Theo nghiên cứu, nếu cắt được một gen trong các tế bào gốc gây ung thư ruột kết thì sẽ có thể ngăn chặn chúng sinh sôi nảy nở trong cơ thể người bệnh. Tế bào gốc là những tế bào ung thư có khả năng biệt hóa thành tất cả các loại tế bào tồn tại trong khối u. Đặc biệt, ung thư đại trực tràng là nguyên nhân gây tử vong thứ ba ở các nước phát triển. Vì vậy, kết quả này mang lại khởi đầu mới cho việc điều trị dứt điểm căn bệnh ung thư.
|
Giáo sư John Dick - nhà khoa học tiên phong trong nghiên cứu tế bao gốc ung thư. (Ảnh: Internet). |
John Dick, nhà khoa học cấp cao tại Trung tâm Ung thư Princess Margaret, Đại học Health Network , Toronto, chính là người đi tiên phong trong việc nghiên cứu tế bào gốc ung thư bằng cách xác định các tế bào gốc bệnh bạch cầu vào năm 1994. Năm 2007, Giáo sư Dick đã xác định được các tế bào gốc gây bệnh ung thư ruột kết.
Trong quá trình thực hiện, nhóm nghiên cứu đã thực hiện một loạt các thí nghiệm cận lâm sàng, trong đó họ nhân rộng ung thư ruột kết ở chuột nhằm tìm hiểu sâu hơn về các tế bào gốc ung thư. Qua đó, họ phát hiện ra rằng gen BMI1 - loại gen đóng vai trò duy trì các tế bào gốc của nhiều bệnh ung thư khác - cũng cũng có khả năng tự đổi mới, sinh sôi và tồn tại trong các tế bào gốc ung thư ruột kết.
Sau đó, họ tìm cách ngăn chặn các gen này bằng một chất ức chế phân tử nhỏ. Kết quả nghiên cứu cho thấy hoàn toàn có khả năng phát triển thuốc ngăn chặn ung thư ruột kết trong quá trình bệnh phát triển.
Giáo sư Dick giải thích: “Khi chúng tôi tìm cách ngăn BMI-1 phát triển, các tế bào gốc không thể tự làm mới nên chúng bị suy giảm, ngăn chặn sự phát triển của khối u. Nói cách khác, bệnh ung thư đã được chữa trị triệt để”.
Tiến sĩ O'Brien - một thành viên trong nhóm nghiên cứu cho biết: khoảng 65% bệnh nhân ung thư ruột kết có gen BMI-1. Theo ông: “Qua việc xác định được tế bào mục tiêu, và cách thức giải quyết, chúng ta có thể dễ dàng chuyển sang bước thử nghiệm đầu tiên trên cơ thể con người để phát triển loại thuốc chống ung thư cho bệnh nhân”.
Mai Anh (theo Medicalnewstoday)