Các bà mẹ TQ ồ ạt lưu trữ máu cuống rốn

Google News

(Kiến Thức) - Việc lưu trữ máu cuống rốn nhằm mục đích tương lai em bé (chủ nhân dây rốn) hoặc người thân không may bị bệnh cần dùng tế bào gốc để chữa trị.

Việc lưu trữ máu cuống rốn của trẻ giúp chủ nhân của nó hoặc người thân không may bị bệnh tật hiểm nghèo có thể dùng tế bào gốc ở cuống rốn để chữa trị. 
Tế bào gốc được lấy từ máu cuống rốn qua công nghệ xử lý sẽ tạo ra các tế bào máu, tế bào mỡ, tế bào cơ tim, tế bào thần kinh, tế bào tụy, tế bào gan... có khả năng chữa trị cho nhiều bệnh tật; đặc biệt là nhiều loại bệnh hiếm gặp, bệnh hiểm nghèo.
Tác dụng của việc lưu trữ máu cuống rốn không chỉ bảo đảm trong tương lai nếu bé (chủ nhân dây rốn) không may bị bệnh cần dùng tế bào gốc để chữa trị mà còn có thể dùng để chữa cho cả người thân của trẻ. Do đó, máu cuống rốn trở thành một loại thuốc quý cần lưu giữ để dự phòng về sau.
“Sự lựa chọn duy nhất cho con em bạn; Một cách bảo vệ cho sức khỏe tương lai của con em mình; Một món quà cho loài người từ trẻ sơ sinh”.
Đây là những khẩu hiệu đầy cảm xúc trên các áp phích quảng cáo về việc bảo quản máu cuống rốn máu tại một số bệnh viện phụ sản Bắc Kinh (Trung Quốc). Họ cung cấp thông tin bệnh viện cho các bậc cha mẹ hiểu hơn về thuật ngữ y tế quen thuộc – lưu trữ máu cuống rốn.
Wu Fan, một phụ nữ 28 tuổi đang mang thai tại một bệnh viện phụ sản ở quận Triều Dương, thừa nhận rằng dù vẫn còn khá bối rối nhưng cô và chồng mình vẫn quyết định bỏ ra 19.800 NDT ( khoảng 69 triệu đồng) cho 18 năm lưu trữ máu cuống rốn đứa con trong bụng cô tại Ngân hàng máu cuống rốn Bắc Kinh.
"Nhiều người trong số bạn bè của chúng tôi cũng đã lưu giữ máu cuống rốn của con mình. Chúng tôi vẫn muốn làm theo bạn bè mình mặc dù chúng tôi chưa hiểu chính xác về quy trình này", chị Wu cho biết .
Các tế bào gốc trong máu cuống rốn sẽ được sử dụng để chữa các bệnh nghiêm trọng như ung thư, bệnh ưa chảy máu (máu khó đông) và bệnh bạch cầu .
Nhân viên thông tin họ Li của Ngân hàng máu cuống rốn Bắc Kinh cho biết, việc bảo quản máu cuống rốn đã tăng phổ biến khi mọi người hiểu biết nhiều hơn về những lợi ích của nó.
Tính đến năm 2012, khoảng 20% phụ nữ mang thai ở Trung Quốc đã lựa chọn việc lưu trữ máu cuống rốn cho những trẻ sơ sinh của họ, tăng gấp 10 lần so với năm 2002 (theo số liệu tháng 9/2012 của Bắc Kinh).
Nguyên Thảo