Trả lời:
Dinh dưỡng trong điều trị ung thư cũng quan trọng không kém chuyện thuốc men. Trong một cơ thể đầy đủ dinh dưỡng, các tế bào lành trong đó có các tế bào của hệ miễn dịch được nuôi dưỡng tốt và sẽ đủ sức chống lại các tế bào ung thư.
Ăn kiêng, nhịn đói không làm giảm sự phát triển ung thư mà chính là “bỏ đói tế bào lành, giảm khả năng đề kháng của cơ thể”.
|
Ăn kiêng đồng nghĩa với việc bạn đang "bỏ đói tế bào lành, giảm khả năng đề kháng của cơ thể".
|
Tuy nhiên, mỗi cá nhân có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau. Đặc biệt, với các loại bệnh ung thư khác nhau, nhu cầu này ở mỗi bệnh nhân cũng khác biệt. Do đó, cần có một chuyên gia dinh dưỡng tư vấn để soạn thực đơn thích hợp riêng cho từng bệnh nhân dựa trên chiều cao và cân nặng, thói quen sinh hoạt, bệnh trạng đặc biệt (như tiểu đường, tim mạch…), thể chất, khẩu vị… và cả tôn giáo cá nhân nhằm đảm bảo họ nhận được lượng thực phẩm, khoáng chất và vitamin đầy đủ để tái tạo năng lượng và nhanh chóng phục hồi.
Hiện chưa thể khẳng định loại thức ăn nào riêng biệt, an toàn chung cho tất cả các bệnh nhân ung thư nói chung. Tuy nhiên, với bệnh nhân ung thư cần hạn chế các thực phẩm nhiều đường, các loại thực phẩm đóng hộp, nước ngọt… vì có thể khiến khối ung thư lớn hơn.
Tại Bệnh viện FV, ngoài việc các chuyên gia dinh dưỡng sẽ giúp bệnh nhân và gia đình bệnh nhân có một thực đơn hợp lý cho mỗi bệnh nhân ung thư, chúng tôi còn khảo sát khả năng bệnh nhân dung nạp thức ăn và đo độ hiệu quả của chế độ dinh dưỡng hiện tại và liên tục thay đổi cho phù hợp hơn.
Lê Nguyệt