Sau 20 năm mới biết con gái từng bị cưỡng bức

Google News

(Kiến Thức) - Những giọt nước mắt và cảm xúc hỗn độn của nó khiến tôi có cảm giác đang sống cạnh một quả bom nổ chậm.

Hỏi:

Con gái tôi bị cưỡng bức 20 năm trước, khi con bé mới 16 tuổi. Vợ chồng tôi mới biết chuyện này năm ngoài. Con bé đã cố giấu chúng tôi trong suốt chừng ấy năm và giờ thì nó chìm đắm trong những giọt nước mắt đau khổ. Có thể đây là một cách giúp con bé giải tỏa tâm trạng nhưng lại khiến vợ chồng tôi thêm rối ruột, rối gan.

Con bé cũng bắt đầu ôn lại thái độ của nó với tôi năm nó 4 tuổi, cũng là lúc em trai nó ra đời. Khi đó, nó nói ghét tôi và tự biệt lập bản thân mình. Suốt chừng ấy năm, con bé vẫn luôn mang trong mình suy nghĩ ấy. Còn tôi, khi sinh con bé, tôi phải đẻ mổ và bị nhiễm trùng thận cấp tính. Có lẽ nỗi sợ hãi lúc “vượt cạn” đã khiến tôi không gần gũi con cho lắm. Tôi cảm nhận được điều đó nhưng đã để mọi chuyện trôi đi theo thời gian.

Con gái tôi là một cô bé vui vẻ, thông minh và rất nhạy cảm nhưng giờ nó giống như một quả bom nổ chậm không biết lúc nào sẽ phát nổ.

Tôi thấy sợ nước mắt của con và không biết nên làm gì lúc này. Xin hãy giúp tôi!
 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đáp:

Bác thân mến,

Những cảm xúc của con gái bác sau quá khứ bị cưỡng bức như vậy là hoàn toàn bình thường.

Khi một phụ nữ bị cưỡng bức và cảm thấy không thể chia sẻ điều đó với ai, cô ấy sẽ có xu hướng đẩy toàn bộ mảng ký ức vừa trải qua vào một nơi sâu trong tiềm thức. Cho tới khi chủ thể cảm thấy đủ “an toàn” để giải tỏa nó, những cảm xúc này sẽ trồi lên mạnh mẽ. Điều này có thể diễn ra nhiều năm sau sự việc nhưng cảm xúc vẫn sẽ mới và đau đớn y như lúc nó vừa xảy ra.

Người bị cưỡng bức sẽ mất kiểm soát hoàn toàn với cảm xúc của mình. Điều quan trọng cần làm lúc này là ta phải lắng nghe họ và phải chuẩn bị tâm lý rằng mình sẽ phải nghe đi nghe lại câu chuyện này rất nhiều lần.

Bác đừng cố gắng chỉ con gái phải làm gì bởi cô ấy đang cần lấy lại kiểm soát trong một tình thế mà mình không có chút tự chủ nào. Ngoài ra, bác tuyệt đối không nên áp đặt cảm xúc cho con gái. Chẳng hạn khi cô ấy nói “Tất cả là lỗi của con”, bác không nên an ủi rằng: “Đừng ngốc như thế, con yêu, đó hoàn toàn không phải là lỗi của con” bởi cô ấy cần khám phá cảm xúc của bản thân và hiểu được tại sao mình cảm thấy như vậy. Những câu hỏi như “Tại sao con lại cảm thấy mình có lỗi” sẽ hiệu quả hơn trong tình huống này.

Tôi biết chuyện xảy ra có thể rất đau đớn với vợ chồng bác. Là cha mẹ, hẳn ai cũng muốn bảo vệ con cái mình cả đời. Nước mắt của con gái khiến 2 bác thêm rối lòng nhưng hãy để cô ấy khóc. Dù là vì lý do gì thì đến giờ cô ấy đã sẵn sàng chia sẻ cảm xúc của mình với cha mẹ.

Tôi không chắc chắn về mối quan hệ giữa tình cảm mẹ con của bác và chuyện con gái bác bị cưỡng bức nhưng theo tôi, cả hai cần ngồi lại để giải quyết vấn đề này. Mặc dù là 2 chuyện tách biệt nhưng luồng cảm xúc khi bị cưỡng bức có thể sẽ kéo cô ấy nhớ lại khoảng ký ức mà cô ấy cảm thấy lúc đó mình gặp nhiều vấn đề. Con gái bác có vẻ rất tức giận với mẹ. Bác cần để cô ấy giải tỏa vấn đề này, lắng nghe cô ấy.

Ngoài ra, bác và con gái nên tìm tới một chuyên gia chuyên tư vấn về các trường hợp bị cưỡng bức để có nhiều lời khuyên hữu ích hơn.

Chúc bác và con gái sớm vượt qua khó khăn!

Tư vấn Annalisa Barbieri của Guardian.co.uk



Thu Thương (Theo Guardian)