|
Ảnh minh họa.
|
Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Viện Ung thư quốc gia Mỹ đã viết trong một đề nghị gần đây rằng: “Khi nhắc tới từ "ung thư", người ta thường ví nó như là bóng ma của một quá trình dẫn đến cái chết không thể lay chuyển. Tuy nhiên, không phải tất cả bệnh nhân ung thư đều bị di căn và tử vong, nó có thể phát triển theo nhiều hướng khác nhau".
Nhóm nghiên cứu này đưa ra một số khuyến nghị cho cộng đồng y tế trong việc giải quyết chẩn đoán và điều trị ung thư quá mức. Họ cho rằng nên có sự thay đổi trong cách các bác sĩ sử dụng thuật ngữ để nói về bệnh ung thư, đặc biệt là khi các tế bào họ phát hiện có thể không gây nguy hiểm đối với người bệnh.
"Sử dụng thuật ngữ" ung thư nên được dành để mô tả tổn thương có khả năng tiến triển gây tử vong nếu không được điều trị, nhóm nghiên cứu viết.
Trong nghiên cứu viết trên tờ tạp chí y khoa New England Journal of Medicine, tác giả Gilbert Welch của Khoa Y Dartmouth và Archie Bleyer của Đại học Y tế và Khoa học Oregon cho hay: “Chúng tôi cho rằng ung thư vú đã được chẩn đoán quá mức, cụ thể là các khối u được phát hiện qua công cụ truy tầm sẽ không bao giờ dẫn tới các triệu chứng nan y đối với 1,3 triệu phụ nữ Mỹ trong 30 năm qua. Trong năm 2008, ung thư vú đã bị chẩn đoán quá mức ở hơn 70.000 phụ nữ, chiếm 31% các ca được chẩn đoán”.
|
Trong năm 2008, hơn 70.000 phụ nữ Mỹ đã bị chẩn đoán quá mức về ung thư vú, chiếm 31% các ca được chẩn đoán”. |
Tác giả Welch cũng nhấn mạnh rằng những phụ nữ này có nhiều khả năng đã phải trải qua các cuộc can thiệp y khoa lớn, trong đó có phẫu thuật, xạ trị, liệu pháp điều trị bằng hormone và hóa trị, vốn là những giải pháp chỉ được sử dụng khi tối cần thiết. Kết luận được rút ra là việc giảm đáng kể tỷ lệ các ca tử vong do ung thư vú có thể được giải thích tốt nhất là biến chuyển tích cực trong điều trị chứ không phải là phát hiện sớm qua quá trình chiếu chụp.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu của Viện Ung thư quốc gia Mỹ cũng lưu ý rằng người dân cần được biết rằng chẩn đoán quá mức hiện rất phổ biến trong tầm soát ung thư.
Các bác sĩ cho biết rằng khoảng 10% các khối u ung thư phổi và 20% đến 30% các khối u ung thư vú được phát hiện qua chiếu chụp là những khối u lành tính, không gây hại cho người bệnh. Các khối u đó sẽ vẫn tồn tại ở đó nhưng không phát triển thêm và không bao giờ lây lan.
Tuy nhiên, nhiều phụ nữ đã phải trải qua quá trình điều trị ung thư không cần thiết do những bức phim chụp X-quang phát hiện ra những khối u lành tính. Kết quả này gây ra nghi ngờ mới đối với tính hiệu quả của công cụ truy tầm ung thư này.
Tuy nhiên, nếu không sử dụng công cụ này, người bệnh sẽ không thể phát hiện và điều trị sớm các khối u trước khi chúng lan rộng và khó điều trị.
“Một số chẩn đoán quá mức chấp nhận được”, Brawley - Giám đốc y tế Hiệp hội Ung thư Mỹ, một chuyên gia về ung thư nổi tiếng thế giới và cũng là một bác sĩ chuyên khoa nhận xét."Chúng tôi đã chuẩn đoán và điều trị quá mức đối với một số người không cần được điều trị như vậy. Nhưng đổi lại, chúng tôi cũng cứu sống nhiều bệnh nhân bị u ác tính”.
Mặc dù vậy, việc chuẩn đoán quá mức cũng có những nguy hiểm của nó. Chẳng hạn như khi một người phụ nữ đi chụp X quang tuyến vú và được chẩn đoán có những dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên, vài tuần sau đó, cô ấy lại pháy hiện rằng mình không bị bệnh ung thư. Như vậy, việc chẩn đoán quá mức sẽ tạo ra sự lo lắng và dẫn đến những xét nghiệm không cần thiết.
"Chúng tôi đã được dạy rằng ung thư là một điều khủng khiếp và cách để đối phó luôn luôn là phát hiện sớm và cắt nó đi”, chuyên gia Brawley nói. "Tuy nhiên, hiện giờ chúng tôi bắt đầu nhận ra rằng điều đó là không đúng với mọi trường hợp".
Nguyên Thảo (theo CNN)