Nhằm giúp người bệnh có thêm tự tin và luôn giữ được thể trạng tốt nhất trong quá trình điều trị ung thư, bác sĩ Trần Thị Phương Thảo, Trung tâm Điều trị Ung thư Hy Vọng,
Bệnh viện FV chia sẻ với bệnh nhân những cách ăn uống phù hợp, cách hạn chế khô da, rụng tóc, nôn ói… khi
hóa trị.
|
Bác sĩ Trần Thị Phương Thảo đang tư vấn cho bệnh nhân tại Trung tâm. |
PV: Thưa bác sĩ, trong quá trình hóa trị, bệnh nhân cần chú ý gì trong bữa ăn hằng ngày để hạn chế nguy cơ nôn ói, và đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể?
BS Trần Thị Phương Thảo: Thực tế, có khoảng một phần ba bệnh nhân bệnh ung thư tử vong vì suy kiệt trước khi tử vong do ung thư. Trong thời gian hóa trị, bệnh nhân có thể có thay đổi khẩu vị và rơi vào tình trạng biếng ăn do sợ hãi ăn sẽ bị ói, tác dụng phụ của hóa trị, thay đổi khẩu vị..), lở miệng gây đau, khó nuốt. Điều này dễ dẫn tới sụt cân, suy kiệt rất nguy hiểm. Vì vậy, vấn đề dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư cần được chú ý. Bệnh nhân ung thư cần một chế độ ăn giàu đạm, dễ hấp thu từ cá thay vì thịt, bổ sung dầu thực vật. Chú ý nên uống đủ nước và vận động thể lực hợp lý giúp tăng cường hấp thu dinh dưỡng nhằm có đủ sức khỏe để theo đuổi hóa trị. Để dễ tiêu hóa và hạn chế nguy cơ nôn ói, thức ăn cho người bệnh nên được nấu mềm, cắt nhỏ. Nên ăn nhiều bữa, đa dạng hóa thức ăn. Đặc biệt, gia đình, người thân ,bạn bè cần tạo không khí vui vẻ, thoải mái trong bữa ăn để giúp người bệnh ăn ngon miệng hơn. Nên ăn rau quả tươi , đảm bảo vệ sinh an toàn
thực phẩm.
Nhận thức rõ vai trò của dinh dưỡng trong qua trình trị lịêu ung thư, tại Bệnh viện FV TP.HCM, chúng tôi có khoa Dinh Dưỡng để tư vấn chế độ ăn uống cụ thể, phù hợp cho từng bệnh nhân Nhờ được nâng đỡ tốt hơn về dinh dưỡng nên kết quả điều trị ung thư cũng tốt hơn, bệnh nhân và người thân đều yên tâm hơn.
|
Chuyên gia dinh dưỡng Sylvie Nguyễn đang tư vấn cho bệnh nhân. |
PV: Nhiều bệnh nhân nhận thấy trong lúc hóa trị da có hiện tượng bị khô. Xin bác sĩ cho biết cần phải cách chăm sóc da như thế nào để hạn chế tình trạng này?
BS Trần Thị Phương Thảo: Để tránh bị khô da, nên tắm nước ấm bằng vòi hoa sen và tắm nhanh. Không nên tắm lâu trong bồn tắm với nước nóng. Những bệnh nhân nữ cảm thấy không thoải mái lắm với vùng da thô ráp có thể dùng kem dưỡng da hay dưỡng da ngay sau khi tắm, trong lúc da còn đang ẩm. Hạn chế sử dụng dầu thơm vì những sản phẩm này thường có chứa chất cồn có thể làm cho da bị khô nhiều hơn.
Ngoài ra, một số thuốc hóa trị có thể làm cho da bệnh nhân dễ bị ăn nắng nên khi ra ngoài nên chú ý đội nón, mặc quần áo có chất liệu vài dày, dài tay để tránh nắng.
|
Hy Vọng mang niềm tin cho bệnh nhân. |
PV: Rụng tóc là một trong những tác dụng phụ của hóa trị ung thư gây ảnh hưởng lớn đến tinh thần của người bệnh. Theo bác sĩ, người bệnh nên đối mặt thế nào với tình trạng này thế nào và nên làm gì để hạn chế rụng tóc?
BS Trần Thị Phương Thảo: Tóc rụng có thể ảnh hưởng tới tinh thần của bệnh nhân rất nhiều, song người bệnh cần hiểu là đây chỉ là hiện tượng tạm thời, tóc sẽ mọc lại một vài tháng sau ngưng hóa trị. Sau hóa trị tóc sẽ mọc lại mịn và dày hơn. Rụng lông, tóc do hóa trị có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào của cơ thể, bao gồm cả ở vùng đầu, mặt như lông mi, lông mày, lông vùng chân tay, nách và bộ phận sinh dục. Thường thì hai đến ba tuần sau khi bắt đầu hóa trị tóc, lông trên cơ thể sẽ bắt đầu rụng dần. Mức độ rụng sẽ phụ thuộc vào loại thuốc, liều lượng sử dụng và thời gian thực hiện điều trị. Không phải tất cả hóa chất đều gây rụng tóc, có loại gây rụng tóc nhiều và nhanh , có loại gây rụng ít và từ từ. Các sợi tóc còn lại nếu không rụng thường trở nên khô và dễ gãy.
Để hạn chế tình trạng rụng tóc khi hóa trị, bệnh nhân nên dùng loại dầu gội đầu loại dịu nhẹ, dùng lược thưa để chải tóc. Nếu cần sấy thì nên sấy tóc ở nhiệt độ thấp. Tránh dùng những loại cuộn tóc có gai hay bàn chải, hạn chế uốn tóc hay đi nhuộm tóc trong lúc đang hóa trị.
Sử dụng kem chống nắng, mũ, khăn hay tóc giả để bảo vệ da đầu khi đi ra nắng. Dùng bao gối bằng vải mềm, bóng để tóc đỡ mắc vào gối.
PV: Trong thời gian hóa trị, bệnh nhân có thể đi làm việc không?
BS Trần Thị Phương Thảo: Tùy thuộc vào thể trạng, liều lượng của hóa chất, đường dùng và những phản ứng phụ của thuốc mà bệnh nhân đang hóa trị vẫn có thể đi học, đi làm, hoặc tiếp tục những hoạt động khác trong cuộc sống. Đối với các loại thuốc có nguy cơ cao giảm bạch cầu nặng, nên tránh tập trung đến chỗ đông người trong giai đoạn bạch cầu giảm thấp để tránh nguy cơ nhiễm bệnh.
PV: Người bệnh có nên tiếp tục duy trì việc luyện tập thể dục như lúc chưa hóa trị không, thưa bác sĩ?
BS Trần Thị Phương Thảo: Tập thể dục thường xuyên cùng với việc duy trì nếp sống lành mạnh là một trong những yếu tố giúp bảo vệ và phòng tránh bệnh ung thư. Thể dục giúp giảm mệt mỏi, lo lắng, tăng cường tạo khối cơ và cải thiện cấu trúc cơ thể. Bệnh nhân đang điều trị ung thư vẫn có thể tập thể dục với thời gian và cường độ thấp hơn bình thường. Tuy nhiên bệnh nhân thiếu máu nặng không nên tập thể dục thể thao cho đến khi tình trạng ổn định. Bệnh nhân dùng thuốc ức chế miễn dịch nên hạn chế chỗ đông người vì có thể bị lây bệnh nhiễm trùng. Bệnh nhân đang điều trị xạ trị nên hạn chế bơi vì dễ bị kích ứng
Để việc luyện tập hỗ trị tích cực cho quá trình hóa trị, bệnh nhân nên duy trì lịch tập thường xuyên, với các bài tập phù hợp với thể trạng và tình trạng bệnh lý trong và sau khi chấm dứt hóa trị. Cần hỏi ý kiến bác sĩ và luyện tập theo hướng dẫn của chuyên viên vật lý trị liệu.
PV: Nhiều người khá bất ngờ khi biết rằng việc chăm sóc răng miệng cũng rất quan trọng trong quá trình điều trị ung thư. Bác sĩ có thể giải thích rõ hơn về điều này?
BS Trần Thị Phương Thảo: Giữ gìn răng, miệng, và cổ họng mạnh khỏe là một điều rất quan trọng trong lúc đang điều trị ung thư. Nguyên nhân là một số hóa chất khi hóa trị có thể gây lở trong miệng và trong cổ họng hoặc có thể làm cho miệng và cổ họng bị khô, ngứa ngáy hoặc chảy máu trong miệng. Những vết lở trong miệng vào thời điểm này dễ khiến bệnh nhân thêm khó khăn trong ăn uống. Vết lở cũng dễ nhiễm trùng hơn vì trong thời gian hóa trị , sức đề kháng của cơ thể yếu đi và khó chống lại chứng nhiễm trùng. Hậu quả là những vết lở nhỏ này có thể khiến thời gian hóa trị bị kéo dài và phải giảm liều hóa trị.
Đây chính là lý do, trước khi bắt đầu hóa trị, bệnh nhân nên đến gặp nha sĩ để làm sạch răng và để trám những vết sâu hay và điều trị túi mủ, bệnh vùng nướu nếu có, hoặc sửa lại những hàm răng giả không vừa. Bệnh nhân cần nhớ luôn đánh răng, giữ vệ sinh răng miệng sau mỗi bữa ăn (bàn chải mềm, đánh răng nhẹ tránh gây sang chấn nướu răng và niêm mạc miệng, sử dụng chỉ nha khoa.)
Đánh răng và dùng nước súc miệng có chất fluoride để tránh sâu răng. Rửa sạch bàn chải đánh răng sau mỗi lần dùng và giữ ở một nơi khô ráo.
Xin cảm ơn bác sĩ!
Bùi Hương