“Vô tư tình cảm” trước mặt con có sao không?

Google News

Mỗi khi về nhà, chồng tôi vô tư thể hiện "hành vi tình cảm", bất kể sự có mặt của con cái.

Vợ chồng tôi có hai con ở lứa tuổi học cấp I. Mỗi khi về nhà, chồng tôi vô tư thể hiện “hành vi tình cảm”, bất kể sự có mặt của con cái.

Nhiều khi bối rối giữa việc làm sao vừa chiều được chồng vừa dạy được con, nên tôi lờ đi hoặc gạt tay ra khiến chồng cụt hứng và giận. Để các con chứng kiến cảnh đó, có ảnh hưởng gì đến việc phát triển tâm sinh lý của chúng không?

Trần Thị M.H.

Ảnh minh họa. IE
Ảnh minh họa. IE

Điều chắc chắn là con trẻ sẽ tiếp nhận những bài học đầu đời về cách ứng xử của cha mẹ. Các cháu lớn lên, phát triển nhận thức và biết thể hiện sự trìu mến như thế nào chính là do quan sát cách cha mẹ đối xử với nhau trước đó. Chúng sẽ ghi nhớ để rồi thể hiện giống như vậy khi tới tuổi kết bạn, có người yêu hay lập gia đình. Tâm lý học gọi đó là khả năng bắt chước và tái hiện những hành vi của người lớn. Các chuyên gia tâm lý cho biết: những trẻ dưới 18 tháng đã có thể lưu giữ những trải nghiệm trong bộ nhớ để sau này tái hiện trong hành vi. Đó là tiến trình con-người-sinh-vật trở thành con-người-xã-hội, biết quan tâm và phán xét những gì diễn ra xung quanh.

Nhiều bậc phụ huynh thận trọng đến mức không dám bộc lộ bất kỳ kiểu tỏ tình nào, thậm chí không bao giờ ôm nhau trước mặt con cái. Làm thế chẳng khác nào tạo nên một nhóm “người lớn tí hon” ngay trong môi trường gia đình.

Thực ra, trẻ khám phá cơ thể mình rất sớm. Ngay từ năm đầu tiên của cuộc đời, ở giai đoạn tự kỷ trung tâm (quy ngã), trẻ chỉ quan tâm đến việc thỏa mãn nhu cầu thể chất (bú, mút, cắn). Phân tâm học gọi đây là giai đoạn miệng của sự phát triển tâm sinh lý, sự phát triển tâm lý xã hội của trẻ chỉ hướng về việc gắn bó với người chăm sóc, chưa chịu tác động gì về hình ảnh cơ thể cha mẹ. Trẻ bắt đầu khám phá cơ thể khi tập bò tập đứng, biết sử dụng bô (18 tháng đến ba tuổi) và tỏ ra rất thích thú với việc nghịch ngợm "cái ấy".
 
Trên dưới ba tuổi, trẻ mới có ý thức xã hội, bắt đầu biết nên và không nên làm gì. Giai đoạn giữa và cuối tuổi thơ (bảy, tám, chín tuổi đến dậy thì), trẻ có ý thức về bản thân, tăng tính tò mò hoặc có biểu hiện của sự phát dục sớm. Nhiều trẻ không thích bị “bắt quả tang” đang ở truồng, đồng thời để ý nhiều hơn đến cơ thể mình và bạn bè (cùng giới lẫn khác giới).

Lúc này, cha mẹ tránh vô tư hở hang dễ dãi trước mặt trẻ (nhất là cha trước con gái hoặc mẹ trước con trai) để trẻ học cách biết tôn trọng sự riêng tư, sự tế nhị và tôn trọng với chính cơ thể mình. Những phẩm chất này đòi hỏi nhiều hơn ở bé gái.

Phơi bày “chuyện người lớn” trước mặt con cái là chuyện cấm kỵ, dù trẻ ở lứa tuổi nào. Có khi bé sẽ phản ứng, thậm chí có thể lo lắng và sợ hãi rằng cha mẹ đang làm... đau lẫn nhau. Nguy hiểm hơn, bé bắt chước “diễn tập” với anh chị em trong nhà hoặc với bạn.

Sống trong một gia đình hạnh phúc, cha mẹ quan tâm lẫn nhau, con cái chắc chắn sẽ trở nên tự tin, hài lòng hơn về bản thân và thế giới chung quanh.

Theo ThS-BS Lan Hải/ PNO
BÀI ĐỌC NHIỀU
[links()]