Hôn nhân là một phần quan trọng trong xã hội Trung Quốc và dù việc tổ chức “đám cưới ma” hiện hiếm gặp hơn trước đây, nó vẫn được duy trì. Một số gia đình có con trai qua đời mà chưa kịp làm lễ thành hôn sẽ tổ chức một đám cưới mà cô dâu, chú rể đều là người đã khuất.
|
“Đám cưới ma” trở thành hủ tục của Trung Quốc. Ảnh: Mysteriousuniverse |
Lịch sử ngàn năm của những “đám cưới ma” ở Trung Quốc
“Đám cưới ma” hay còn gọi là “minh hôn” (âm hôn), được cho là đã có từ thế kỷ 17 trước Công nguyên. Theo sách “Tam Quốc chí - Ngụy chí - Bỉnh Nguyên chí”, năm Kiến An thứ 13, ghi lại điển tích Tào Xung, con trai Tào Tháo không may chết sớm. Tào Tháo đau khổ, day dứt vì chưa cưới được vợ cho con khi còn sống nên muốn tìm một tiểu thư gia đình quyền quý đã chết để làm lễ cưới với Tào Xung. Một thời gian sau, nghe nói nhà họ Chân có con gái chết yểu, Tào Tháo liền đến nói chuyện. Hai gia đình chọn ngày lành tháng tốt tổ chức “đám cưới ma” như thật, sau đó hợp táng cho “đôi vợ chồng mới cưới”.
Theo quan niệm tâm linh truyền thống, nhiều người vẫn tin rằng một chàng trai không may qua đời khi chưa lập gia đình là một điềm xấu. Người đó sẽ cô đơn ở kiếp sau hoặc linh hồn không siêu thoát, ở lại “ám” vào những người còn sống trong gia đình. Nếu muốn gia đình yên ổn phải cưới cho người đã chết một cô gái hoặc tổ chức “âm hôn”, cho người đã chết một đám cưới nơi địa phủ.
Minh hôn - Trần sao âm vậy
Về cơ bản, một đám cưới ma được sự chấp nhận của hai bên nhà trai, nhà gái sẽ được tổ chức tương tự như đám cưới dành cho người sống: có bà mối, lễ dạm ngõ và cử hành hôn lễ với cỗ bàn thịnh soạn. Trong “đám cưới ma”, họ hàng và bạn bè của người quá cố đều được mời đến chung vui với cô dâu, chú rể.
Ở đám cưới bình thường, những người thân trong gia đình thường tặng quà cho cặp vợ chồng mới cưới như đồ trang sức, tủ lạnh, bàn trang điểm, tiền mặt… Trong đám cưới ma những đồ vật này sẽ được thay bằng vàng mã sau đó sẽ “hóa” để đảm bảo họ có thể sống thoải mái ở thế giới bên kia. Sau đó, gia đình sẽ chọn ngày lành tháng tốt để tiến hành cải táng và hợp táng cho “đôi vợ chồng mới cưới”
Ở xã hội hiện đại, một số gia đình tạo ra “vợ” cho con trai mình bằng tượng một người phụ nữ bằng bạc hoặc bằng đất, sử dụng đậu đen làm mắt và chôn cùng người chết. Tuy nhiên, nhiều người còn cổ hủ vẫn tin rằng nếu họ không kiếm được xác chết thật thì người quá cố sẽ trở về ám gia đình và mang lại bất hạnh cho họ. Trong trường hợp này, thông thường, “đám cưới ma” được các gia đình cùng có người chết chấp nhận, thỏa thuận kết làm thông gia. Nhưng không phải đám nào cũng vậy, có những “cô dâu ma” bị đào trộm khỏi mộ và trở thành vật buôn bán của những kẻ môi giới.
Âm hôn và nạn buôn bán “cô dâu ma”
Chính phủ Trung Quốc đã chính thức cấm hủ tục đám cưới ma năm 1949. Tuy nhiên hiện nay, truyền thống này lại tiếp tục thịnh hành trở lại. Vì sự mê tín một cách mù quáng, ở nhiều nơi, chủ yếu là vùng nông thôn các tỉnh Thiểm Tây, Sơn Tây, Hồ Nam, Hồ Bắc và Quảng Đông vẫn thường diễn ra mua xác phụ nữ thậm chí là trộm xác, cướp xác để làm đám cưới ma.
Để bù đắp cho chính sách một con kéo dài trong suốt 30 năm qua, chính phủ nước này cho phép các công ty mai mối làm cầu nối liên hệ giữa những gia đình có con trai và con gái qua đời để họ tự sắp xếp việc hôn sự cho người quá cố. Mặc dù thế, các công ty mai mối vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Thêm vào đó, xu hướng hảo táng người chết trong xã hội hiện đại càng đẩy mạnh sự phát triển của thị trường “chợ đen” buôn bán tử thi phụ nữ.
Những “cô dâu ma” được bán với giá lên đến hàng nghìn đô la. Những phụ nữ xinh đẹp chết trẻ thì càng có giá cao, giá một xác chết nữ mới qua đời trên thị trường chợ đen có thể lên tới 30.000 đô la. Giá tiền cho một “cô dâu ma” cũng được đo đếm dựa trên việc khi còn sống, cô ấy còn độc thân hay không. Không những thế, nhiều kẻ môi giới sẵn sàng bán một thi thể cho nhiều gia đình khác nhau hoặc biến một cô gái còn sống thành “ma” vì ma lực của đồng tiền.
Mặc dù rất nhiều tên trộm mộ đã sa lưới pháp luật nhưng vẫn có những vụ đào mộ cướp xác xảy ra gây kinh hoàng và rúng động dư luận. Ngày nay, để bảo vệ người thân đã khuất của mình, các gia đình phải nghĩ ra nhiều cách khác nhau. Thay vì chôn cất trên các sườn núi xa xôi, họ xây mộ ngay bên cạnh nhà hoặc bọc mộ bằng bê tông kiên cố. Gia đình có điều kiện sẽ xây hàng rào, lắp camera an ninh và thuê nhân viên bảo vệ tuần tra hàng ngày.
Theo Saostar