Khắc tinh của các loại ung thư vùng đầu cổ

Google News

(Kiến Thức) - Ung thư vùng đầu cổ hiện nay đang có nguy cơ mắc ngày càng nhiều, tuy nhiên bằng nhiều phương pháp kỹ thuật hiện đại, người bệnh có thể có nhiều cơ hội chữa khỏi.

Ung thư vùng đầu cổ hiện nay đang có xu hướng gia tăng, tuy nhiên việc phát hiện và điều trị kịp thời không phải ai cũng biết. Chính vì lý do đó Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, Đài TH An Viên, Báo Điện tử Kiến Thức và Trung tâm điều trị Ung thư Hy vọng (Bệnh viện FV - TP.HCM) vừa kết hợp tổ chức hội thảo khoa học: "Những tiến bộ trong Tầm soát & Điều trị Ung thư Đầu cổ" vào cuối tuần qua tại Hà Nội.
Tác nhân nào gây ung thư vùng đầu cổ
Ung thư đầu cổ là bệnh chiếm tỷ lệ cao trong những loại ung thư mà con người dễ mắc phải. Thông thường, nó rất khó phát hiện bằng mắt thường và nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ thói quen sử dụng thuốc lá, tiếp xúc với ánh mặt trời, ô nhiễm không khí...
Theo PGS.TS Nguyễn Đại Bình, Phó giám đốc Bệnh viện K Trung ương, ung thư vùng đầu cổ gặp khá nhiều, nổi bật là ung thư vòm, hạ họng - thanh quản, lưỡi, khoang miệng. Tuy nhiên, ở Việt Nam nhóm ung thư này có đặc điểm khác so với phương Tây.
Điểm khác biệt đó chính là tuổi mắc bệnh còn khá trẻ, trong đó nhiều nhất là ung thư vòm, hạ họng-thanh quản và lưỡi. Nguyên nhân gây bệnh phổ biến: vi rút, uống rượu, thuốc lá, ăn trầu, viêm nhiễm mạn tính.
 Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia và nhà khoa học tham gia.
Bên cạnh đó, việc tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời làm ảnh hưởng đến quá trình hình thành bệnh. Tia UV có trong ánh mặt trời khiến các tế bào da ở khu vực môi dễ dàng bị hủy hoại. Trong trường hợp những tế bào ung thư môi là ác tính, nó dễ dàng xâm lấn sang các khu vực xung quanh như khoang miệng, hầu họng.
Trong khi đó, ung thư vòm họng khá phổ biến ở các nước châu Á. Nguồn gốc gây bệnh là do cơ thể bị lây nhiễm virus Epstein – Barr, tiếp xúc với bụi bẩn ở các xưởng gỗ; tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều muối, chất bảo quản, …
Điều trị ung thư vùng đầu cổ thế nào?
Nhiều người vẫn quan niệm, khi bị mắc bệnh ung thư là đồng nghĩa với việc mang sẵn trong mình một “án tử”, nhưng thực tế hoàn toàn không phải vậy, khi công nghệ trong điều trị khám chữa bệnh ngày càng hiện đại. Đối với các loại ung thư vùng đầu cổ cũng vậy, nếu biết cách tầm soát, phát hiện kịp thời và điều trị đúng hướng thì hoàn toàn có thể chữa khỏi.
Tại buổi Hội thảo các nhà khoa học đã đưa ra nhiều phương pháp điều trị và tầm soát các căn bệnh ung thư vung đầu cổ. Trong đó, đáng chú ý là phương pháp điều trị ung thư vung đầu cổ giai đoạn muộn.
Theo Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Kim Lưu (Bệnh viện 103), mỗi năm trên thế giới có khoảng 500.000 ca mắc mới, còn ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 8.403 ca mắc mới trong đó các loại ung thư: Vòm hầu, môi-khẩu hầu, thanh quản …là nhiều hơn cả.
Khi mắc các bệnh ung thư vùng đầu cổ ở giai đoạn muộn, người bệnh có thể dùng các phương pháp: xạ trị đơn thuần, xạ trị ngoài +stas, hóa + xạ trị đồng thời …Trong đó xạ trị có vai trò vô cùng quan trọng.
Ngoài những phương pháp bác sĩ Lưu trình bày tại Hội thảo, các bác sĩ tại Trung tâm Hy vọng, Bệnh viện FV (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng mang đến nhiều phương pháp mới trong tầm soát và điều trị ung thư vùng đầu cổ. Trong đó phải kể đến liệu pháp ức chế thụ thể tăng trưởng biểu mô trong điều trị ung thư biểu mô vẩy vùng đầu cổ hay việc tái tạo lưỡi bằng vạt da mỏng mặt trước trước ngoài đùi.
Theo bác sĩ Nguyễn Quảng Đại, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện FV, ung thư lưỡi thường xuất hiện tuổi trung niên, có đến 40% carcinoma khoang miệng xuất phát ở 2/3 trước lưỡi (trong đó 85% xuất phát cạnh lưỡi), yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư là do: hút thuốc, uống nhiều thức uống có cồn, nhiễm HPV.
“Vì thế phẫu thuật cắt bỏ ¾ lưỡi hoặc cắt lưỡi toàn phần bảo tồn thanh quản ảnh hưởng đáng kể đến đến một số chức năng, trong đó có chức năng nói và chức năng nuốt” , bác sĩ Đại cho biết.
Tuy khó khăn, nhưng với công nghệ hiện đại và qua thực tế các ca bệnh đã được phẫu thuật thành công tại Bệnh viện FV, bác sĩ Nguyễn Quảng Đại cho biết, việc tái tạo lưỡi bằng vạt da mỏng được thiết kế theo kiểu “Cathedral triptych” sẽ phục hồi gần như hoàn hoàn hình dạng và kích thước tự nhiên của phần lưỡi di động. Ngoài ra, phẫu thuật này sẽ làm gia tăng sự tiếp xúc giữa lưỡi mới và khẩu cái, má và răng. Điều này rõ ràng giúp hồi phục đáng kể các chức năng nói, nhai, nuốt, và làm sạch khoang miệng. Đặc biệt là sẽ không bị biến dạng và co rút sau xạ.
Ngoài những báo cáo khoa học và tham luận được trình bày, Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các bác sĩ, chuyên gia và nhà khoa học, trong đó phải kể đến những ý kiến rất chân thành và sâu xắc của PGS.TS Bùi Văn Lệnh (PGĐ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), PGS.TS Nguyễn Đại Bình (PGĐ Bệnh viện K TW), GS Nguyễn Vượng…
Lê Phương