Điên đầu chồng “nửa ông nửa thằng“

Google News

(Kiến Thức) - Sống với ông chồng sớm nắng chiều mưa, mười hai giờ trưa gió mùa  đông bắc kiểu này, lúc nào cũng phập phồng lo lắng hôm nay ngủ dậy “ngài” vui hay buồn để lựa, thực sự thần kinh tôi rất căng thẳng.

Hỏi: Chồng tôi dở dở ương ương đúng kiểu đàn  ông các cụ gọi bằng 4 chữ “nửa ông nửa thằng”. Tôi không hiểu trong con người ấy có  tới hai bản chất, hay chỉ đơn giản đó là tính cách âm ẩm không được điều tiết từ tấm bé mà ra.

Ra khỏi nhà, chồng tôi vô cùng đạo mạo, chín chắn; ăn to nói lớn. Ấy vậy mà về nhà, nhiều khi cáu kỉnh bỏ cơm chỉ vì tranh nhau cái  điều khiển tivi để chọn kênh mình thích với thằng con không được; hay chiến tranh lạnh hàng tuần không nói gì khi tôi không mua cái khăn đúng như ý thích...

Có những lúc, chồng tôi chăm sóc vợ con rất ra dáng một người đàn ông của gia đình, nhưng cũng có những lúc tôi chỉ nhờ ngó con hộ dăm phút để rửa mấy cái bát cũng làu nhàu phiền hà, mệt mỏi.

Nhiều việc cần đến sự bàn bạc của cả  hai vợ chồng, cần chồng cho mình có ý kiến thì chồng tôi dứt khoát tự quyết định; nhưng có những  việc thực sự cần đến bàn tay đàn ông, đến tiếng nói của người chồng thì chồng tôi lại hoặc là đùn đẩy cho vợ, hoặc là ới ời gọi bà nội hỗ trợ.

Tôi đã nói rất nhiều về chuyện không thể sống ngẫu hứng, cảm tính, người lớn chẳng ra người lớn, trẻ con chẳng ra trẻ con, dở ông dở thằng mãi được, nhưng lần nào tôi đề cập đến thì chồng tôi cũng tự ái đùng đùng. Bà nội nhà tôi cũng biết chuyện, nhưng luôn bênh con trai, lúc nào cũng bảo tôi đấy là tính người, kệ chồng, bắt chồng thay đổi khổ thân ra
.
Tôi mệt mỏi lắm rồi. Sống với ông chồng sớm nắng chiều mưa, mười hai giờ trưa gió mùa  đông bắc kiểu này, lúc nào cũng phập phồng lo lắng hôm nay ngủ dậy “ngài” vui hay buồn để lựa, thực sự thần kinh tôi rất căng thẳng.

Tôi muốn điều chỉnh phần nào thói quen ứng xử kiểu ẩm ương này của chồng. Nhưng tôi không có  cách nào, và chưa biết tìm đồng minh ở  đâu? Hãy tư vấn giúp tôi!

Lê Thị Hiền (Cầu Diễn, Hà Nội)

 Mệt mỏi khi chồng "nửa ông nửa thằng". Ảnh minh họa.

Đáp: Điều khiến chị mệt mỏi không chỉ là tính cách thất thường của chồng mà còn vì anh ấy không thay đổi như chị mong muốn. Càng chú tâm vào tính xấu của chồng, càng mong đợi anh ấy “biến hóa” nhanh chóng từ trẻ con, hay hờn dỗn, sớm nắng chiều mưa… trở nên chín chắn, điềm tĩnh, hẳn chị càng thấy thất vọng.

Có lẽ điều đầu tiên có thể khiến chị bớt mệt mỏi là tập trung vào chính mình: Chị có thể làm gì để thoải mái, thư giãn hơn với chồng mình? Chị có thể làm gì để bớt khó chịu, bực mình trước sự thất thường của anh ấy? Thay vì nổi khùng lên, chấp nhặt anh ấy từ những giận dỗi nhỏ nhặt, chị có thể lờ đi, làm việc khác hoặc làm gì đó khiến mình dễ chịu.

 Với việc anh ấy chiến tranh lạnh vô lý, chị hãy cứ cư xử bình thường, vui vẻ, không đầu hàng chồng mình bằng cách cũng lạnh băng, xuống tinh thần. Khi việc hờn dỗn, chiến tranh lạnh không thể thu hút sự chú ý của chị và không làm chị nản lòng, chồng chị sẽ dần dần bỏ trò “trẻ con” đó. Bản thân chị cũng sẽ thấy mình độc lập và cân bằng hơn về mặt cảm xúc, thay vì cứ căng thẳng thần kinh, tâm trạng lên xuống cùng với sự biến hóa của tắc kè hoa là chồng.

Chuyện chồng chị tự ái đùng đùng khi chị ca thán anh ấy “dở ông dở thằng” là điều đương nhiên. Dù sở hữu tính cách ẩm ương, chẳng anh đàn ông nào thấy thoải mái khi vợ nói mình như vậy. Thay vì dán nhãn “dở người”, “trẻ con” cho ông ấy, vừa chung chung đại khái, lại vừa khơi dậy tức giận, hãy tập trung vào những hành vi tích cực cụ thể mà chị muốn thay đổi.

Cụ thể, hãy tận dụng những lúc chồng chị “ra dáng đàn ông” hay lúc anh ấy làm những điều mà chị mong chờ để gia tăng hành vi mong đợi, củng cố nó thành thói quen thường xuyên. Chẳng hạn, khi chồng hăm hở giúp vợ việc nhà, hãy tranh thủ nhờ anh ấy giúp thêm việc này việc kia, nài nỉ “không có anh em chẳng làm nổi”, khen ngợi anh ấy nhiệt tình “món này chỉ có chồng nấu là ngon nhất”…

Những khi hai vợ chồng trao đổi, bàn bạc các công việc gia đình, hãy lắng nghe và thể hiện rằng ý kiến của chồng là rất quan trọng, nhờ anh phân tích mà em thấy sáng suốt hẳn ra, với những vấn đề này (như nhà cửa, mua sắm vật dụng đắt tiền…) lúc nào em cũng cần anh cố vấn, không thể tự quyết định được…

Tất cả những điều này sẽ khiến chồng chị cảm thấy mình quan trọng với gia đình, có vai trò không thể thiếu trong gia đình, nâng cao trách nhiệm của anh ấy và về lâu dài khiến anh ấy hành xử đúng mực hơn với vai trò của mình.

Chúc chị thành công!