Lọc nước trước khi dùng cũng không ăn thua...
Ấp Dòng Sỏi, xã An Tây, huyện Bến Cát, Bình Dương nằm giữa khu công nghiệp Việt Hương và khu công nghiệp Mai Trường luôn náo nhiệt bởi những đoàn xe container chở hóa chất, hàng hóa chạy ầm ầm vào con đường nhựa giữa khu dân cư, khiến bụi cuốn mịt mù, đất vườn rung chuyển.
Chỉ cho chúng tôi xem những cái giếng trước cửa, trong vườn nhà, anh Nguyễn Minh Đức buồn rầu: "Hàng trăm hộ dân ở khu dân cư này đều dùng nước giếng nấu ăn và sinh hoạt. Gia đình tôi sống ở đất này từ đời ông bà, cha mẹ, giờ tới con cháu chúng tôi. Trước đây, nguồn nước giếng ở độ sâu 30m hoàn toàn bình thường, rất ngọt, nhưng khoảng một năm nay thì nước có mùi hôi, mặn, ngang ngang khó chịu, không thể súc miệng nổi chứ chưa nói dùng để nấu ăn. Chúng tôi đem lọc nước trước khi dùng cũng không ăn thua... Hiện phải khoan sâu tới hơn 60m, nước giếng mới bình thường theo cảm quan, nhưng không biết được bao lâu?".
Ông Trần Văn Đông ngụ cùng ấp than thở: "Chưa thể đào giếng khác, gia đình tôi đang phải mua nước bình để nấu ăn, còn nước giếng thì chỉ để dùng tắm, giặt. Không biết nguồn nước bị ô nhiễm như vậy có phải do ảnh hưởng từ hoạt động của khu công nghiệp hay không!".
|
Lo ngại nguồn nước từ giếng mới đào sâu hơn 60m không biết dùng được bao lâu. |
Hàm lượng nhôm vượt chuẩn cho phép
Sở Tài nguyên - Môi trường Bình Dương kết hợp với Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí, trường Đại học Bách khoa TPHCM tiến hành lấy và phân tích 44 mẫu nước trong các tầng chứa nước tại ba khu vực dân cư gần khu công nghiệp. Kết quả cho thấy, hàm lượng nhôm, mangan, chì và một số kim loại khác tăng cao trong hầu hết các mẫu nước. Đặc biệt, hàm lượng nhôm tăng cao theo thời gian khai thác nước dưới đất và sự suy giảm nhanh chóng độ pH của nước.
Tại khu dân cư xã An Tây, Bến Cát, khảo sát chất lượng nước các giếng có chiều sâu từ 25 - 60m, kết quả cho thấy, hàm lượng nhôm tại một số giếng sâu 30 - 40m vượt tiêu chuẩn cho phép 1,15 - 34,61 lần, pH ở tất cả các giếng đều thấp 3,1 - 5,4, dưới giới hạn cho phép. Cùng tình trạng trên, hàm lượng nhôm ở giếng của nhiều hộ dân thuộc khu vực KCN Sóng Thần, Đồng An, Quân Đoàn 4 vượt tiêu chuẩn cho phép 1,54 - 74,1 lần. Khu vực xã An Phú, Bình Chuẩn hầu hết các giếng vượt tiêu chuẩn từ 1,65 - 57,25 lần. Riêng giếng 309, An Phú sâu 35m, hàm lượng nhôm tăng đột biến 204 lần so với năm 2009, vượt tiêu chuẩn cho phép 57,25 lần.
|
Nhiều giếng ở độ sâu 25 - 30m đều phải bỏ vì nước ô nhiễm. |
PGS.TS Nguyễn Việt Kỳ, Trưởng khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí, trường Đại học Bách khoa TPHCM cho biết: "Nhôm nằm trong thành phần các khoáng vật thuộc nhóm silicat có độ hòa tan rất kém. Phản ứng thường gặp để có thể phá hủy các khoáng vật silicat để đưa silic, nhôm, natri vào nước là phản ứng thủy phân. Phía trên tầng chứa nước trung - thượng thường được phủ bởi các trầm tích thấm nước kém cùng tuổi. Điều này làm tăng khả năng tự bảo vệ của các tầng chứa nước trước sự thâm nhập của các chất ô nhiễm qua con đường thấm tự nhiên. Mặc dù vậy, do tính không liên tục của lớp thấm yếu này mà nhiều nơi, chất ô nhiễm có thể đi thẳng vào tầng chứa nước".
Các nhà khoa học cũng cho biết thêm, độ pH của nước trong đất tụt thấp là điều bất thường, phải có một tác nhân nào đó và pH trong nước bị thay đổi thì kim loại nặng nhiễm vào nước. Nghi phạm cũng được nói tới có thể là có sự bơm xả thẳng chất thải vào lòng đất.
Theo GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường, trường Đại học Công nghệ TPHCM, nhôm độc ở dạng ion hòa tan, khi nhiễm vào cơ thể sẽ tạo thành chất độc và có khả năng phá hủy tế bào não của con người. Ngoài bệnh run chân tay, khi nhôm tích lũy trong gan, thận còn gây ung thư. Quá trình tích lũy nhôm trong đất nhanh hay chậm phụ thuộc vào pH của môi trường. Trong bùn cống rãnh, nhôm chiếm thành phần khá cao so với các kim loại nặng khác, một phần là do sinh ra từ các chất thải sản xuất công nghiệp.
Việc đào giếng sâu chỉ là giải pháp tạm thời, bởi theo thời gian thì nguy cơ nhôm hay thành phần kim loại khác đều có thể nhiễm xuống tầng sâu của nước trong đất.
GS.TSKH Lê Huy Bá
Quỳnh Hương