Đàn bà chỉ là nô lệ!?

Google News

(Kiến Thức) - Chồng tôi như người thừa, nằm khểnh ở nhà ba năm để vợ phải lo toan mọi thứ, thế mà mẹ chồng tôi cứ bênh chằm chặp, bảo phụ nữ thì phải nhịn nhục, nô lệ cho chồng.

Hỏi: Tết nhất đến nơi, nhìn nhà người ta vợ chồng cùng nhau sẻ chia mọi lo toan mà tôi thấy cảm cảnh cho thân đàn bà như mình.
 Tôi cám cảnh thân phận đàn bà của mình... Ảnh minh họa.

Tôi lấy chồng đã 6 năm, lúc mới quen, rồi yêu và tính chuyện hôn nhân, tôi thực sự chưa bao giờ tưởng tượng được chồng tôi, nhà chồng tôi lại có lối sống lấy đàn bà làm trụ cột như bây giờ, bởi vì bố chồng tôi xuất thân gốc gác trong một gia đình nhà Nho, và nhà chồng tôi không có con gái, chỉ có 4 anh em trai.

Thông thường, với điều kiện như thế, thì những người con trai trong nhà phải mạnh mẽ, quyết đoán, thậm chí có phần gia trưởng, là người lèo lái, đứng mũi chịu sào trong gia đình.

Nhà chồng tôi thì khác. Mẹ chồng tôi như một nô lệ đích thực. Bà chẳng có tiếng nói gì, nhẫn nhịn từ chồng tới các con, bực con cũng chẳng dám mắng to vì sợ chúng nó “vặc” lại thì tan cửa nát nhà. Thế nhưng, không chỉ việc cơm nước nội trợ, mà cả việc đối nhân xử thế, đối nội đối ngoại, việc kiếm tiền trong nhà, bà cũng phải lo toan toàn bộ. 

Bố chồng tôi như người giời, theo như mẹ chồng tôi nói, thì suốt thời còn đi làm, lương bao nhiêu tiêu bấy nhiêu, chưa bao giờ đưa mẹ chồng tôi một đồng, chưa bao giờ hỏi một câu xem nhà có cần cái này cái kia. Mọi thứ mặc định là mẹ chồng tôi sẽ lo toan. Khi về hưu thì ông suốt ngày đọc sách, viết sớ, chẳng giao lưu với ai, thờ ơ với sự đời.

Tôi về làm dâu, điều đầu tiên mẹ chồng nói với tôi là lời dặn: làm đàn bà thì phải chịu thiệt, chịu nhịn, phải lo toan tính toán cho gia đình. Đàn ông họ chẳng để ý đâu.

Tôi cứ tưởng nói chỉ để mà nói, ai dè mẹ chồng tôi nghĩ như vậy thật, và đáng buồn hơn là chồng tôi cũng nghĩ thế.

Chừng ấy năm lấy nhau, anh chưa chia sẻ với tôi việc gì, cũng như ông kễnh trong nhà. Tệ hơn, ba năm nay, chồng tôi bỏ việc nhà nước định đi buôn bán bất động sản, nhưng đúng thời “sản bất động” nên thành ra ăn không ngồi rồi, mà vẫn vô tư chẳng suy nghĩ gì.

Lúc trước, tôi vẫn cố gồng gánh việc gia đình, nhưng năm nay, sinh thêm một bé, mọi thứ trở nên quá sức. Tôi động viên chồng đủ kiểu nhưng anh chẳng đi làm, cứ ngày ngày ngồi nhà đọc sách, thực sự nhìn một người đàn ông vạm vỡ như người thừa trong nhà, tôi chán vô cùng. Chẳng biết bấu víu vào đâu, tôi đành cầu viện mẹ chồng, hy vọng mẹ khuyên bảo anh. 

Ai dè, mẹ chồng tôi quay ra trách tôi không biết thương chồng, lúc khó khăn hoạn nạn lại dày vò chồng; rồi bà trách tôi hỗn hào vì kêu ca với bố mẹ chồng; sau cùng, bà nhắc lại lời dặn xưa: làm đàn bà là phải lo toan mọi chuyện.... Tôi nghe mà thực sự ù tai, hoa mắt.

Giờ thì tôi hiểu, vì sao chồng tôi lại sống thờ ơ với sự lo toan của vợ như thế. Chẳng nhẽ, tôi lại tiếp tục sống kiếp nô lệ như mẹ chồng tôi, và rồi hai con trai của tôi sau này lớn lên, cũng lại chỉ ngồi một chỗ hưởng thụ, đổ gánh nặng gia đình lên vai vợ chúng hay sao?

Tôi mệt mỏi quá, hãy cho tôi một lời khuyên!

(Nguyễn Hoàng Lan, Từ Liêm, Hà Nội)

 Tôi phải làm gì để thay đổi chồng mình? Ảnh minh họa.

Đáp: Qua câu chuyện của chị, tôi e rằng người quan trọng nhất mà chị có thể trông cậy, bấu víu, dựa vào bây giờ là chính mình, chứ không phải là gia đình chồngị. Nếp nghĩ đàn bà chịu nhịn chịu nhục, nô lệ chồng con đã ăn sâu vào máu thịt bà, khó mà thay đổi. Chồng chị đã thể hiện lại “bản sao” từ nguyên mẫu ông bố “người giời” của mình, lại được củng cố từ cách nuôi dạy của mẹ. Dĩ nhiên, chồng chị sẽ không tự dưng sửa tính sửa nết khi mà chị cũng như mẹ anh ấy, cứ một mực nhịn nhục để êm cửa ấm nhà.

Hãy dừng việc than thở, hay nhờ cậy mẹ chồng chị. Việc đó hoàn toàn chỉ rước thêm ấm ức, bực mình vào thân. Nhưng đồng thời, chị cần tỏ rõ thái độ dứt khoát với chồng mình, rằng chị không chấp nhận định kiến rằng đàn bà là nô lệ của đàn ông, lúc nào người vợ cũng phải nhường nhịn, phục vụ người chồng; hai giới sinh ra bình đẳng và người ta lấy vợ lấy chồng là để cùng nhau chia sẻ gánh vác mọi việc. 

Đúng là người vợ nên thông cảm, không dằn vặt chồng mình khi anh ấy lâm hoạn nạn, nhưng người chồng cũng chỉ xứng đáng với tình yêu thương ấy khi anh ấy biết lo lắng cho gia đình, biết vươn lên vượt qua khó khăn, thay vì cứ ì trệ, để cả gánh nặng già đình oằn lên lưng người phụ nữ.

Hãy nói rõ với chồng rằng, mọi sự chịu đựng đều có giới hạn, nếu anh cứ tiếp tục thờ ơ, không quan tâm đến gia đình thì đừng trách chị khi một ngày, sức cùng lực kiệt, chị không thể tiếp tục sống như thế này nữa. Nếu chồng chị hiểu ra, hãy khuyến khích anh ấy tìm kiếm việc làm, dù là công việc bình thường, thu nhập ít, nhưng thể hiện trách nhiệm của anh ấy đối với gia đình. Hãy thể hiện những mong đợi của chị một cách đơn giản, rõ ràng và cụ thể, như đề nghị anh ấy làm việc gì trong nhà: giúp vợ đón con, bế con hay dọn dẹp nhà cửa… Lúc đầu, hẳn là chồng chị còn vụng về nhưng chị hãy động viên và ghi nhận những nỗ lực của anh ấy.

Kiên quyết khi đặt ra giới hạn và đòi hỏi anh ấy phải thay đổi, đồng thời kiên nhẫn với những tiến bộ nhỏ từ chồng là điều mà chị cần tập trung vào thời điểm này. Chúc chị thành công!

Chuyên viên tư vấn tâm lý, Ths Phạm Văn Hùng 

TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐỌC NHIỀU