Bao Công và kỳ án chiếc rương tai họa (kỳ 1)

Google News

Cái gói của Thụy Long được mở ra, bên trong là thủ cấp của một phụ nữ chứ không phải thủ lợn.

Bao Công có nhiều công trạng trong việc xử án nên vua Nhân Tông phong cho ông kiêm chức Giám sát Ngự sử, không những có quyền xét xử những vụ án ở Khai Phong mà còn được phép vi hành các vùng lân cận để xem xét dân tình, điều tra thêm các vụ trọng án. Ông được vua Nhân Tông trao cho quyền tiền trảm hậu tấu nên các quan huyện, thậm chí đến cấp tri phủ đều phải sợ hãi, ít nhiều cũng giảm bớt sự lộng hành, bức ép người dân.
Một lần, ông cùng với Bao Hưng đi đến trấn Tam Trinh. Thấy nơi đây không những phong cảnh tươi đẹp mà dân tình cũng thuần hậu chất phác nên Bao Công rất mừng, cho rằng quan lại nơi đây biết cách cai trị dân. Chẳng ngờ, Bao Công vừa nghĩ xong thì chợt có một bà lão từ trong ruột rỗng của cây liễu lớn bên đường chạy ra, quỳ ngang đường, hai tay dâng một tờ đơn khiếu kiện.
 
Bao Công thấy có người đệ đơn khiếu kiện liền lập tức cho dừng kiệu, nhận đơn rồi đọc nhanh để biết sơ lược bà lão này kêu oan việc gì. Thấy nét chữ trong đơn rất sắc sảo, Bao Công liền hỏi ngay xem người viết lá đơn kia có phải là bà lão hay không. Bà lão khi ấy vẫn quỳ dưới đất mà thưa rằng từ nhỏ đã được học hành, rèn chữ mỗi ngày nên tự mình viết đơn được không cần nhờ ai khác.
Vốn tính cẩn thận nên Bao Công vẫn sai người đưa cho bà lão tờ giấy cùng bút mực bắt viết thử vài chữ. Bà lão không chút do dự, viết ngay một câu thơ cổ chứng tỏ là người có học vấn chứ không nói dối.
Bao Công so sánh hai nét chữ thấy quả thật là đúng nên bảo bà lão cứ nhà về, ông sẽ đến huyện đường xem án văn về việc này và sẽ có trát gọi sau. Rồi Bao Công lệnh cho quân khiêng kiệu lập tức nhằm về hướng huyện đường Tam Trinh. Đến huyện đường rồi, Bao Công truyền lấy văn án ra xem, ghi nhớ kỹ trong đầu vụ việc một nho sinh tên là Hàn Thụy Long bị khép vào tội giết người.
Còn bà lão vừa đưa đơn kiện chính là mẹ đẻ của Hàn Thụy Long. Chồng chết sớm nên Hàn thị ở vậy nuôi con. Chồng chết chẳng để lại gia sản gì nên hai mẹ con Thụy Long phải thuê một gian nhà nhỏ ở thôn Bạch Gia Bảo, không có gia nhân giúp việc. Tuy nhiên Hàn thị là người có học hành nên bà không để con trai mình thất học, dù cuộc sống hết sức cơ cực nhưng bà vẫn khuyến khích con trai mình học tập, hy vọng mai này sẽ làm rạng rỡ tông môn.
Một buổi tối nọ, khi Thụy Long đang khêu đèn đọc sách thì chợt nghe thấy tiếng động lạ, cậu quay lại thì vừa kịp thấy có một người mặc áo xanh, đi giày màu đỏ vào phòng của mẹ mình. Cậu lập tức đuổi theo xem người lạ ấy là ai và tại sao lại vào phòng của mẹ mình. Nhưng căn phòng trống rỗng không có đồ đạc gì nhiều khiến Thụy Long nhận ra ngay là chẳng có ai cả.
Cậu dụi mắt cho là do đọc sách nhiều nên nhìn gà hóa cuốc. Thế nhưng tối hôm sau, cậu lại thấy hiện tượng này xảy ra, cậu không kịp lên tiếng mà cũng không kịp nhìn mặt người ấy. Lần này, cậu không thể giấu được nữa, cậu nói thật với mẹ rồi cả hai cẩn thận đốt đèn sáng soi khắp mọi chỗ. Khi soi vào gầm giường, hai mẹ con có một chỗ đất hơi vồng lên nên lấy làm ngạc nhiên vì lúc dọn nhà hoàn toàn không có chỗ đất ấy.
Hai mẹ con khiêng giường sang một bên, lấy cuốc xẻng đào chỗ đất ấy lên. Chỉ thoáng chốc, họ đã nhìn thấy một chiếc rương lớn lộ ra, có khóa cẩn thận như thể bên trong chứa vật gì quý giá. Hai mẹ con đều hồi hộp, họ dùng cây sắt cạy nắp rương lên thì thấy thật bất ngờ khi chiếc rương chứa đầy vàng bạc.
Trong lúc Thụy Long vui mừng hớn hở thì Hàn thị lại tỏ vẻ đăm chiêu nói: "Vàng bạc đến bất ngờ là điềm chẳng may. Có lẽ đây là của phi nghĩa, chúng ta nên trình báo với quan quân thì hơn".
Thụy Long nghe mẹ nói vậy liền nói lại: "Theo con thì dù là của phi nghĩa nhưng chúng ta không hề làm gì sai trái, cũng không trộm cắp của người khác mà của cải tự đến thì chắc là trời phật thấy chúng ta nghèo khó nên ban ơn cho. Hơn nữa nếu báo quan quân thì hết sức phiền phức, chắc chắn bị tra hỏi mất nhiều thời gian. Chi bằng chúng ta đừng nói ai biết, cứ lấy số vàng bạc này mà lo cho cuộc sống, làm phúc giúp đỡ người khác hay bố thí vào cửa Phật tạo công đức thì hay hơn".
Hàn thị nghe con nói cũng có lý nhưng vẫn thở dài đáp: "Mẹ cũng biết như thế nhưng ở đời bao giờ của phi nghĩa cũng đem tới nhiều đau khổ hơn là sung sướng. Hơn nữa cái việc con thấy người áo xanh xuất hiện mấy lần chỉ chỗ chôn vàng bạc thì càng không nên coi thường. Theo mẹ thì áo xanh tượng trưng cho quan quyền, còn giày đỏ thì có thể là sự thất bại, không được bình yên".
"Theo mẹ thì chúng ta nên trình báo với quan trên, nếu quả số vàng bạc này vô chủ thì chắc chắn sẽ được thưởng ít nhiều, như vậy cũng đủ qua cơn ngặt nghèo túng bấn rồi. Lòng tham bao giờ cũng đem đến cái hại, con nên suy nghĩ cho kỹ mới được".
Nhưng Thụy Long từ nhỏ đến giờ ăn uống kham khổ, vật chất thiếu thốn nên không đời nào chịu bỏ qua món quà trời cho ấy. Cậu ta tranh cãi với mẹ đến cùng. Cuối cùng vì quá yêu chiều đứa con duy nhất nên bất đắc dĩ, Hàn thị phải gật đầu đồng ý và bảo Thụy Long ngày mai đi mua chút lễ vật để tạ ơn thần phật. Thụy Long cùng mẹ khiêng chiếc rương để vào chỗ cũ, lấp đất trở lại sau khi đã lấy một chút vàng để sáng mai dùng đến. Hai mẹ con tắt đèn đi ngủ và không hề nghĩ đến hiện tượng vì sao có người áo xanh lẻn vào nhà nữa.
Do lần đầu tiên nhìn thấy số vàng bạc lớn như vậy nên cả đêm, Thụy Long không tài nào ngủ được. Khi tiếng gà vừa cất lên thì cậu vội đi rửa mặt, thưa với mẹ rồi tất tả lên đường ra chợ huyện mua đồ. Khi ra khỏi nhà thì Thụy Long mới nhận ra là trời chưa sáng hẳn, chắc chắn chợ huyện chưa có người nên đành chậm bước một chút.
Nhưng dù cậu đã đi rất chậm nhưng khi tới chợ thì chợ vẫn còn vắng hoe, chưa hề có ai dọn hàng. Thụy Long đành đi tới cửa hàng bán thịt của người đồ tể họ Trinh gọi cửa, hỏi mua một cái đầu lợn về làm lễ cúng.
Vì còn sớm nên họ Trịnh rất khó chịu, định từ chối đi vào nhưng sau đó không biết nghĩ sao lại đi ra chấp nhận bán cho Thụy Long cái thủ lợn nên vui vẻ cho mượn một tấm vài, gói cái thủ lợn ấy cho cậu mang về còn dặn rằng vài ba hôm nữa trả tấm vải cũng không sao.
Lúc đó do trời còn tối nên Thụy Long không nhìn thấy vẻ mặt gian manh của tên đồ tể họ Trịnh, cậu mang về còn dặn rằng vài ba hôm nữa trả tấm vải cũng không sao. Lúc đó do trời tối nên Thụy Long không nhìn thấy vẻ mặt gian manh của tên đồ tể họ Trịnh, cậu chỉ mừng rỡ cảm ơn lòng tốt của hắn mà không biết rằng đó là khởi nguồn của tai họa.
Rước họa vào thân
Thụy Long mừng vui mang thủ lợn về nhà, khi đi ngang qua khu rừng thưa cảm thấy mỏi tay, cậu liền đặt cái gói vải xuống đất ngồi nghỉ chân. Bất ngờ có một toán quân đi tuần ngang qua. Một tên lính tinh mắt thấy gói vải có dính chút máu thì lập tức tiến tới hỏi. Một tên khác mau lẹ mở gói vải thì không thể ngờ được rằng, đó là cái thủ cấp của phụ nữ chứ không phải là thủ lợn.
Trong lúc Thụy Long còn đang chết ngất người vì kinh hoàng thì bọn lính lập tức xúm lại trói chặt cậu lại rồi giải đến huyện đường, chờ đến khi trời sáng mới trình lên quan là có án mạng. Thấy đó là trọng án, quan huyện lập tức thăng đường. Sau khi nghe Thụy Long kể lại đầu đuôi câu chuyện thì quan huyện lập tức cho gọi đồ tể họ Trinh đến để thẩm vấn.
Chẳng ngờ tên đồ tể kia chối phắt, cho rằng mình hoàn toàn không bán đầu lợn cho Thụy Long, riêng tấm vải là của mình nhưng do Thụy Long đến mượn về dùng 3 hôm trước. Họ Trịnh còn tức giận nói với Thụy Long không đáng là học trò, đã cố tình mượn tấm vải của mình về gói đầu người để đổ tội cho người khác.
Nhưng quan huyện Tam Trinh là người khá sáng suốt, dựa theo thái độ cùng lời nói của Thụy Long thì biết rằng, trong chuyện này có nhiều uẩn khúc, nên không tra tấn như thường lệ mà giam cả hai người vào ngục chờ điều tra. Và trong lúc quan huyện còn phân vân chưa biết bắt đầu từ đâu thì Bao Công tới nơi. Cũng do Hàn thị quá nôn nóng, biết tin Bao Công đang tuần tra đến vùng này thì chui vào cây liễu lớn ẩn nấp, trú mưa trú nắng mấy ngày trời cho đến khi gặp Bao Công.
Bao Công gọi Thụy Long lên thẩm vấn lần nữa. Vừa nhìn thấy diện mạo thanh tú của Thụy Long, Bao Công đã có suy nghĩ người học trò ấy không thể là thủ phạm, tên đồ tể họ Trịnh mới là nghi phạm thứ nhất. Nghe Thụy Long khai giống hệt những gì đã khai hôm trước ghi trong văn án, không hề ngập ngừng. Bao Công lại càng tin mình nghĩ đúng, hỏi thêm: "Ngươi mua thủ lợn rồi gặp quân tuần vào lúc mấy giờ?".
Thụy Long thưa: "Tiểu sinh cũng không rõ là mấy giờ, chỉ biết lúc đó trời hãy còn sớm". "Thế ngươi mua thủ lợn với mục đích gì mà đi sớm như vậy? Đây là đầu mối quan trọng phải khai cho thực". Thụy Long biết rằng, nếu càng giấu càng khó minh oan nên cúi đầu tạ lỗi trước, sau đó mới khai toàn bộ sự việc mình thấy người áo xanh giày đỏ xuất hiện chỉ đường cho hai mẹ con tìm thấy con rương vàng bạc như thế nào, rồi định mua thủ lợn về cúng tế tạ ơn thần phật nên mới nôn nóng đi từ sáng sớm ra sao.
Bao Công nghe xong thầm nghĩ, nếu quả thật là có rương vàng bạc thì tất Thụy Long vô tội, lập tức sai quan huyện và các sai nha kéo đến thôn Bạch Gia Bảo khám xét. Khi quan huyện vâng lệnh đi rồi, Bao Công mới gọi họ Trịnh ra thẩm vấn. Vừa nhìn thấy bộ mặt hung ác của hắn, Bao Công lại càng tin tưởng nếu điều tra bắt đầu từ tên này ắt sẽ tìm ra manh mối.
Nhưng mặc cho Bao Công hăm dọa, họ Trịnh vẫn cương quyết giữ lời khai như cũ. Đến khi Bao Công sai quân đánh đòn khiến da thịt của hắn tan nát, máu chảy đầm đìa, hắn vẫn nhất định không nhận tội. Đúng lúc đó quan huyện trở về bẩm báo rằng, quả có tìm thấy cái rương dưới gầm giường nhà Hàn thị, thế nhưng trong rương chỉ toàn là vàng bạc bằng giấy, tức là đồ mã chứ không phải là vàng bạc thật. Quan huyện còn kinh sợ cho biết, khi nảy sinh nghi ngờ đã cho quân đào sâu thêm thì phát hiện một xác chết nam giới không có đầu.
Bao Công cũng hơi ngạc nhiên vì sự việc lại biến chuyển kỳ lạ như vậy, theo văn án thì cái đầu Thụy Long cầm về là của phụ nữ, trong khi ấy lại tìm thấy cái xác đàn ông thì thật trái ngược. Bao Công liền cho gọi Thụy Long lên hỏi và được biết khi mất đi, cha của cậu chẳng để lại của cải gì, rằng căn nhà hai mẹ con đang ở là căn nhà đi thuê nên không biết lai lịch ra sao.
Bao Công không trách cậu về điều đó, sai lính giam cả hai người vào trong ngục rồi liền bàn bạc với những người thân tín và yêu cầu Triệu Hổ đi do thám. Triệu Hổ liền hóa trang thành một người hành khất, mặt mũi lấm lem, quần áo rách ruối, đeo bị chống gậy mà đi khắp vùng.
Một lần khi đang đi thì Triệu Hổ thấy đau nhói dưới gan bàn chân, nhan tiện thấy có tảng đá lớn đặt trước của ngôi chùa thì liền ngồi xuống tháo giầy ra xem. Triệu Hổ thấy giày bị miếng sắt nhọn xuyên thủng, không biết làm sao lấy ra được nên đập thật mạnh vào cánh cửa chùa hi vọng miếng sắt nhỏ ấy bung ra.
Tiếng đập cửa khiến các hòa thượng trong chùa tưởng rằng có người gọi nên sai tiểu tăng ra mở cửa. Tiểu tăng thấy đó chỉ là một người hành khất thì định đi vào. Lúc đó tâm trí Triệu Hổ hầu như dồn hết vào vụ án mạng kỳ lạ này nên nhìn thấy tiểu tăng thì buột miệng hỏi: “Tiểu sư phụ, có bao giờ nhìn thấy một người thân hình là nam, đầu là nữ hay chưa?”.
Tiểu tăng nghe vậy nghĩ ngay đó là người hành khất bị điên khùng nên bực tức đóng sầm cửa lại, không thèm nói một lời nào. Triệu Hổ ngẩn người ra một lúc rồi mới tự cười nhạo mình sao lại thốt ra những lời ngô nghê như vậy, như thế thì làm sao dò la được tin tức. Do vậy, Triệu Hổ đi loanh quanh một vòng, thấy trời tối bèn nhằm hướng Tam Trinh mà về.
Khi đi qua đầu thị trấn, Triệu Hổ chợt nhìn thấy có một bóng người đang lấy hết sức để trèo lên bờ tường thấp, rất vất vả mới lọt được vào một khu vườn nhỏ. Triệu Hổ biết ngay tên này chỉ là ăn trộm tầm thường, không có võ công nên mau lẹ bỏ gậy bị xuống đất, nhún mình phóng lên đứng trên đầu tường quan sát tình hình. Nhìn thấy bóng người ấy chưa đi đâu, còn đang khom lưng lẩn lút sau mấy đống củi, Triệu Hổ liền nhảy xuống tóm lấy hắn. Rất nhanh, tên trộm bị khuất phục dưới bàn tay cứng như sắt của Triệu Hổ.
Khi ấy Triệu Hổ mới có thời gian quan sát, thì ra tên trộm này còn khá trẻ, diện mạo cũng không đến nỗi hung ác, bất lương. Hắn nói rằng tên là Diệp Thiên Nhi, vì không có nghề nghiệp gì để nuôi dưỡng mẹ già đã hơn 80 tuổi nên bất đắc dĩ phải hành nghề trộm cắp và đây là lần đầu tiên hắn hành nghề nên xin Triệu Hổ hãy tha cho hắn.
Triệu Hổ nghe vậy đã toan nới tay tha cho hắn nhưng bất chợt nhìn xuống dưới đất thấy ló ra một dải lụa màu trắng. Triệu Hổ nắm lấy dải lụa kéo lên thì càng lôi càng thấy dài, rồi đất đá bắt đầu dạt ra hai bên, cuối cùng lộ ra một cái chân trắng nõn, Triệu Hổ vẫn một tay giữ Thiên Nhi, một tay nắm chân xác chết lôi mạnh, hóa ra là cái xác phụ nữ nhưng không có đầu.
Rồi sau đó mặc cho Thiên Nhi van xin bảo mình không phải là thủ phạm, Triệu Hổ dùng dải lụa trắng trói chặt hắn lại, nhét giẻ vào miệng để hắn không kêu được rồi cứ mặc hắn ở lại khu vườn rồi phóng như bay về huyện đường báo cáo với Bao Công.
(Còn nữa...)
Theo Pháp luật & Cuộc sống