Đó là kết luận vừa được công bố trên tạp chí Journal of Hepatology. Các bác sĩ trong nhóm nghiên cứu thuộc Bệnh viện Trường ĐH Copenhagen, Đan Mạch đã theo dõi 285.844 người liên tục trong suốt 33 năm.
Kết quả ghi nhận, những trẻ em bị thừa cân, béo phì lúc bảy tuổi (chẩn đoán bằng chỉ số BMI - chỉ số khối cơ thể, cao hơn bình thường), tỷ lệ mắc bệnh ung thư gan khi về già cao hơn người không bị béo phì lúc bé là 1,2 lần. Còn nếu những trẻ em bị thừa cân, béo phì lúc 13 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh ung thư gan khi về già cao hơn người không bị béo phì lúc bé là 1,3 lần.
Theo kết luận của nhóm nghiên cứu, trẻ em béo phì hiện nay đang có xu hướng tăng do chế độ ăn uống và sinh hoạt.
Có nhiều yếu tố làm cho trẻ em dễ mắc bệnh béo phì như: trẻ nặng cân lúc sinh, cha mẹ của trẻ bị thừa cân béo phì, trẻ không được bú sữa mẹ, trẻ lười vận động mà chỉ ngồi xem phim, xem ti vi hay chơi điện tử, trẻ ăn nhiều thức ăn nhanh có nhiều chất bột đường và chất béo, trẻ uống nhiều nước giải khát có đường.
Trẻ em béo phì, thừa cân ngày càng tăng do chế độ ăn uống và sinh hoạt không hợp lý. (Ảnh minh họa) Trẻ béo phì thường ngừng tăng trưởng sớm. Chứng béo phì cũng làm tăng nguy cơ bệnh tật lúc trưởng thành như tăng huyết áp, tiểu đường, sỏi mật, viêm khớp, gan nhiễm mỡ.
Vì vậy, phải phòng tránh bệnh béo phì ở trẻ em bằng cách tác động lên những yếu tố dễ gây nên chứng béo phì ở trẻ em như nêu trên. Ung thư gan là một trong những loại ung thư thường gặp. Các yếu tố nguy cơ là nhiễm vi-rút viêm gan B, vi-rút viêm gan C mạn tính, nghiện rượu, ăn gạo cũ, gạo mốc.
Triệu chứng của bệnh là chán ăn, sụt cân, vàng da, gan to, đau tức vùng gan (vùng bụng trên bên phải).
Theo PNO