Bài báo miêu tả món ăn trông có vẻ kỳ lạ với sợi mì dai, thịt lợn, rau sống, mì khô chiên giòn và giá đỗ tươi, nhưng chính những thành phần này lại tạo nên một trong những món ăn tiêu biểu của Việt Nam có tên gọi là Cao Lầu – xuất xứ từ Hội An (một thành phố cổ nổi tiếng của Miền Trung Việt Nam).
Lần ngược trở lại lịch sử, Huffington Post đưa độc giả về khoảng thời gian từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19 khi Hội An là trung tâm mậu dịch lớn của Việt Nam, là một thương cảng sầm uất và quan trọng của vùng biển Đông Nam Á, nơi tàu thuyền ngoại quốc ghé qua để giao thương, và cũng là nơi cư ngụ tạm thời hoặc lâu dài cho người nước ngoài, nhất là người Trung Quốc và Nhật Bản. Khi phù sa sông Thu Bồn bồi đắp khiến cho tàu thuyền không thể cập cảng Hội An được nữa, dần dần hoạt động giao thương tại cảng thị này bị ngưng trệ. Nhưng niềm vui đã quay trở lại từ đầu những năm 1990 khi ngành Du lịch bắt đầu đưa thành phố này phát triển trở lại. Năm 1999, Hội An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, và đến nay Hội An đã là một trung tâm du lịch nổi tiếng của Việt Nam và thế giới.
|
Món cao lầu độc đáo của Việt Nam.
|
“Những đền thờ, miếu mạo mang dấu tích của người Hoa hay chùa Cầu với ảnh hưởng của kiến trúc Nhật Bản và các ngôi nhà, biệt thự mang kiến trúc Pháp xen lẫn nhau trong lòng phố cổ khiến cho Hội An thêm lung linh, cổ kính và quyến rũ”, tác giả bài báo thể hiện sự ngưỡng mộ. Đồng thời nhấn mạnh rằng bên cạnh nét độc đáo của những công trình kiến trúc mang âm hưởng của sự giao thoa văn hóa, một yếu tố quan trọng khác khiến du khách rất hào hứng khi đến với Hội An chính là ẩm thực.
Bài báo cho rằng Hội An, thành phố với hơn 120.000 dân, là nơi tập trung nhiều thể loại hương vị cả trong nước lẫn thế giới. Từ những quán ăn đường phố đến các nhà hàng nổi tiếng, mọi lúc mọi nơi, du khách không phải lo việc thiếu nơi thưởng thức ẩm thực. Du khách đến đây có thể thưởng thức những đặc sản độc đáo của phố Hội như: Cơm Gà (cơm được nấu với nước luộc gà, gà được xé nhỏ rồi trộn với hành tây và rau răm); bánh Bao, bánh Vạc (nhân làm bằng tôm và thịt lợn trộn với hành tỏi băm nhuyễn); và đặc biệt là Cao Lầu.
Thích thú với món ăn này, Huffington Post mô tả tỉ mỉ thành phần của Cao Lầu gồm có mì sợi dày và dai, thịt lợn, rau và sợi mì chiên giòn. Khi thưởng thức món mì này có người liên tưởng đến món mì soba của Nhật Bản, trong khi thịt lợn được thái lát mỏng và được chế biến theo phương pháp truyền thống Trung Quốc gọi là xá xíu. Kèm theo một ít rau sống, giá đỗ tươi và sợi mì cắt nhỏ đem phơi khô rồi chiên giòn trộn lẫn vào món ăn tạo nên âm thanh thú vị khi nhai lẫn với nhau.
Đi sâu vào cách thức chế biến, mì sợi để làm món Cao Lầu là tâm điểm của món ăn và cũng là thành phần chính để tạo nên sự độc đáo cho món ăn. Dường như chỉ có một số ít người biết chính xác công thức để chế biến loại mì này, câu chuyện về cách chế biến là cả một huyền thoại. Đầu tiên, nước để chế mì sợi phải được lấy từ nước giếng cổ Bá Lễ (giếng nằm nép mình ở một con hẻm nhỏ trong lòng phố cổ và ít người biết đến) rồi trộn với tro củi lấy từ đảo Cù Lao Chàm (đảo ngoài khơi của Hội An), sau đó mới đem ngâm gạo.
Quy trình làm Cao Lầu cũng tách rời nhau. Công thức là một bí mật, chỉ một số gia đình ở Hội An biết. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người cố gắng ghi chép lại công thức của riêng mình. Trong số đó, năm 2012, nhà văn David Farley của tạp chí AFAR đã đến Hội An để tìm hiểu về món ăn này. Ông được xem lại quy trình chế biến món Cao Lầu trong một gia đình ở Hội An. Những điều Farley khám phá ra là sợi mì được đem hấp, không luộc như hầu hết các loại mì khác. Và gia đình chế biến Cao Lầu ở Hội An mà Farley có dịp đến xem không sử dụng nước giếng cổ Bá Lễ mà chỉ dùng nước giếng đào bên cạnh nhà, tro để trộn nước ngâm gạo cũng được lấy ở địa phương chứ không phải từ đảo Cù Lao Chàm.
Bài báo khẳng định dù rằng ngày nay món Cao Lầu có được chế biến với nước giếng cổ và tro Cù Lao Chàm hay không không quá quan trọng. Điều quan trọng là món ăn này vẫn giữ được hương vị truyền thống, đậm đà bản sắc văn hóa của một đô thị cổ. Sự kết hợp giữa các thành phần nguyên liệu, cũng như câu chuyện bí ẩn thú vị phía sau mỗi công đoạn chế biến đã tạo nên sự hấp dẫn kỳ lạ cho món ăn độc đáo này của Hội An.
Theo Phạm Thanh/Tin tức du lịch