Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Cell, xoay quanh khả năng điều trị bệnh ung thư mà không làm tổn hại đến các tế bào khác của cơ thể, khác với các phương pháp xạ trị trước kia.
GS Chris Proud, thuộc Khoa Sinh học của Đại học Southampton, cho biết: “Tế bào ung thư phát triển và phân ly nhanh hơn các tế bào thông thường rất nhiều, nghĩa là chúng thường bị “đói” dinh dưỡng và ôxy cao. Chúng tôi đã phát hiện ra một thành phần tế bào mang tên eEF2K có vai trò quan trọng trong việc cho phép các tế bào ung thư sống sót trong lúc bị “đói”, trong khi đó các tế bào khỏe mạnh khác không cần eEF2K để sống sót. Vì vậy, nếu chặn khả năng của eEF2K chúng ta có thể giết các tế bào ung thư mà không làm tổn hại đến các tế bào khỏe mạnh”.
|
Tế bào ung thư phát triển và phân ly nhanh hơn các tế bào thông thường rất nhiều. |
Tất cả tế bào trong cơ thể đều chứa những thành phần cơ bản như nhau, nghĩa là nếu tấn công một thành phần trong tế bào ung thư sẽ bị ảnh hưởng đến tất cả tế bào còn lại. Đây là một vấn đề nghiêm trọng tồn tại trong phương pháp điều trị ung thư thông thường bằng xạ trị, không những làm tổn hại đến các tế bào khỏe mạnh mà còn chỉ có thể áp dụng cho một số loại ung thư nhất định. Ngược lại, nghiên cứu của GS Chris Proud và các cộng sự chỉ nhắm vào việc tấn công một thành phần protein quan trọng đối với tế bào ung thư nên không chỉ vô hại với các tế bào thông thường mà còn có thể áp dụng để điều trị với nhiều loại bệnh ung thư khác nhau.
Nghiên cứu đột phá này tạo ra một hy vọng mới cho cuộc chiến chống ung thư. Hiện GS Chris Proud và các cộng sự đang tích cực làm việc với nhiều phòng nghiên cứu khác nhau, trong đó có các công ty dược, để phát triển một loại thuốc thử nghiệm ngăn chặn chức năng của eEF2K. Có thể trong tương lai gần sẽ có những loại thuốc dựa vào nghiên cứu này được dùng để điều trị các loại bệnh ung thư.
Theo Người lao động