Lì xì bố mẹ chồng để làm gì?

Google News

(Kiến Thức) - Mừng tuổi là để bố mẹ vui, cảm nhận được sự quan tâm, hay để mình "nở mày nở mặt" rằng ta đây là con dâu có hiếu?

Hỏi: Tôi đã về làm dâu của bố mẹ được 4 năm rồi, cuộc sống không có mâu thuẫn gì to tát, nhưng có một số chuyện nho nhỏ thôi cũng khiến tôi lăn tăn nhiều.

Chuyện mừng tuổi Tết bố mẹ chồng tôi là một trong số đó.

Chả là, nhà chồng tôi cũng thuộc dạng có điều kiện, vì thế tuy con cái đều đã lớn, có vợ có chồng, có công ăn việc làm, bố mẹ chồng tôi vẫn hỗ trợ thường xuyên. Lúc thì ông bà cho cháu này tiền học, lúc cho cháu kia tiền mua đồ, lúc cho anh cả thêm chút ít mua ô tô, lúc cho anh hai ít vốn mở rộng cơ sở làm ăn...

Cho con, và không bao giờ nhận cái gì, nên nhà tôi thành quen, kể cả mỗi khi vợ chồng anh em chúng tôi đưa nhau về ông bà cũng chỉ vác người không về, rồi còn tha thêm đồ đi, chẳng phải mua dù chỉ là một gói bánh, cân cam... bởi mua về ông bà sẽ bảo: vẽ chuyện, nhà đầy ra đấy.

 

Nhưng ngày Tết, là phận dâu con, tôi muốn mừng tuổi bố mẹ chồng cho đúng truyền thống, cũng là cách bày tỏ chữ hiếu để các con tôi nó nhìn vào. Vậy mà năm nào cũng thế, cứ sáng mùng một, khi tôi đưa bao lì xì là y như rằng mẹ chồng, bố chồng tôi gạt tay tía lia “Bố mẹ không cần, chẳng cho thêm chúng mày thì thôi, lấy làm gì” khiến tôi rất bối rối.

Đã thế, mỗi khi có người đến nhà chơi, kể chuyện con cái này nọ, ông bà rất thoải mái khoe: “nhà này chỉ có cho thêm thôi chứ kể cả một xu mừng tuổi chúng tôi cũng chẳng cầm. Mình làm cho con chứ cho ai, cầm làm gì”. Ông bà nói thì vô tư như vậy, nhưng chẳng biết khách khứa bạn bè của bố mẹ tôi, của chúng tôi thì nghĩ sao về chúng tôi, khi đã tuổi này rồi mà vẫn để ông bà “bao” từ A đến Z.

Tôi cho rằng, cái chuyện bố mẹ cho con cái là chuyện muôn thuở, nhưng cái chuyện con cái có trách nhiệm lại với bố mẹ cũng là chuyện phải đạo, làm bố làm mẹ nên yêu cầu con cái mình biết điều đó chứ đừng xuề xoà bỏ qua. Thêm nữa, con cái đã lớn, bố mẹ cũng không nên mang câu chuyện về con ra làm quà với mọi người, khiến con cái khó xử. Tôi có đôi lần nói vậy với mẹ chồng tôi thì bà chỉ cười trừ rồi bảo tôi cầu kỳ quá.

Còn cái chuyện mừng tuổi kia, mỗi phong bao của tôi cũng có đáng bao nhiêu đâu, chỉ là hình thức lễ tiết vì tôi biết bố mẹ chồng tôi không đặt nặng chuyện tiền nong, nhưng sao bố mẹ chồng tôi cứ quy ra rằng đó chỉ là tiền và nhất quyết không nhận. Tôi đã thử để chồng tôi mừng tuổi, rồi để cả các cháu mừng ông bà, ông bà cũng nhất định không nhận nên Tết này tôi đang không biết tính ra sao.

Nếu tôi nghe lời ông bà, bỏ qua, không chuẩn bị nữa thì có khi lại thành nàng dâu không biết sống. Nhưng cứ chuẩn bị, rồi bị từ chối, ngày Tết, tôi cũng cảm thấy kém vui.

Tôi nên làm thế nào để bố mẹ chồng nhận lì xì của con cháu?

(Phạm Thanh Hoài, Tây Sơn, Hà Nội)

Đáp
Khi tìm cách để bố mẹ chồng nhận lì xì, chị thực sự mong muốn điều gì? Có phải để bố mẹ vui vẻ, cảm nhận được sự quan tâm của con cái? Hay là chị muốn tạo ra hình ảnh về một nàng dâu “biết sống”, có trách nhiệm, chị muốn người khác nhìn vào nghĩ rằng vợ chồng chị không ăn bám vào bố mẹ?

Thực ra, ý nghĩa của lì xì là đem đến niềm vui cho hai phía: người tặng và người nhận. Tiền mừng tuổi không chỉ là tiền, đó là lời cầu chúc may mắn cho người khác, là biểu hiện cho thấy mình quan tâm đến họ.

Nhưng như chị kể, bố mẹ chị chẳng cần đến lì xì để chứng tỏ tình yêu hay trách nhiệm các con dành cho mình. Ông bà thích việc được cho đi, muốn con cái đón nhận những món quà, những số tiền mình có. Với ông bà, điều đó không có nghĩa là con cái không quan tâm, không có trách nhiệm.

Dư luận từ họ hàng, hàng xóm không thể quan trọng bằng bản chất của sự việc trong gia đình chị. Việc chị không “cầu kỳ” mừng tuổi ông bà cho “có đi có lại”, việc vợ chồng bạn nhận món quà đó bằng sự hân hoan, biết ơn, vui sướng khoe với những người khác… chính là món quà tuyệt nhất để đáp lễ với ông bà. Nếu gia đình bố mẹ chồng có điều kiện và hào phóng, chị cứ thoải mái đón nhận sự giúp đỡ. Anh chị và các cháu hoàn toàn có thể “mừng tuổi” lại bằng sự quan tâm, những lời hỏi han, những hành động nho nhỏ nhưng “đánh trúng” tâm lý bố mẹ/ông bà nói chuyện, lắng nghe, mời bà một miếng trầu, nấu một bữa ông thích…

Quan trọng là bố mẹ chồng chị cảm nhận được sự quan tâm yêu kính của con cái dành cho mình, chứ không phải là phải lì xì “đáp lễ”. 

Chuyên viên tư vấn tâm lý, Ths Nguyễn Thị Hoa

BÀI ĐỌC NHIỀU