“Em bé da cam” người Việt nổi tiếng giờ ra sao?

Google News

Cô bé trong bức ảnh “Em bé da cam” nổi tiếng của nhiếp ảnh Ed Kashi là một cô gái người Việt với những ước mơ hết sức bình dị.

Đã gần 5 năm trôi qua, trong lần tình cờ chúng tôi may mắn được trò chuyện với nhân vật chính trong bức ảnh "em bé da cam" nổi tiếng đó là một cô gái người Việt với những ước mơ hết sức bình dị…
Bức ảnh nổi tiếng thế giới 
Kết quả của tình yêu
Cô bé trong bức ảnh “Em bé da cam” đã làm nổi danh nhà nhiếp ảnh người Mỹ Ed Kashi có tên thật là Nguyễn Thị Ly (SN 2001), ở phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Em chính là kết quả của một mối tình đẹp như một câu chuyện cổ tích giữa chị Nguyễn Thị Thu và anh Nguyễn Quang Dương.
Chị Thu vốn sinh ra ở vùng quê hẻo lánh ở Hà Tĩnh, từ ngày mới sinh, không may mắn như mấy anh chị em trước đó, chị đã mang trên mình một khuôn mặt không giống như những người bình thường. Nỗi “ác cảm” với khuôn mặt của mình mà chị luôn cảm thấy tự ti, mặc cảm với cuộc sống mỗi khi ra đường có ai đó nhìn chằm vào mình. Cũng từ đó, chưa bao giờ trong suy nghĩ của chị dám mơ tới một bổn phận thiên chức của một người phụ nữ là được làm vợ, làm mẹ.
Vào những năm cuối cùng của thế kỷ 20, buồn chán với cuộc sống thực tại ở vùng quê nghèo. Năm 1999, nghe theo lời người chị cả, chị “dứt bỏ” nơi “chôn nhau cắt rốn” vào Đà Nẵng xin làm phụ bếp cơm cho người chị ở quận Liên Chiểu. Và cũng từ quán cơm này, nơi mảnh đất nhiều tình thương đã cho chị cái duyên gặp được người đàn ông của cuộc đời mình.
Ngày đó, anh Nguyễn Quang Dương ở Đà Nẵng, đang làm công nhân cho một công trình xây dựng gần cửa hàng cơm của chị Thu. Hàng ngày anh cùng các bạn thợ thường xuyên lui tới quán ăn cơm. Nhìn người con gái phụ bếp với khuôn mặt “khác người” nhưng rất nhanh nhẹn, với đôi mắt sáng long lanh, anh đã đem lòng thương cảm. Ngồi ăn cơm mà anh vẫn để mắt tới từng hành động, cử chỉ của người con gái mà mình không hề quen biết.
Cũng từ những lần cứ đến giờ ăn cơm của công nhân anh lại vội vàng ra trước rồi lại là người về muộn nhất. Lâu dần, chị Thu cũng cảm của anh và tình yêu đã đến với họ. “Hồi đó, làm công trình nhưng mình bỏ việc suốt. Tháng có 30 ngày, nhưng tôi chỉ làm được có 20 công, còn 10 ngày tôi cáo ốm tranh thủ ra quán để gặp Thu.”. Anh ngại ngùng kể. Còn với chị Thu, khi nghe đám bạn anh Dương trêu chọc càng làm chị cảm thấy bực bội, khó chịu. “ Hồi mới đầu, nghĩ đám bạn công nhân với anh trêu chọc nên mình rất khó chịu, định mấy lần về quê. Mình nghĩ mình thế này có người đàn ông nào dám để ý tới nhưng sau vài lần ngồi nói chuyện với anh Dương dần mình mới cảm nhận được sự chân thành của ảnh”. Chị Thu nhớ lại.
Rồi cái ngày anh Dương đưa chị Thu về ra mắt họ hàng, hàng xóm đã không ít người bàn tán xôn xao. “ Thằng Dương nó lành lặn, khỏe mạnh thế kia sao lại đi yêu, đi lấy một cô bé dị dạng ở mãi tận đâu đâu” rồi “trên đời này chắc thiếu con gái thì phải mà nó lại cam chịu thế không biết…”. Còn bạn bè anh không ít người nói ra nói nói vào. Nhưng ai biết được trong tâm hồn người con gái ấy là cả một phẩm chất đẹp mà không phải ai cũng có được.
Vượt qua những “cơn bão” bàn tán của hàng xóm, đặc biệt là được sự ủng hộ tiến bộ của người cha. “ Nhìn cái Thu tuy tật nguyền nhưng chịu khó, nó cũng có quyền được yêu, được hạnh phúc chứ.”. Và một đám cưới được diễn ra trong niềm vui hân hoan, chúc phúc của hai bên họ hàng gia đình. Ai cũng cầu mong niềm vui sẽ sớm đến với đôi vợ chồng trẻ có một câu chuyện tình cảm động.
 Bé Ly cùng hai nhà nhiếp ảnh gia Ed Kashi và Catherine
Nỗi đau da cam và bức ảnh đẹp nhất thế giới
Cũng như nhiều nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam - dioxin khác, gia đình chị không thoát khỏi những di chứng để lại cho đời sau. Cưới nhau chưa được bao lâu, vợ chồng chị đã phải chịu nỗi buồn khi mang thai lần đầu mà không giữ được. Chị đã khóc rất rất nhiều khi ông trời không nghĩ tới gia đình nhỏ bé của chị. Đến đầu năm 2001, tưởng chừng niềm vui sẽ đến khi chị khi sinh được bé Ly. Nhưng bé Ly nhân vật chính trong bức ảnh nổi tiếng chưa kịp cất tiếng khóc chào đời, chị lại phải rơi nước mắt thêm một lần nữa. Bé sinh ra khi chỉ nằm trong bụng mẹ vỏn vẹn được 6 tháng.
Nhớ lại thời gian khi bé Nguyễn Thị Ly mới sinh ra, chị Thu nghẹn ngào nước mắt: “Cháu sinh ra yếu ớt lắm, lọt lòng như một cục thịt đỏ hỏn, vỏn vẹn 1,7kg. Nhìn cháu sống trong lồng kính hơn 2 tháng trời, với khuôn mặt méo mó, lồng ngực bị lõm xuống mà tôi chỉ biết kìm nén nước mắt vào trong lòng, mỗi lần cháu nó khóc lên, ánh mắt như tóe lửa, như cháu có một khao khát được sống...”.
“Càng lớn, Ly càng có những biểu hiện khác thường, khuôn mặt của cháu càng bị biến dạng hơn, cổ họng với hình lòng chảo nên mỗi khi thở là xương ép vào tim. Nhìn cháu đau đớn mỗi khi thở, hoặc khi trở mình mà tôi đau đến nghẹn lòng. Gia đình thống nhất đặt tên cho cháu là Ly, nghĩa là ly biệt ấy, nhìn cháu như thế không biết lúc nào cháu đi, thôi thì mình đặt tên Ly, với mong muốn giữ cháu được ngày nào quý ngày ấy.”. Anh Dương kể lại.
Hơn 2 tháng trời nằm trong lồng kính cũng là chừng ấy thời gian cả gia đình hai bên nội ngoại thức trắng cả đêm. Các bác sĩ ở bệnh viện cũng hết tâm tận tình chữa bệnh, chăm sóc nên Ly đã qua được cơn nguy kịch. Đưa cháu về nhà, càng khốn khổ hơn. Tiền bạc vay mượn nuôi cháu trong bệnh viện chưa trả đủ hết nên đành lòng nhờ vào lòng thương của bà con trong xóm, các hội đoàn thể giúp đỡ đặc biệt là người em kết nghĩa của anh Dương.
Anh Dương nhớ lại: “Tháng 7 năm 2010, có một người ở tổ chức Trẻ em Việt Nam tại Đà Nẵng đưa 2 ông bà người Tây đến quay phim chụp ảnh về đề tài da cam ở Việt Nam. Gia đình rất bất ngờ, vinh dự khi được quan tâm đến vậy, đặc biệt là cháu Ly. Trong thời gian 1 tuần, họ đã sống cùng chúng tôi với tất cả tấm lòng của những con người muốn được chia sẻ. Họ luôn động viên, ân cần tạo tiếng cười vang trong căn nhà lâu nay hiu quạnh. Tất cả mọi sinh hoạt trong đời sống, từ việc đi học của hai cháu, đến việc nấu cơm, giặt giũ đều được hai ông bà Ed Kashi và Catherine ghi lại. Có khi suốt một ngày, chúng tôi dường như quên mất đang có ống kính theo dõi.
Khoảng được tháng sau thì gia đình nhận được thư, cùng những bức ảnh họ đã ghi lại toàn bộ cảnh sinh hoạt cuộc sống thường ngày của gia đình đặc biệt là cháu Ly . Và trong một lần khoảnh khắc hiếm hoi nhà nhiếp ảnh gia Ed Kashi đã ghi lại được hình ảnh em đang đứng bên cửa sổ với một tâm hồn sống động. Và bức ảnh trở thành nổi tiếng nhất thế giới do Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc trao tặng cuối năm 2010, sau khi vượt qua hàng ngàn bức ảnh khác nhau về đề tài da cam trên toàn thế giới.
Đến bây giờ, Ly đã là học sinh lớp 7, dù tật nguyền, bị bệnh tim bẩm sinh nhưng năm nào em cũng đạt học sinh tiên tiến của lớp. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, với giọng nói khá chậm bé Ly cho biết: “Trong mấy môn học, cháu thích nhất là môn tiếng Việt. Lớn lên cháu thích làm một cô giáo tiểu học, để sau này cháu có thể lên lớp dạy chữ cho các bạn có hoàn cảnh tật nguyền không được đến trường. Và để có tiền để giúp bố khỏi bệnh thôi.”. Ước mơ thật bình dị nhưng rất cháy bỏng trong tâm hồn của một cô bé tật nguyền.
Theo An Ninh Thủ Đô