Là một hiện tượng trong cuộc sống nên ghen tuông đã đi vào các sáng tác thơ văn, truyện ký và mỹ thuật. Trong dòng tranh dân gian Đông Hồ có một bức tranh đề cập đến vấn đề này, bức tranh “Đánh ghen” là một tác phẩm độc đáo không chỉ vì hiếm có nghệ sĩ nào thể hiện đề tài này mà đặc biệt hơn nữa là ẩn chứa trong đó những thông điệp ý nhị, thâm thúy.
Thông điệp ẩn chứa trong một bức tranh
Người xưa nhận định rằng, bức tranh “Đánh ghen” tuy màu sắc, họa tiết đơn giản nhưng vẫn vẽ lên một “trận chiến” trong gia đình hết sức căng thẳng:
Măng non nấu với gà đồng,
Thử chơi một trận xem chồng về ai.
Nghệ nhân làng Đông Hồ đã thể hiện một cảnh đánh ghen thông qua 4 nhân vật với cách diễn tả trạng thái tâm lý rất tài tình với 4 biểu hiện khách nhau. Người vợ cả được vẽ với hình dáng xồ xề đang tức giận muốn lao vào dùng kéo cắt tóc cô vợ bé; mặc dù theo quan niệm phong kiến xưa, người phụ nữ “xuất giá tòng phu”, phải tôn kính phục tùng chồng; thế nhưng như một câu Kiều đã viết:
Lòng riêng riêng những kính yêu,
Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai.
|
Bức tranh “Đánh ghen.
|
Đối với ông chủ gia đình, đó là người chồng, trong diễn biến câu chuyện của gia đình, tuy lúng túng giữa 2 người đàn bà, một mặt ngăn cản, khuyên can vợ cả nhưng lại “nhất bên trọng, nhất bên khinh” khi một tay giữ bầu ngực vợ bé như thể hiện sự ưu ái, cưng chiều. Hai câu thơ trên bức tranh chính là thể hiện tâm lý của người chồng trước tình cảnh khi đó:
Thôi thôi nuốt giận làm lành,
Chi điều sinh sự thiệt mình thiệt ta.
Còn cô vợ bé, do trẻ trung, xinh đẹp hơn, cậy được chồng yêu nên trước bà vợ cả lại càng tỏ vẻ xem thường qua hành động hất bím tóc đầy thách thức. Cuối cùng những tổn thương, những mất mát đang trút lên vai của con cái họ thông qua hình ảnh một đứa bé đang chắp tay như để van xin người lớn hãy dừng việc đáng xấu hổ kia lại.
Tác phẩm thể hiện giản dị, độc đáo nhưng là một sự giáo dục rất sâu sắc, nhắc nhở trong đời sống vợ chồng nên thức tỉnh vì hậu quả để lại là những đứa con sẽ bị tổn thương về tinh thần, cha mẹ chia rẽ, con cái bơ vơ, mất đi không khí hạnh phúc trong mái ấm gia đình. Nó cũng là sự lên án cảnh chồng chung trong một xã hội coi “trai 5 thê 7 thiếp là thường”, còn “gái chính chuyên chỉ có một chồng”.
Các chi tiết khác trong tranh như tấm bình phong, muốn nói rằng chuyện gia đình nên giải quyết ổn thỏa trong khuôn viên, nội bộ thôi không làm to chuyện vì “xấu chàng, hổ ai?”; những mâu thuẫn vợ chồng không nên để con trẻ chứng kiến sẽ có ảnh hưởng không tốt. Cây tùng, chậu hoa cảnh, lan can tường thể hiện gia đình giàu có nhưng cũng có ý nói rằng có tiền đâu dễ có hạnh phúc, bài học đó dành cho tất cả mọi người dù là thường dân hay xuất thân là con vua cháu chúa quyền quý, cao sang.
Bức tranh “Đánh ghen” làm sứ giả Trung Hoa bẽ mặt
Có một giai thoại khá lý thú liên quan đến bức tranh “Đánh ghen” được lưu truyền trong chuyện kể dân gian vùng Kinh Bắc. Theo đó dưới triều Hậu Lê, giai đoạn Lê trung hưng (1548-1789); có người còn cho rằng chuyện này xảy ra vào khoảng thời gian trị vì của vua Lê Ý Tông (1735-1740) và vua Lê Hiển Tông (1740-1786), khi ấy sứ thần nước Đại Thanh (Trung Quốc) sang nước ta.
Sau khi làm các công việc ngoại giao, thời gian rảnh rỗi, nghe nói có làng tranh nổi tiếng nằm không xa kinh đô Thăng Long của nước Đại Việt, sứ Thanh bèn muốn đến. Khi đến nơi, tuy xem tranh nhưng chẳng hiểu nội dung các dòng chữ viết trên đó, sứ Thanh phải nhờ một lão nghệ nhân dịch giúp ý nghĩa những dòng chữ Nôm ấy, trong đó có câu thơ trên một bức tranh như sau:
Khen ai khéo vẽ nên dừa,
Đấy trèo đây hái cho vừa một đôi.
Với thái độ nghênh ngang, kiêu ngạo của kẻ đến từ nước lớn, lại cho rằng những người dân quê mùa ít học, chỉ biết vẽ vời chứ đâu biết đến chuyện văn chương chữ nghĩa, sứ Thanh chỉ vào bức tranh “Hứng dừa” rồi trịch thượng ra vế đối:
“Tứ thủy đồng lưu hà chi đạo” (Nghĩa là: Bốn dòng nước đều chảy, chảy đường nào?).
Ý của tên sứ thần nhà Thanh là có 4 dòng nước là nước từ 2 quả dừa mà người hái đưa xuống và nước từ 2 “trái dừa” (tức bầu ngực của người phụ nữ hứng dừa). Ngoài ý lỡm, hắn còn chê tranh của ta thô thiển, không có đạo lý gì cả.
|
Bức tranh “Hứng dừa”. |
Ông lão nghệ nhân làng Đông Hồ liền lấy ngay bức tranh “Đánh ghen” dựa vào ý tứ của bức tranh đó mà đối lại rằng:
“Tam nhân tranh đoạt tất tại thiên” (Nghĩa là: Ba người tranh đoạt, nguyên do là bởi trời).
Bọn đế vương cầm quyền phương Bắc thường ngạo mạn xưng là “Thiên tử” (còn trời) “thay trời hành đạo” nhưng với tham vọng của chúng chỉ khiến cho xã hội rối ren, dân chúng lầm than khổ sở, quan hệ với các nước lục đục, tranh đoạt… Tất cả những điều ấy, theo ý của ông lão nghệ nhân làng Đông Hồ, suy cho cùng là tại “thiên” (trời), tức là tại kẻ cầm quyền phong kiến Trung Quốc.
Nghe xong câu đối, hiểu ý, tên sứ thần nhà Thanh bẽ mặt liền lảng sang xem các bức tranh khác rồi lấy cớ chuồn thẳng.
Lê Thái Dũng