Buồn vì bị vợ “càn lướt” suốt ngày

Google News

Nhiều khi em muốn dứt khoát, nhưng nhìn hai con em đành chấp nhận. Nhưng hình như càng nhịn cô ấy càng làm tới...

Cô Dạ Hương kính mến!
Đầu tiên em xin gửi cô và những người thực hiện chuyên mục lời chúc sức khỏe hạnh phúc và thành đạt trong cuộc sống.
Thưa cô, em là một công chức cấp xã lập gia đình được 6 năm và có được 2 con (1 trai, 1 gái). Như vậy có lẽ là quá trọn vẹn, quá mong ước phải không cô?
Nhưng có một chuyện làm em rất buồn và phải nói là rất rất buồn cô ạ. Đó là vợ của em, cô ấy cũng là một công chức Nhà nước, nhưng chẳng hiểu gì cả, chỉ biết có tiền là tất cả, xem chồng chẳng ra gì, không cho chồng quan hệ bạn bè, quản lý tất cả các khoản thu nhập của chồng.
Nếu thế thì có lẽ em cũng chấp nhận được, nhưng hiềm một nỗi, đưa tiền cho cô ấy thì được nhưng lấy lại thì không, thậm chí đám cưới, đám hiếu em phải mượn tiền ngoài.
Gần đây vợ em lại nghi ngờ em lấy tiền cho gia đình bên em. Cô gọi điện dò hỏi đồng nghiệp cơ quan em và nói xấu em đủ điều. Em mệt mỏi quá cô ơi. Nhiều khi em muốn dứt khoát, nhưng nhìn hai con em đành chấp nhận. Nhưng hình như càng nhịn cô ấy càng làm tới, em chán quá cô.
Bây giờ em phải làm sao đây hả cô?
Xin cô cho em lời khuyên. (Cô đừng công bố địa chỉ email).
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Em thân mến!
Không phải không có những phụ nữ như vợ em. Đừng nghĩ phụ nữ là công chức mà sao tệ vậy? Công chức mới có người tệ chứ nông dân họ không mấy người thế. Thứ nhất nông dân họ không có tiền để ham và chồng họ cũng không có nhiều tiền để quản. Thứ hai nông dân họ đâu có hãnh hỗ, đâu có quần là áo lượt xe máy phơi phới đi phơi phới về và vì vậy mà coi chồng bằng nửa con mắt! Nếu cô ta thu nhập cao hơn chồng nữa thì trời ơi, cả nhà chồng phải nép dưới chân thì cô ta mới hả!
Vậy đó. Hình như em đã gặp phải một cô vợ sinh ra để càn lướt chồng. Hay là em quên cái câu “Dạy con dạy thuở còn thơ. Dạy vợ dạy lúc ban sơ mới về” (hình như nội dung này ở Bắc có vài chữ khác đi). Chữ dạy ở đây không phải là cầm roi hay la mắng mà là tập cho cô ta văn hóa của nhà chồng.
Ví như phải biết lễ phép, phải biết hiếu nghĩa, phải biết chia sẻ, phải biết chăm sóc người thân của chồng. Vân vân và vân vân. Sáu năm trời rồi, vợ chồng em đã thành cái nếp, vợ túm hết tiền chồng, em thành như đứa trẻ, cần thì hỏi, mà đã hỏi thì phải trình bày lý do. Tự em đã đưa tay vào tròng, để bị trói, có phải vậy không?
Cô nhớ hồi trước, khi chưa ai có tài khoản riêng, lương của chồng, các khoản khác của chồng, cô đều được giữ. Chồng đi đâu, cô luôn nhớ xem ví để thêm tiền vào cho. Luôn nhớ phải có nhiều khoản chi đột xuất, ví như hư xe, ví như gặp bạn bất ngờ và phải vào quán, ví như… Chồng cô rất hạnh phúc vì cô chu đáo và biết điều.
Bây giờ thì gì cũng vào tài khoản, hai vợ chồng phải có thỏa thuận kỹ, vợ được trao cho khoản nào, chồng giữ khoản nào và chi những gì. Cô thấy những gia đình trẻ, chồng lo tiền ô-sin, điện nước, gửi xe, tiền học cho con... Vợ lo tiền chợ, tiền quần áo vợ chồng con cái, tiền phát sinh…
Như vậy vẫn chưa ổn. Có những khoản cần giúp cho hai bên gia tộc thì sao? Đây mới đòi hỏi những phẩm chất. Vợ phải thảo hiền, chồng phải công tâm, rộng lượng. Với hai điều kiện đó thì lúc này cho bên này lúc khác cho bên kia, quỹ chung hết thì cả hai góp quỹ riêng vào, phức tạp hơn nhưng phương châm đúng thì mọi việc sẽ đúng, hài hòa, mỹ mãn.
Vợ quá quắt mà biết chồng không dám bỏ nên làm tới. Gọi điện thoại hỏi dò đồng nghiệp của cháu rồi đi vạch áo cho người xem lưng, cô ấy đã đi quá xa về mặt đạo đức rồi đó. Kỵ nhất vợ đi tố với đồng nghiệp của mình về mình, vì đàn ông sợ nhất chuyện mất thể diện, lằng nhằng, tới lui, nhiều chuyện.
Có người cả đời cúi mặt bởi một cô vợ quái ác. Có người tung hê để giải phóng mình. Nếu người đó không có máu ngoại tình thì đàn ông nói chung, không ai muốn gia đình đổ vỡ cả. Các cô vợ đâu biết, con giun còn oằn, huống chi con người. Cháu nên làm nghiêm chuyện nghi cháu giấu tiền lại để dúi cho nhà mình. Và cần phải biết giữ tiền lại để đi đám, đi trả nợ miệng, đi ngoại giao, đi hiếu hỉ, không cứ gì lúc nào mình cũng như một gã vô gia cư như vậy.
Làm ở xã lương thấp mà các mối quan hệ lại dày, nên đấu tranh để đừng mang nợ. Lúc đó vợ lại tru tréo hoài nghi làm gì mà vấp nợ, có con nào, hay anh phải mượn tiền để đem về cung phụng nhà anh? Nói chung là phải có miệng, phải đối phó, cần thì đôi co, làm ra một công thức sống hợp tác, các bên đều có lợi và vui vẻ. Hôn nhân thực ra thì ngoài tình yêu, còn như hợp đồng chung sống không văn bản. Ai cố tình chà đạp qui ước ấy thì phải chịu hậu quả là bất thành, thậm chí bất hạnh mà thôi.
Theo Nông Nghiệp VN