong người đã khuất phù hộ cho người còn sống, làm ăn thuận lợi và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống hàng ngày. Họ thường tiêu khoảng 60.000 đồng để mua vàng mã, hương nhan...
Đặc biệt, vào dịp tháng 7 âm lịch và dịp cuối năm, người dân thường chi tiêu khoảng 1 triệu đồng để mua vàng mã.
Mặc dù không có thống kê chính thức về số tiền mà người dân đã chi để mua vàng mã nhưng theo một số tờ báo trong nước, mỗi gia đình chi trung bình 2,1 triệu đồng/năm và đốt khoảng 50.000 tấn vàng mã/năm. Đặc biệt, những gia đình sống ở Hà Nội thường chi nhiều tiền hơn trong việc mua vàng mã, khoảng 425 tỷ đồng/năm.
|
Tiền vàng mã hình 2 USD được khá nhiều người Việt Nam sử dụng để đốt trong các dịp khác nhau. |
Vàng mã cùng những vật dụng là từ giấy thường được người dân đốt trong những nghi lễ ma chay ở châu Á. Các nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam tin rằng,
tập tục đốt vàng mã của người Việt có từ rất lâu, trước cả giai đoạn nước Việt bị phong kiến phương Bắc đô hộ.
Một số chuyên gia cho rằng người dân đã bỏ ra quá nhiều tiền vào việc đốt vàng mã, đặc biệt là dùng ở những địa điểm tâm linh như chùa, đền, đình...
Chính quyền Việt Nam từng quy định cấm đốt vàng mã và tiền giấy vì cho rằng hành động này gây ô nhiễm môi trường và lãng phí tiền bạc. Tuy nhiên, việc cấm đoán này không hiệu quả và thị trường vàng mã vẫn phát triển ngay cả khi thị trường chứng khoán, tiền tệ, vàng và bất động sản phát triển chậm và gặp nhiều khó khăn.
Tâm Anh (theo NAR)