Bác sĩ kể về câu chuyện về bệnh nhân ung thư

Google News

(Kiến Thức) - Thật khó để đối diện với nỗi lo lắng, hoang mang và suy sụp của bệnh nhân dù tôi luôn hứa với họ lẫn với bản thân sẽ làm hết sức để giúp họ đẩy lùi căn bệnh.

(Ghi theo lời kể của bác sĩ Võ Kim Điền, chuyên gia ung bướu của Trung tâm điều trị ung bướu Hy vọng, bệnh viện FV)
Trong hơn 20 năm hành nghề của mình, dù đã nhiều lần thông báo với một bệnh nhân nào đó rằng: “Anh/chị đã bị ung thư” nhưng mỗi khi buộc phải làm điều này, tôi vẫn cảm thấy khó khăn như lần đầu. Thật khó để đối diện với nỗi lo lắng, hoang mang và suy sụp của bệnh nhân dù tôi luôn hứa với họ lẫn với bản thân rằng tôi sẽ làm hết sức để giúp họ đẩy lùi căn bệnh.
Có những bệnh nhân đến với tôi trong tình cảnh mà chỉ cần họ đến muộn một chút, hậu quả sẽ rất đáng tiếc. Với những bệnh nhân này, tôi luôn ghi nhớ về họ như một sự nhắc nhở về y đức cũng như một bài học kinh nghiệm vô giá không có trong sách vở. Câu chuyện của bệnh nhân Trần Văn Trình, ngụ năm 1947, ngụ tại 1C Cư xá Đồng Tiến, Nguyễn Tri Phương, P.14, Q. 10, thành phố Hồ Chí Minh, là một trường hợp như thế.
 Chú Trần Văn Trình và các bác sĩ của Trung tâm điều trị ung bướu Hy vọng, bệnh viện FV.
Khoảng cuối năm 2009, do không thể đi ngoài (đại tiện) nên chú Trình đã quyết định đi kiểm tra sức khỏe. Sau khi có kết quả sinh thiết, các bác sĩ khám cho chú thông báo chú bị ung thư trực tràng. Họ cho biết khối bướu đã lớn và chỉ định phẫu thuật cắt trực tràng, đưa ruột ra ngoài thành bụng làm hậu môn nhân tạo vĩnh viễn. Quá sốc trước kết quả này, chú Trình đã tìm đến Trung tâm điều trị ung thư Hy vọng thông qua sự giới thiệu của bác sĩ Trần Ngọc Quang, một bác sĩ Việt kiều và hiện là bác sĩ cố vấn của trung tâm chúng tôi. Khi đến đây, chú Trình vừa hoang mang vừa mong mỏi có một giải pháp tối ưu cho tình trạng của mình.
Hiểu rõ niềm hy vọng của bệnh nhân, tôi đã đọc lại rất kỹ những hồ sơ bệnh án do bệnh nhân cung cấp và tìm thấy hai điểm đáng ngờ. Thứ nhất, trong mẩu bệnh phẩm sinh thiết của trực tràng có sự hiện diện của tế bào tiền liệt tuyến. Trong giải phẫu học, tiền liệt tuyến nằm phía trước trực tràng. Do đó, khi sinh thiết niêm mạc trực tràng qua nội soi trực tràng không thể có sự hiện diện của tế bào tiền liệt tuyến. Thứ hai, kết quả chụp MRI và CT scan của bệnh nhân cho thấy có tình trạng ứ nước thận một bên. Đây là một triệu chứng thường gặp trong trường hợp ung thư tiền liệt tuyến lan rộng nhưng lại rất hiếm khi gặp ở ung thư trực tràng. Từ hai chi tiết này, tôi nghi ngờ bệnh nhân bị ung thư tiền liệt tuyến xâm lấn trực tràng nên quyết định thực hiện lại sinh thiết tiền liệt tuyến của bệnh nhân.
Kết quả đúng như dự đoán của tôi, chú Trình không phải bị ung thư trực tràng mà bị ung thư tiền liệt tuyến xâm lấn trực tràng. Toàn bộ quá trình chẩn đoán trước đây đều nhầm lẫn và nếu bệnh nhân thực hiện cắt trực tràng, đặt hậu môn ngoài thì rất đáng tiếc vì không chữa khỏi bệnh mà lại khiến chất lượng sống của bệnh nhân suy giảm nghiêm trọng. Đây thật sự là một trường hợp ung thư khó chẩn đoán và cực kỳ hiếm gặp.
Sau khi đã chẩn đoán xác định và giải thích rõ với chú Trình về tình trạng bệnh, chúng tôi đã hội chẩn và lập phác đồ điều trị ung thư tiền liệt tuyến cho chú. Trước tiên, chú được điều trị nội tiết trước nhằm làm giảm thể tích bướu và sau đó trải qua 36 lần xạ trị. Sức khỏe chú đáp ứng rất tốt với xạ trị và cải thiện rõ rệt. Khối bướu ngày một nhỏ dần và chú đã có thể đi ngoài bình thường, không cần sự hỗ trợ của thuốc tiêu hóa.
Sau khi kết thúc xạ trị, theo đúng quy trình, chú Trình cần phải trải qua một cuộc phẫu thuật cắt tinh hoàn. Tuy nhiên, chú bảo : “Bác sĩ ơi, tôi vừa bị tiểu đường, vừa bị cao huyết áp, lại lớn tuổi. Thật tình tôi không muốn nằm lên bàn mổ, bác sĩ có cách nào khác không?”. Để đáp ứng mong mỏi của bệnh nhân, tôi và bác sĩ Trần Ngọc Quang đã tư vấn cho chú áp dụng biện pháp chích Zoladex (một loại thuốc nội tiết tố) trong 24 tháng để kiểm soát hoàn toàn tế bào ung thư, thay vì phẫu thuật cắt tinh hoàn. Đây là một phác đồ điều trị mới được khuyến khích sử dụng tại các nước tiên tiến trên thế giới.
Đến nay, đã gần một năm sau khi kết thúc điều trị, sức khỏe của chú Trình hồi phục rất tốt. Khối bướu đã tan hoàn toàn, không hề có di căn hay tái phát. Nhìn chú vui vẻ tận hưởng cuộc sống an nhàn, ngày ngày tưới cây, trồng rau quả… tôi cảm thấy rất ấm lòng và càng thấm thía hơn sứ mệnh của người thầy thuốc. Mang trên vai tất cả hy vọng của bệnh nhân, tôi hiểu mình không được phép có bất kỳ sai sót nào, ngay từ khâu chẩn đoán bệnh. Chỉ khi xác định bệnh chính xác, tôi mới có cơ hội lập phác đồ điều trị hiệu quả cho bệnh nhân. Và đó cũng là bước đầu tiên để niềm hy vọng về một cuộc sống khỏe mạnh của bệnh nhân trở thành sự thật.