Thời phong kiến, với quan điểm Nho giáo khắt khe nên trong quan hệ giao tiếp giữa nam và nữ phải có khoảng cách, không được tùy nghi bằng những cử chỉ thân thiết, gần gũi với nhau thế nên mới có câu “Nam nữ thụ thụ bất thân”. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp vượt qua khuôn phép để đến với nhau...
Nguyễn Bỉnh Khiêm có tên là Nguyễn Tất Đạt, còn gọi là Văn Đạt, quê ở làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) từ thuở nhỏ đã nổi tiếng
thần đồng.
Mặc dù được giáo dục dạy dỗ trong một gia đình nội ngoại đều có học vấn uyên thâm với cha là Nguyễn Văn Định nổi tiếng hay chữ, thân mẫu là Nhữ Thị Thục, người phụ nữ có bản lĩnh khác thường, học rộng biết nhiều lại giỏi tướng số và ông ngoại là Nhữ Văn Lan, quan Thượng thư bộ Hộ, nhưng đến tuổi đi học, Văn Đạt vẫn được gửi đi học tại các nhà Nho nổi tiếng trong vùng.
Trường học đầu tiên của Văn Đạt là chùa Thiên Hương (chùa Mét) ở đất Cổ Am (nay là xã Cổ Am, thuyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) và thầy học đầu tiên chính là sư trụ trì, vốn là một danh sĩ văn võ kiêm toàn nhưng chán cảnh quan trường nên bỏ đi tu, lấy chùa làm nơi dưỡng tính, tìm đường giác ngộ giải thoát theo đức Như Lai, thời gian còn lại dành để dạy chữ miễn phí cho con em các gia đình quanh chùa.
Trong số bạn học, Văn Đạt kết thân với Bùi Ngu Dân, Văn Đàm và Trần Thị Thắng; mỗi người có gia cảnh khác nhau nhưng không vì thế mà có sự phân biệt, xa cách. Trái ngược với Văn Đạt, một người xuất thân thuộc gia đình quan lại, hai người bạn Ngu Dân và Văn Đàm không có được may mắn đó, họ đều là con em nông dân nghèo khó.
|
Ảnh minh họa.
|
Nhà Ngu Dân nghèo, chỉ có một khoảnh ruộng nhỏ không đủ trồng cấy, người mẹ phải đi làm thuê, gặt mướn, còn cha hàng ngày đi kiếm củi đổi lấy gạo muối, nhưng thấy con mình thông minh nên hai vợ chồng cố gắng dành dụm tiền để cho con theo học một thầy đồ làng.
Tuy nhiên vì khó khăn nên một thời gian sau Ngu Dân phải nghỉ học vì không có tiền mua sách bút, giấy mực; vì thế cậu bèn tìm đến chùa Mét xin học và được sư thầy tiếp nhận. Gia cảnh của Văn Đàm thì cực khổ hơn rất nhiều, mồ côi cha mẹ, không có nơi nương tựa phải sống trong căn lều rách nát, hàng ngày đi làm thuê kiếm sống, có lúc thì vào giúp nhà chùa làm lụng kiếm bát cơm, quả cà và những mong học được chút ít chữ nghĩa.
Còn Trần Thị Thắng là con gái nhà giàu có, cha mẹ không vì phận nữ mà cấm đoán, ngược lại khuyến khích con học văn, luyện võ. Vì nghe tiếng sư thầy chùa Mét uyên thâm kinh sách nên cũng gửi gắm con mình tới thọ giáo.
Nhóm bạn của Văn Đạt chơi với nhau rất thân thiết, mỗi người có ưu điểm riêng, Văn Đạt từ bé mới chưa đầy 3 tuổi đã biết nói nhiều câu khôn, học thuộc một số bài ca do mẹ dạy nên dân làng gọi là thần đồng. Bùi Ngu Dân thì có trí nhớ khác thường, lúc mới đi học, do không có tiền mua sách nên mượn bạn bè, thầy giáo sách để đọc và thuộc lòng hết vì thế có biệt danh là Kỳ Đồng.
Từ nhỏ phải bươn trải nên học hành tuy không bằng các bạn nhưng Văn Đàm lại có vóc dáng to khỏe, ham mê luyện võ và giỏi đấu vật. Trần Thị Thắng là nữ nhi nhưng tính tình cương nghị, cũng rất thích tập cung kiếm và đọc sách binh thư. Đến tuổi trưởng thành, những người bạn của Văn Đạt cũng có những bước đổi thay, Bùi Ngu Dân không thích khoa cử nên bỏ ngoài tai những lời khuyên nhủ đi thi để lấy công danh, mà ở nhà mở trường dạy học.
Văn Đạt cũng mở lớp dạy học trò như bạn (mãi sau này khi 44 tuổi mới đổi tên thành Nguyễn Bỉnh Khiêm và đi thi đỗ Trạng nguyên năm 1535). Còn Văn Đàm thì đi thi đỗ Hương cống, nhưng thấy chốn quan trường nhiễu nhương nên không nhận ấn phong mà ở nhà làm ruộng với danh xưng mới - Cống Đàm.
Ngoài lý do đó còn nguyên nhân khác, Văn Đàm không muốn xa nhà, xa người con gái mà mình yêu mến nhưng số phận không cho họ đến được với nhau. Văn Đàm yêu người bạn gái thuở nhỏ là Trần Thị Thắng, giữa hai người có nhiều điểm chung nên tình cảm của họ cứ lớn dần theo năm tháng.
Tiếc rằng cha mẹ Trần Thị Thắng chê Văn Đàm nghèo khó, trước đây từng là người làm thuê cho gia đình mình nên nhất quyết không gả con gái cho, họ muốn tìm một đám ưng ý “môn đăng hộ đối”.
Tình cảm bị ngăn chở, không nghe lời cha mẹ thì bất hiếu, đi lấy người khác thì phụ người yêu nên Trần Thị Thắng thề ở vậy không lấy ai, Văn Đàm cũng nguyện sống độc thân để giữ nguyên mối tình thủy chung với cô gái họ Trần. Tuy không thể thành vợ thành chồng nhưng giữa hai người vẫn dành cho nhau sự quý trọng, yêu mến như những người bạn.
Bấy giờ xã hội có nhiều biến động,
nhà Mạc sau một thời gian thành lập đã không thể duy trì được sự ổn định trong những năm đầu, chính trị sa sút, đời sống nhân dân khổ cực, trong khi đó lực lượng trung thành với triều Lê đã phát triển mạnh mẽ, lập nên một chính quyền riêng ở Thanh Hóa nhằm trả thù mối hận bị cướp ngôi, quyết lật đổ nhà “ngụy Mạc”.
Tại nhiều nơi, xuất hiện các toán quân với danh nghĩa “phù Lê diệt Mạc” hoạt động, quấy phá khiến nhà Mạc rất vất vả đối phó, mặc khác không ít toán trộm cướp nhân cơ hội bất ổn mà hoành hành ngang ngược. Trước tình trạng ấy, với một người giỏi võ nghệ, nuôi chí lớn mong giúp dân giúp nước, Văn Đàm rất lấy làm tức giận, ông đứng ra tập hợp thanh niên trai tráng trong vùng, lập thành đội hương binh ngày đêm luyện tập để giữ làng, chống giặc cướp.
Lúc này, Văn Đạt (nay đã đổi tên thành Nguyễn Bỉnh Khiêm), sau 8 năm làm quan tại triều đình nhà Mạc, thấy triều chính ngả nghiêng, gian thần lộng hành nên chán nản cáo quan về quê ở ẩn với hiệu là Bạch Vân cư sĩ, còn các môn sinh tôn là Tuyết Giang phu tử.
Cũng vào thời điểm đó, nước sông Hóa dâng cao tràn vào đồng ruộng đe dọa mùa màng và đời sống người dân, theo lời khuyên của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Văn Đàm đã lãnh đạo đội quân của mình và nhân dân địa phương ra sức đắp đê ngăn lũ, vừa cứu dân lại tạo thêm thanh thế.
Tuy là con sông nhỏ được tách ra từ sông Luộc và trở thành ranh giới tự nhiên giữa xứ Sơn Nam Hạ và xứ Hải Dương (nay thuộc địa phận huyện Quỳnh Phụ, Thái Thụy, tỉnh Thái Bình và huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) nhưng khi đó vào mùa lũ, nước sông dâng lên cao, đê đắp đến đâu lại bị sạt lở tới đó.
Để trực tiếp chỉ huy và đích thân trầm lưng vác đất, đóng cọc hộ đê như mọi người, Văn Đàm đã cho dựng một căn nhà lá ở triền đê Đông Am, lấy đó làm chỉ huy sở và nơi nghỉ ngơi của mình. Vì công việc bộn bề, lo nghĩ nhiều nên sức khỏe của Văn Đàm dần dần suy kiệt, một hôm khi chiều sẩm tối, thể trạng ốm chưa khỏi nhưng ông vẫn gượng dậy đi kiểm tra việc đắp đê ở đoạn đê làng Cổ Am.
Trên đường đi, vì quá mệt ông muốn nghỉ, chợt thấy một manh chiếu rách ở bên vệ đường bèn đặt mình nằm xuống ngủ, trời đêm sương xuống lạnh, ông liền cuộn tròn trong manh chiếu rách rồi mất… Sáng hôm sau, khi Nguyễn Bỉnh Khiêm tìm bạn không thấy mới cho người đi kiếm, khi phát hiện thì thấy chỗ ông nằm mối đã xông lên gần kín thân thể, ai nấy đều thương xót vô cùng.
Để tưởng nhớ người đã vì dân mà dốc lòng lo toan tận tụy, dân chúng đã lập ngay tại nơi Văn Đàm mất một ngôi đền thờ ông và gọi là “đền Vua cuốn chiếu”. Đối với Trần Thị Thắng, từ khi người mình thương yêu ra đi, bà vô cùng đau khổ, để tiếp tục sự nghiệp còn dang dở của Văn Đàm, bà gặp Nguyễn Bỉnh Khiêm bàn bạc đứng ra lãnh đạo dân chúng tăng cường gia cố, đắp đê.
Do quá nóng vội, có lần một mình Trần Thị Thắng đi thuyền tam bản trên sông để thị sát tình hình, không may gặp đoạn sông nước xoáy, thuyền lọt vào dòng nước chảy xiết đó không thể nào lái thoát ra được, trong thế tuyệt vọng mới ngửa mặt than trời.
Bỗng đâu, dường như xuất hiện một áng mây vàng từ hướng biển bay đến sà sát mặt sông, cùng lúc ấy con thuyền nhỏ như được sức mạnh vô hình nào đó đẩy thoát ra ngoài xoáy nước.
Hôm sau, Trần Thị Thắng đi trên đê, đến khu vực mình gặp nạn hôm trước thì thấy nổi lên một gò đất chạy dọc gần sát đoạn đê đang có nguy cơ bị vỡ. Cho là trời phù hộ, anh linh "Vua cuốn chiếu” âm phù nên bà cùng Nguyễn Bỉnh Khiêm hô hào người dân đắp đất tiếp liền với gò đất đó, chẳng mấy chốc đoạn đê xung yếu ở Cổ Am được hoàn thành.
Nạn thủy tai vừa bị đẩy lùi thì địch họa ập đến, vua Mạc Mậu Hợp vì tin lời gièm pha của gian thần mà khiến nhiều văn thần tướng giỏi bất mãn, người đi ở ẩn, kẻ chạy sang hàng Nam triều. Thấy nội bộ nhà Mạc lục đục, vua tôi bất hòa, chúa Trịnh Tùng xin với vua Lê cho Bắc tiến, tấn công dồn dập buộc Mạc Mậu Hợp phải bỏ chạy khỏi kinh đô về lánh ở đất Hải Dương và cho người đến hỏi Trạng Trình việc binh cơ, mưu lược.
Thấy vua nguy khốn, Nguyễn Bỉnh Khiêm đề cử học trò của mình là Đinh Huy Tài (thường gọi là Đinh Thời Trung), một người dũng lược đang giữ chức Đô hầu, chỉ huy cánh quân trấn thủ ở địa phương thuộc xứ Hải Dương. Nhờ sự cứu viện của Đinh Thời Trung mà quân nhà Lê bị chặn đà tấn công.
Nguyễn Bỉnh Khiêm còn vận động Trần Thị Thắng huy động lực lượng nghĩa binh tham chiến trong khi bà đang băn khoăn không biết xử trí thế nào trước tin chiến trận dồn dập bay đến.
Được sự động viện của bạn, lại nghĩ tới việc cần phát huy tinh thần quật khởi của đội quân mà Văn Đàm đã gây dựng, thấy đây là lúc cần dùng đến, Trần Thị Thắng liền nai nịt gọn gàng, lên ngựa dẫn nghĩa binh nhập với cánh quân của Đinh Thời Trung tổ chức chống cự rồi nhân đà chiến thắng truy kích, đuổi dồn quân nhà Lê buộc phải rút chạy về vùng Tam Điệp (thuộc Ninh Bình ngày nay).
Nhờ lực lượng của tôn thất nhà Mạc và các quan lại trung thành, trong đó có đội quân của Đinh Thời Trung và Trần Thị Thắng mà vua Mạc Mậu Hợp đã chiếm lại được Thăng Long. Trong các trận đánh, nữ tướng họ Trần đã tả xung hữu đột khiến quân Nam triều rất sợ hãi, lại giúp sĩ khí quân Mạc nhờ đó mà tăng lên, vì thế mới có lời ca rằng:
Nam triều đuổi Mạc chạy dài
Trần thị nữ tướng ra oai trận tiền
Thanh gươm yên ngựa một phen
Thăng Long thu lại, tiếng khen truyền đời.
Ngày chiến thắng khải hoàn, Mạc Mậu Hợp thiết triều định công ban thưởng cho quần thần, tướng Đinh Thời Trung được phong chức Tổng lãnh binh, Trần Thị Thắng phong làm Quận chúa, lại cấp cho ruộng ở quê làm thực ấp.
Tương truyền, vua Mạc vì mến tài của Trần Thị Thắng nên không ban cụ thể số ruộng thưởng là bao nhiêu mẫu mà cho phép bà cưỡi voi đi từ nhà vòng qua cánh đồng làng và giao hẹn đi đến đâu mà ruộng thụt lún xuống, voi không đi được thì đất của bà đến đó.
Theo lệnh vua, Trần Thị Thắng cưỡi voi đi từ nhà mình ở Cổ Am, qua chùa Mép vòng qua Nam Am (nay thuộc xã Tam Cường, huyện Vĩnh Bảo) đến làng Lôi Trạch (nay thuộc xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo) thì voi không đi được, phải quay lại.
Do đó ngày nay ruộng Cổ Am vòng sang mãi Lôi Trạch là vì thế, ruộng đó xưa chính là đất thực ấp của Trần Thị Thắng và nó được gọi là “cánh đồng bà Chúa”.
Theo Hôn nhân & Pháp luật