Vì sao Tưởng Giới Thạch bị bắt cóc?

Google News

(Kiến Thức) - Tưởng Giới Thạch có lẽ là một trong số ít những nhà lãnh đạo thời hiện đại bị chính thuộc hạ của mình bắt cóc để yêu sách.

Vụ bắt cóc chấn động

Ngày 12/12/1936 một sự kiện bất ngờ có ảnh hưởng lớn lao đến cục diện cuộc kháng chiến chống Nhật của Trung Quốc đã xảy ra. Tưởng Giới Thạch – lãnh tụ của Quốc Dân đảng Trung Quốc và là người đứng đầu chính phủ Trung Hoa Dân Quốc, bị hai thuộc hạ là Trương Học Lương và Dương Hổ Thành bắt cóc tại Hoa Thanh Trì, thành Tây An.

Diễn biến vụ bắt cóc này được Cuốn sách Những nhân vật lịch sử Trung Quốc hiện đại của Diệp Vĩnh Liệt (người dịch Nguyễn Trung Phước, Nxb VHTT) kể lại: 10h đêm 11/12, Tôn Minh Cửu đến nhà Trương Học Lương ở ngõ Kim Gia, Trương nói: Bây giờ anh đi mời Tưởng Ủy viên trưởng vào thành! Tuyệt đối không được đánh chết ông ta đấy. Vào lúc nửa đêm, quân Đông Bắc của Trương tiến hành việc bắt Tưởng còn quân Tây Bắc của Dương phối hợp bắt giữ các quan chức và tướng lĩnh đi theo Tưởng ở Tây An.

 Tưởng Giới Thạch và Trương Học Lương. Ảnh: Phunutoday. 

Khu Hoa Thanh Trì mà Tưởng ở vốn từ thời nhà Đường đã là một hành cung để Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi thường xuyên lui về nghỉ dưỡng. Vào thời điểm Tưởng đến ở, khu hành dinh này có 2 sảnh. Một sảnh có 5 phòng và sảnh kia có 3 phòng. Tưởng thường ở khu sảnh 5 phòng. Lực lượng bảo vệ Tưởng rất đông đảo với khoảng 30 người ở trong sân và khoảng 70 người ở vòng ngoài. 

Sau khi nhận lệnh, Tôn Minh Cửu mang theo 2 xe tải, mỗi xe hơn 50 lính đến Hoa Thanh Trì. Xe chở lính xông qua cửa và đấu súng dữ dội với lực lượng bảo vệ Tưởng. Tôn Minh Cửu vòng qua làn đạn bò vào sảnh phòng. Họ ngạc nhiên thấy phòng trống không. Sờ chăn vẫn thấy ấm chứng tỏ Tưởng vừa rời khỏi đây. Nhìn ra cửa sổ thấy mở toang. Có thể Tưởng nhảy qua cửa sổ chạy trốn.

Tin Tưởng Giới Thạch bỏ trốn báo về khiến Trương Học Lương lo toát mồ hôi. Rất may sau đó bộ đội của Trương phát hiện một chiếc giày ở phía đầu hồi nhà chứng tỏ rằng Tưởng đã bỏ chạy lên núi. Quân Đông Bắc tức tốc tiến lên núi lục soát. Vốn ban đầu các chỉ huy bảo với binh sĩ quân Đông Bắc rằng Trương Học Lương bị Tưởng Giới Thạch bắt giam nên phải đánh vào Hoa Thanh Trì để cứu Trương. Đến bây giờ họ mới nói cho binh lính biết sự thực của hành động đồng thời treo giá 1 vạn đồng cho ai tìm thấy Tưởng Giới Thạch.

Không lâu sau, một hạ sĩ quan trong tiểu đoàn của Tôn Minh Cửu bắt được tên vệ sĩ của Tưởng. Nghe tin, Tôn vội đến thấy tên vệ sĩ run trong gió rét nhưng nhất định không khai báo chỗ Tưởng trốn. Tôn lấy súng ngắn dí vào đầu hắn nhưng hắn vẫn im lặng. Tuy vậy ánh mắt hắn lại liếc lên núi. Hành động nhỏ này của tên vệ sĩ không qua mắt được Tôn Minh Cửu, anh ta liền đốc thúc thuộc hạ lên núi theo hướng liếc nhìn của tên vệ sĩ. 

Không bao lâu lính của Tôn đã tìm thấy Tưởng ở trước một cái hang, lúc này trời đã gần sáng. Tưởng rất lo lực lượng đột kích vào Hoa Thanh Trì là Hồng quân nên hỏi: Các anh ở đâu đến? Tôn trả lời “Quân Đông Bắc”. Tưởng thở phào nhẹ nhõm. Tôn tiếp lời: “Trương phó tư lệnh ra lệnh cho chúng tôi đến bảo vệ Ủy viên trưởng, mời Ủy viên trưởng về thành, lãnh đạo chúng tôi đánh Nhật, tiến về Đông Bắc”.

Ngay sau đó, Tưởng được Tôn Minh Cửu cõng xuống núi vì ông ta không quen đi chân đất. Tưởng được đẩy lên một chiếc xe con mui trần. Hai bên có Tôn Minh Cửu và các sĩ quan quân Đông Bắc ngồi, theo sau xe con là một đoàn xe vận tải chở quân Đông Bắc hộ tống đưa Tưởng vào thành Tây An. Vào thành, Tưởng được chở thẳng đến lầu Tân Thành giam giữ. Đồng thời, các quan chức đi theo Tưởng cũng bị quân Tây Bắc bắt giam ở chiêu đãi sở Tây An.

Từ ngôn gián đến binh gián

Tin tức về sự biến Tây An nhanh chóng lan ra vào ngày 12/12. Nhiều người lầm tưởng đây là một vụ đảo chính nhưng thực ra thì không phải vậy. Mục đích của Trương Học Lương và Dương Hổ Thành chỉ muốn Tưởng Giới Thạch tỉnh ngộ. Hành động bắt giữ Tưởng Giới Thạch nói theo cách nói của Trung Quốc là “binh gián” là hình thức can gián cứng rắn và là một quyết định khó khăn mà Trương Học Lương phải suy nghĩ rất lâu và chỉ dùng khi “ngôn gián” không hiệu quả. 

 Vợ chồng Tưởng Giới Thạch. Ảnh: Người Đưa Tin. 

Vào thời điểm đó, cuộc kháng chiến chống quân Nhật xâm lược của người Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn ác liệt. Mặc dù vậy, với tư cách là lãnh tụ của Quốc Dân đảng đồng thời đứng đầu chính phủ Trung Hoa Dân Quốc, Tưởng Giới Thạch lại chủ trương phải tiêu diệt Đảng Cộng sản Trung Quốc trước rồi mới tập trung kháng Nhật.

Trong khi đó, vùng Đông Bắc là quê hương của Trương Học Lương và bộ đội của ông ta đang bị quân Nhật giày xéo. Tâm tư của bộ đội Đông Bắc đều muốn trở về chiến đấu với quân Nhật để giải phóng quê hương chứ không muốn đánh nhau với Đảng Cộng sản Trung Quốc. 

Bởi vậy, trong thời gian Tưởng đến Tây An để né tránh mừng thọ, Trương Học Lương từng nhiều lần can ngăn Tưởng đình chỉ nội chiến để đoàn kết chống Nhật. Trương Học Lương từng nói với Tưởng: “Tôi gặp cảnh nạn nước thù nhà, lại bị nhân dân gọi là “ông tướng bất đề kháng”, có lỗi với nước nhà, có lỗi với anh em dưới quyền, trước hoàn cảnh như vậy, còn mặt mũi nào…”

Đáp lại, ngày 6/12, Tưởng triệu Trương đến Hoa Thanh Trì nói trắng ra: Bất luận như thế nào, lúc này cần thảo phạt Đảng Cộng sản, nếu phản đối mệnh lệnh đó, thì Trung ương không thể không có sự xử trí thích đáng. Tưởng cũng đề ra sẵn 2 phương án cho Trương và Dương lựa chọn. Một là phục tùng mệnh lệnh, điều toàn quân Đông Bắc và lộ quân 17 ra Thiểm Bắc tấn công Hồng quân. Hai là nếu không muốn tiễu cộng thì sẽ điều quân Đông Bắc đi Phúc Kiến, lộ quân 17 đi An Huy để hai tỉnh Thiểm Tây, Cam Ninh cho quân Trung ương tiến hành tiễu Cộng. Chính sự kiện này khiến Trương Học Lương và Dương Hổ Thành hiểu rằng Tưởng đã có sẵn phương án cho 2 viên tướng cứng đầu. Hai người cũng biết rằng Tưởng Giới Thạch đã chuẩn bị mọi mặt để ngày 12/12 phát lệnh tiễu Cộng lần thứ 6. Nếu khi đó Trương Dương không nghe thì sẽ bị xử tội theo quân pháp. Sự kiện đó đã thôi thúc 2 viên tướng làm binh gián để khuyên Tưởng Giới Thạch.

Sau gần 2 tuần bị giam giữ, ngày 24/12/1936, Tưởng Giới Thạch được phóng thích sau khi các cuộc đàm phán giữa phe chống Nhật với Chính phủ Trung ương thỏa thuận xong. Tưởng đồng ý cải tổ Quốc Dân đảng, đình chỉ nội chiến để tập trung chống Nhật. Chiều 24/12, Trương Học Lương, người chỉ huy vụ “bắt cóc” lại đích thân bay theo Tưởng để hộ tống ông ta về Nam Kinh. Vụ binh gián chấn động Trung Quốc kết thúc thành công đã giúp Quốc Cộng hai đảng hợp tác cùng chống Nhật cho đến hết Thế chiến II. 

Vũ Tiến Đức