Tết bố chơi tưng bừng, mẹ cắm mặt vào bếp

Google News

(Kiến Thức) - Các con nói vậy nên nằng nặc không chịu về quê ăn Tết, đòi ở lại thành phố, chơi với bạn bè, đi chúc Tết hay nằm khểnh xem phim cũng khoái hơn.

Hỏi: Vì là người cùng quê nên 13 năm nay, dù sống ở Hà Nội, nhưng cứ sáng 30 Tết là nhà tôi đóng kín cửa, vợ chồng con cái xách nhau về quê ăn Tết với ông bà. Bố mẹ hai bên của chúng tôi cũng đều lớn tuổi rồi, chẳng biết bao giờ thì theo các cụ về giời nên chúng tôi ở một mạch đến tận ngày đi làm mới ra.

Năm nay, vợ chồng tôi vốn cũng định tiếp tục lịch ấy. Thế mà tối qua, hai đứa con của tôi đã thẳng thắn đề nghị bố mẹ năm nay không về ông bà ăn Tết nữa. Lý lẽ của chúng đưa ra là: chúng đã lớn, có nhiều mối quan hệ. Cả năm cắm đầu vào học, chỉ có mấy ngày Tết là thực sự được nghỉ, các con cũng muốn được đi chơi với bạn bè, được đến thầy cô chúc mừng, thậm chí chỉ là được dạo phố phường, đi ngắm pháo hoa, được chùm chăn ngủ nướng hoặc nằm sofa xem đĩa phim cả ngày. 
 Các con tôi tự dưng không muốn về quê ăn Tết! (Ảnh minh họa - giadinh.net.vn)

Các con kêu rằng về Tết quá lâu khiến chúng không thoải mái, sinh hoạt không quen, bạn bè không có. Chúng phê bình tôi đi tưng bừng suốt ngày, bảo mẹ chúng như osin cắm mặt trong bếp nhà bà từ sáng tới đêm, chẳng cả để ý được đến con cái. Tóm lại, theo chúng, về Tết rất khổ!

Các con tôi nói rằng, bạn bè chúng phản ánh việc Tết nào đến chúc Tết nhà tôi cũng đóng cửa cả Tết. Chúng còn tuyên bố rằng chúng đã lớn (đứa lớn nhà tôi 12 tuổi, đứa bé 10 tuổi), bố mẹ nên hỏi ý kiến chúng trước khi quyết định mọi sự như thế.

Tôi và vợ tôi đã rất ngỡ ngàng. Đúng là chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc hỏi ý kiến con cái, vì tôi nghĩ việc Tết về ông bà là điều bình thường, đương nhiên. Và hơn hết, tôi thực sự nghĩ chúng vẫn còn trong tuổi đi học, vẫn phải nghe lời bố mẹ.

Nhưng cách phản ứng của các con khiến tôi cũng giật mình suy nghĩ. Liệu có phải thời nay, con cái được bố mẹ tôn trọng quá nên mất hết nền nếp không ạ? Sao chúng dám nói cái việc về ông bà lễ Tết nặng nề đến thế. Tôi nghĩ nhà nào có cha mẹ ở quê mà chẳng vậy, hơn nữa ngày Tết ở Hà Nội rất buồn, có gì đâu mà chúng vương vấn.

Vợ tôi thì bảo, hay là ăn Tết ở Hà Nội một năm, chiều ý các con. Tôi không đồng ý. Nếu Tết không về, cha mẹ hai bên sẽ rất buồn. Hơn nữa, làm thế là dung dưỡng cho sự ích kỷ của con trẻ, được đằng chân lân đằng đầu, sau này chúng sẽ đòi hỏi nhiều thứ hơn cho cuộc sống, sở thích riêng của chúng, chẳng nghĩ gì đến ông bà, bố mẹ.

Tôi muốn các con tôi hiểu những suy nghĩ này của mình, để vui vẻ theo bố mẹ về với ông bà, chứ không phải tâm lý bị ép buộc. Tôi nên làm thế nào?

(Nguyễn Quốc Hưng, Ba Đình, Hà Nội)

Đáp: Câu chuyện của anh kể thật tinh tế, thể hiện sự khác biệt giữa các thế hệ, quan niệm khác nhau về ngày lễ Tết, và cả cách chúng ta giao tiếp về những công việc, hoạt động của gia đình.

Những gì các cháu nói đáng giật mình lắm chứ. Đúng là các con lớn rồi, các con có chính kiến riêng, có cách nhìn riêng của mình về cái Tết mà con muốn, về cảm xúc của con với những Tết đã qua.

Các cháu đã nói ra những lý do khiến Tết không còn thú vị: mẹ phải chúi đầu vào bếp cả ngày, bố đi tưng bừng, bạn bè thì không được gặp. Thế có gọi là Tết sum vầy không?! Hãy hỏi con xem, Tết quê như thế nào thì con sẽ vui và dùng những gợi ý của con ứng dụng luôn vào lên kế hoạch hoạt động của Tết những năm tới. Tết ông bà - Tết gia đình nhỏ cũng là ý tưởng hay. Các con cũng có bạn bè của mình, cũng có những hoạt động riêng của tuổi trẻ, cũng cần được ưu tiên đâu kém ông bà?

Thêm nữa, không phải Tết nào cũng khăn gói về quê mới là có hiếu với cha mẹ. Dù ở đâu, nhưng chúng ta thể hiện và cảm nhận được tình cảm của nhau, thì vẫn còn tốt hơn vác người về nhưng tâm trí ở đâu đó, tỏ ra vui vẻ nhưng gượng gạo vì bức xúc và không hài lòng. Đó là chưa nói đến, việc được trao đổi, bàn luận, cùng quyết định sẽ khiến cả nhà có con đường tốt nhất để tận hưởng kỳ nghỉ đặc biệt này, và sẽ làm hết mình để nghỉ ngơi thực sự là vui và thư giãn.

Chuyên viên tư vấn tâm lý, Ths Nguyễn Thị Hoa