Con trai tôi có thói hợm tiền!

Google News

(Kiến Thức) - Thói hợm tiền, khinh người của con trai tôi đang ngày càng rõ nét. Tôi buồn quá.

Vợ chồng tôi cũng chỉ là dân quê, ra thủ đô học tập rồi gặp nhau, nên duyên, cùng nhau xây dựng cuộc sống. Mười lăm năm nay, biết mình chẳng có thân, có thế, chẳng có gì làm bệ phóng nên cả hai vợ chồng đều chăm chỉ làm ăn, tu rèn chuyên môn, sống chắt chiu tiết kiệm.

Cho đến giờ, có thể nói, chúng tôi chẳng ở hàng thượng lưu nhưng cũng ở mức khá trong xã hội, về điều kiện kinh tế, địa vị xã hội.

Thời bố mẹ khốn khó nên với con, vợ chồng tôi muốn các cháu được sống, học tập trong môi trường tốt nhất, luôn cố gắng dành cho con những điều kiện trong mức cao nhất có thể. Tuy vậy, chưa bao giờ, dù trong cách hành xử của vợ chồng tôi với xung quanh hay cách chúng tôi thể hiện riêng với cháu, tôi lấy đồng tiền làm trọng, cậy tiền của khinh người.

Vậy mà con trai tôi lại vô cùng hợm hĩnh, cứ tưởng có tiền là có tất cả.

Đi học ở trường, cô giáo phản ánh bạn bè nào nghèo là cháu không chơi. Cháu dẫn đầu một nhóm những học sinh “chịu chơi” ở ở trong khối. Chúng lấy số tiền có trong cặp, độ xịn của quần áo... để phân loại bạn bè. Khi nghe cô giáo cháu nói vậy, tôi thấy buồn trĩu người.

Nhưng chưa kịp nói chuyện với con thì đợt nghỉ phép vừa qua, ở nhà với con nhiều, tôi bàng hoàng nhận ra con tôi đã thành một thứ người đáng sợ. Cháu khinh bác giúp việc đáng tuổi bà ngoại, một câu nhận lương thì phải, hai câu osin thì phải; cháu xưng với bác ấy là “tôi”  - điều mà đến vợ chồng tôi cũng không dám. Yêu cầu bác ấy làm việc gì chậm chễ một chút là cháu mắng xa xả như tát nước.

Có người bán rong, ăn xin, thu gom phế liệu qua nhà, bác giúp việc cho cái gì, mua cái gì hay đứng lại trò chuyện đôi câu, nó ra nói như lão trọc phú ngày xưa mắng kể hầu người hạ. 

Khi tôi nhắc nhở con, nó thản nhiên “mình có tiền mình phải có địa vị riêng chứ”. Tôi xưa nay chưa từng đánh con, cũng chưa từng mắng nó nặng lời, nhưng lần này tôi cảm thấy tôi phải cương quyết điều chỉnh nó.

Xin hãy tư vấn giúp tôi, vì dù quyết tâm như vậy, nhưng tôi vẫn bối rối lắm. Con tôi đã 14 tuổi rồi, nhiều thứ đã hình thành tính cách. Tôi phải làm sao để nó hiểu, đồng tiền có thể làm người ta sang lên, nhưng cũng có thể biến người ta thành thứ không ra gì.

Nguyễn Duy Mạnh (Cầu Giấy, Hà Nội)
 Ảnh minh họa


Anh Mạnh thân mến!

Con trai anh đang ở độ tuổi vị thành niên, lứa tuổi mà khao khát khẳng định mình, xây dựng hình ảnh bản thân, đặc biệt trong nhóm bạn trở nên mạnh mẽ. Việc con dẫn đầu một nhóm bạn “chịu chơi”, tỏ ra sành điệu, phân loại bạn bè dựa theo độ xịn của quần áo… là cách mà cháu thể hiện giá trị của mình, cũng là để gây ấn tượng, ảnh hưởng đối với bạn bè.

Định hướng giá trị sống sai lệch cho đồng tiền là quan trọng nhất, quyết định giá trị của một con người này có lẽ bắt nguồn từ việc cháu được đáp ứng mọi nhu cầu vật chất, có nhiều tiền để tiêu xài trong khi không được biết quý giá trị thực sự của nó, của lao động, của việc hợp tác và chia sẻ với người khác. Những đứa trẻ như vậy thường chỉ quan tâm đến nhu cầu của bản thân, coi mình là trên hết, dễ coi thường, hợm hĩnh với người khác.

Đúng như anh nói, ở độ tuổi này, nhiều nét tính cách của cháu đã hình thành và không dễ thay đổi, nhất là các cháu tuổi này có nhu cầu độc lập, làm theo ý mình rất cao. Việc la mắng hay cấm đoán thường không đem đến thay đổi tích cực mà ngược lại, khiến cháu càng chống đối và nổi loạn hơn. Những lời tâm huyết như “đồng tiền có thể làm người ta sang lên, nhưng cũng có thể biến người ta thành thứ không ra gì” của bố mẹ, cháu lại coi là bài giảng cũ rích và chán ngắt.

Thay vào đó, anh chị có thể nghĩ đến những chiến lược để thay đổi hành vi của cháu một cách từ từ và hiệu quả.

Thứ nhất, cháu không thể ăn chơi tiêu xài hoang phí khi không có tiền để làm điều đó. Hãy tránh việc cho cháu tiền một cách thoải mái, giảm số tiền mà anh chị cho cháu xuống dần dần, sau chỉ ở mức chi tiêu cần thiết. Định mức nhất định cho quần áo, phụ kiện thời trang… của cháu. Nói rõ với con rằng nếu con muốn mua những thứ con thích, con có thể đi làm thêm vào cuối tuần hoặc mùa hè, còn bố mẹ chỉ có thể đáp ứng con như vậy. Cùng với việc cắt giảm chi tiêu này, hãy giám sát con để đảm bảo con không làm những hành động sai trái để có tiền như trộm tiền bố mẹ hay ăn cắp…

Thứ hai, hãy tập trung vào nhu cầu thể hiện bản thân ở tuổi này, chuyển hướng cách khẳng định mình tiêu cực hiện tại của cháu (qua tiền bạc, ăn mặc sành điệu) sang những cách khác tích cực hơn. Hãy tìm hiểu xem, với cháu và bạn bè cùng tuổi, một người con trai như thế nào được coi là hấp dẫn? Hãy tìm những sở thích, thế mạnh tích cực của con và tập trung khuyến khích, khen ngợi con ở lĩnh vực đó: thích giỏi thể thao, tập nhảy, chơi đàn thể thao… Rất có thể, anh chị sẽ nhận ra rằng, cháu có rất nhiều mong muốn tốt đẹp nhưng chưa thực hiện được, hoặc cảm thấy xấu hổ khi thừa nhận. Một khi cháu theo đuổi lĩnh vực tốt đẹp mà mình yêu thích, cháu sẽ có thêm nhiều bạn mới cùng hứng thú, được thúc đẩy để tiếp tục hành động. 

Một khi cháu biết quý giá trị của đồng tiền, sức lao động, đồng thời có nhiều mục tiêu tốt đẹp, lành mạnh để thay đổi, cháu sẽ biết quý trọng người khác đồng thời nhìn nhận đúng giá trị của bản thân mình.

Chúc anh kiên nhẫn và thành công!