Yết Kiêu cùng với Dã Tượng, Cao Mang, Đại Hành và Nguyễn Địa Lô là một trong 5 thuộc hạ giỏi và trung thành của Trần Hưng Đạo. Với tài bơi lội "nhập thủy như phúc bình địa hỹ" (đi dưới nước ung dung tự tại như đi trên đất), lập nhiều công lao lớn nên đã được vua ban danh hiệu "Trần triều đệ nhất đô soái thủy quân".
Người có tâm sáng
Yết Kiêu tên thật là Phạm Hữu Thế (1242 - 1301), một trong những gia tướng của Trần Hưng Đạo, là con trai của ông Phạm Hữu Hiệu và bà Vũ Thị Duyên; quê làng Hạ Bì, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương (nay là xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương). Cha mất sớm, từ nhỏ, ông đã phải lăn lộn trên sông nước để kiếm sống và nuôi mẹ nên rất thông thạo sông nước, có sức khoẻ và giỏi bơi lặn.
Có nhiều truyền thuyết trong dân gian về cuộc đời và những chiến tích của ông, kể cả tên gọi Yết Kiêu... Tương truyền, năm 15 tuổi, vào một buổi sáng tinh mơ, khi ra sông, ông thấy sương trắng mù mịt nổi khắp mặt sông, thấy hai con trâu trắng đang húc nhau trên bãi cát, nếu không can sẽ có con bị chết, nên ông đã dùng đòn ống can ngăn chúng, cả hai con trâu biến xuống nước, lúc đó ông mới biết hai con trâu đó là trâu thần. Sờ lại đầu đòn ống thấy còn dính vài cọng lông, ông liền đặt xuống nước thì thấy nước rẽ ra làm đôi, nên ông nuốt lấy, từ đó mà bơi lặn giỏi, đi trong nước hàng mấy dặm mà như đi trên đất và thường lặn lội bắt cá, mò trai cả ngày dưới nước...
Khi là gia nô trung thành và cận vệ đắc lực cho Trần Hưng Đạo, Yết Kiêu lại có tài chỉ huy quân thủy tác chiến trên thuyền, cùng Dã Tượng chỉ huy trên bộ, được Trần Hưng Đạo mến tài thu nạp làm gia tướng.
Cuối 1282, nhà Trần tổ chức hội nghị Bình Than bàn kế sách chống giặc Nguyên - Mông xâm lược. Hưng Đạo Vương được vua Trần Nhân Tông trao quyền Quốc công tiết chế, thống lĩnh, chỉ huy toàn bộ quân đội đã ướm hỏi Yết Kiêu: "Khi thân phụ ta sắp mất có dặn bảo ta phải lấy cho được thiên hạ thì mới yên lòng nhắm mắt. Nhà ngươi nghĩ thế nào? Ta có nên làm thế không?". Yết Kiêu trả lời: "Làm vậy tuy phú quý nhất thời mà ô danh muôn thuở...", Hưng Đạo Vương khen Yết Kiêu là người có tâm sáng và nghĩa khí, từ đó rất được trọng dụng và luôn cho theo sát bên mình.
|
Ảnh minh họa. |
Vua mà không có tôi trung thì cũng chỉ là cô quân
Năm 1285, Thoát Hoan chỉ huy 50 vạn quân Nguyên - Mông ồ ạt xâm lược Đại Việt. Hưng Đạo Vương điều quân chốt giữ các cửa ải biên giới phía Bắc, trực tiếp chỉ huy đại quân đóng bản doanh ở ải Nội Bàng (Lạng Sơn) chặn địch. Quân Trần tổ chức nhiều trận kịch chiến với quân Nguyên - Mông, nhưng đều bị thất bại. Trước thế địch đang mạnh, để bảo toàn lực lượng, Hưng Đạo Vương hạ lệnh cho quân rút lui về án ngữ ở Vạn Kiếp (Chí Linh, Hải Dương) và trực tiếp chỉ huy chặn địch phía sau để đại quân rut lui an toàn. Quân Nguyên - Mông truy đuổi ráo riết, khi đó chỉ có Dã Tượng đi theo chủ tướng.
Trong tình thế hiểm nguy, Yết Kiêu một mình giữ thuyền chờ đón chủ tướng trên Bãi Tân (Lục Nam, Bắc Giang) kịp thời đưa Trần Hưng Đạo thoát khỏi sự truy sát của địch. Lúc lên thuyền Hưng Đạo Vương mừng và nói: "Chim Hồng Hạc bay được cao là nhờ ở sáu trụ cánh, nếu không có sáu chiếc trụ cánh ấy thì cũng như các loài chim thường thôi". Ý Trần Hưng Đạo muốn nói: Người tướng tài giỏi, nổi tiếng phần lớn cũng là nhờ những người chung quanh mình ra sức làm việc, phò tá, nếu chỉ có một cá nhân mình thì không sao có thể làm nên sự nghiệp lớn. Vua Trần biết chuyện đã nói: "Đừng nói tướng, đến vua mà không có tôi trung thì cũng chỉ là cô quân".
(còn nữa)
TS Nguyễn Thành Hữu