Những sĩ quan Xô Viết đầu tiên tại Hà Nội

Google News

Một thời gian ngắn sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, có những sĩ quan Xô Viết đầu tiên xuất hiện một cách hợp pháp tại Hà Nội. 

Một thời gian ngắn sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, có những sĩ quan Xô Viết đầu tiên xuất hiện một cách hợp pháp tại Hà Nội, lần đầu tiên kể từ cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917.
Xin nhắc lại rằng, sĩ quan đầu tiên của Hạm đội Nga Konstantin Stanyukovich đã đặt chân lên mảnh đất Việt Nam năm 1863 và để lại cho hậu thế cuốn hồi ký mô tả chi tiết Việt Nam thời kỳ đó, cho đến nay vẫn rất thú vị đối với độc giả. Cho đến tận Cách mạng Tháng Mười, sĩ quan Lục quân và Hải quân Nga nhiều lần đến thăm Việt Nam. Sau đó tình hình đã thay đổi triệt để. Trong những năm 20 -30 của thế kỷ trước, công dân Xô Viết có một số lần sang Việt Nam, nhưng đó là các nhân viên Quốc tế cộng sản, họ mang hộ chiếu Pháp và đến một cách bí mật. Trong những năm ấy, chủ yếu là các nhà cách mạng Việt Nam đến Moskva để học tập tại các cơ sở giáo dục của Quốc tế cộng sản. Năm 1938, sau khi các cơ sở này đóng cửa, liên hệ giữa Moscow và các tổ chức cộng sản Việt Nam bị gián đoạn. Thực tế là tháng Tám năm 1945, các nhà lãnh đạo Liên Xô thậm chí không biết rằng lãnh tụ Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc, người đã sống hơn sáu năm ở Moscow và từng công tác trong Quốc tế cộng sản.
Nhung si quan Xo Viet dau tien tai Ha Noi
Chính vì lý do đó mà bức thư đầu tiên của Hồ Chí Minh gửi đến Stalin đã không được phúc đáp. Tuy nhiên, Moscow quyết định tìm hiểu tình hình tại Việt Nam. Lý do chính thức là đưa về nước các công dân Liên Xô phục vụ trong quân đoàn lê dương ở Việt Nam và bị Nhật Bản bắt làm tù nhân chiến tranh.
Trong các tài liệu lưu trữ thuộc địa Pháp có một bản báo cáo rằng ngày 23 tháng 12 năm 1945, phái đoàn quân sự của Liên Xô gồm 12 người, đứng đầu là Đại Tá Klimchuk đã tới Hà Nội. Họ đi máy bay từ Trung Quốc đến và được một nhóm người Việt, người Anh và người Trung Quốc ra đón tiếp. Đại diện Chính phủ Việt Nam ngay lập tức tách những người Nga mới đến khỏi tất cả và duy trì với họ mối quan hệ rất thân mật. Các thành viên của sứ đoàn Nga đã được bố trí ở trong tòa nhà của chính phủ. Họ lập tức bắt đầu nghiên cứu các tài liệu mà chính phủ của nước cộng hòa non trẻ chuyển cho, nói về chính sách của Pháp ở Đông Dương, hành động của Trung Quốc đối với Mặt trận Việt Minh. "Theo yêu cầu của Nga, — báo cáo viết — Trung Quốc đã triệu về nước một phần binh sĩ nước này, vì sự hiện diện của họ ở Việt Nam là gánh nặng cho người dân địa phương."
Sứ đoàn Liên Xô ở lại Hà Nội vài ngày và đã gặp lãnh tụ Hồ Chí Minh. Theo nhà sử học Pháp Philippe Devillers, mục đích chính của đoàn Liên Xô chính là để thông báo cho Hồ Chí Minh biết quan điểm của Liên Xô về chiến thuật hành động của tân chính phủ Việt Nam với Trung Quốc và với Pháp. Tuy nhiên, hiện nay chưa tìm thấy có tài liệu nào có thể xác nhận hay bác bỏ quan điểm này.
Một năm sau, phái đoàn quân sự thứ hai của Liên Xô đến Việt Nam. Về chuyện họ hiện diện ở Sài Gòn, có rất nhiều tài liệu đến nay còn lưu giữ được.
Theo Sputniknews