Làm sao để vợ chồng không “vặc” nhau chuyện nhỏ

Google News

Chuyện cứ tưởng chẳng có gì, nhưng gần đây tôi cảm thấy như nó làm tôi bớt phần yêu chồng đi, chồng tôi hình như cũng bớt phần yêu vợ

(Kienthuc.net.vn) - Tôi là đàn bà nhưng tính tình khá xuề xòa, ngược lại thì chồng tôi lại kỹ tính, đỏm dáng, chỉn chu.

Hỏi: Những chuyện lớn trong nhà, đã qua 5 năm chung sống chúng tôi đều khá thuận lòng nhưng có một chuyện khiến tôi khá phiền, ấy là chúng tôi thường xuyên cãi nhau vì những điều vụn vặt. Có khi chỉ vì tôi chải đầu mà vội đi làm không vơ tóc rụng, có lúc tại anh về nhà cứ cắm đầu vào điện thoại không chơi với con hoặc do tôi không đeo khẩu trang cho con khi chở con đi chơi....

Tất nhiên, nói qua nói lại vài câu rồi thì cũng thôi, chuyện không đến mức căng thẳng quá, nhưng tôi thấy chồng mình nhỏ nhặt; còn chồng tôi, chắc anh ấy cũng có suy nghĩ không hay về vợ mình.

Có lúc, cả nhà đang vui vẻ, chỉ vì những điều nho nhỏ ấy mà mất vui. Sự cố thì chẳng đủ lớn để vợ chồng phải ngồi nói chuyện với nhau nghiêm túc cho thêm phần nặng nề, nhưng thực sự là tôi bị ám ảnh rất nhiều, có chút khó chịu, có chút chán chồng.

Tôi đã từng thử nhịn những lúc chồng nói nhưng tôi thấy rất ấm ức trong lòng và nghĩ sao chồng để ý thế. Thật ra, đôi lúc nói chồng chuyện này chuyện nọ, tôi cũng tự xỉ vả mình sao không uốn lưỡi 7 lần rồi hãy nói, có phải đỡ cãi nhau không?

Chuyện cứ tưởng chẳng có gì nhưng gần đây, tôi cảm thấy như nó làm tôi bớt phần yêu chồng đi, chồng tôi hình như cũng bớt phần yêu vợ. Phải làm sao để vợ chồng tôi không còn “vặc” nhau vì mấy cái chuyện nhỏ như con thỏ này nữa bây giờ?
 
Đào Thu Hà (Mê Linh, Hà Nội)
Vợ chồng tôi hay cãi nhau vì những chuyện nhỏ như con thỏ
Vợ chồng tôi hay cãi nhau vì những chuyện nhỏ như con thỏ
Đáp:
 
Chị Hà thân mến!

Những chuyện nho nhỏ, vụn vặt mà chị nói đến có thật là những “chuyện nhỏ” không? Một khi chúng khiến vợ chồng mất vui, khiến chị ám ảnh, khó chịu, khiến hai người bớt yêu nhau đi, chuyện nhỏ đã thành… chuyện lớn.

Những mâu thuẫn, vướng mắc hàng ngày, nếu không được trao đổi, giải quyết, sẽ tích tụ lại, lớn dần lên, gây ức chế và bào mòn tình cảm vợ chồng. Bởi vậy, điều đầu tiên vợ chồng chị cần làm là xem xét vấn đề một cách nghiêm túc để trao đổi cùng nhau, thay vì lờ đi hoặc nhẫn nhịn.

Làm sao để vợ chồng có thể trao đổi về tật xấu, bất đồng mà không tạo không khí căng thẳng, nặng nề? Hãy bắt đầu câu nói của mình bằng thông điệp ngôi thứ nhất thay vì ngôi thứ hai. Chẳng hạn, thay vì nói “Anh là đàn ông kiểu gì mà kỹ tính như đàn bà”, chị hãy nhẹ nhàng bày tỏ cảm xúc của mình: “Nhiều khi, em cảm thấy mất hết cả hứng khi anh bắt lỗi em trước mọi người.” Cách nói này sẽ khiến cả hai bên hiểu nhau mà không mang tính khiêu chiến, đổ lỗi.

Nếu kỹ tính là một phần tính cách của chồng chị, không thể thay đổi dù anh cố gắng nhiều lần thì chị có thể học cách chấp nhận, sống chung với nó. Một mặt, đừng để việc bắt lỗi của anh ấy làm chị mất vui, mặt khác hãy coi đây là cơ hội để chị rèn luyện tính cẩn thận, chu đáo, một điều cũng rất cần thiết cho cuộc sống gia đình.

Chuyên viên tư vấn tâm lý, Ths Nguyễn Hồng Minh
 
BÀI ĐỌC NHIỀU
 
[links()]