Đinh Lưu (1479-?) còn có tên khác là Đinh Lưu Kim, người làng An Dật, huyện Thanh Lâm, phủ Thượng Hồng, thừa tuyên Hải Dương (nay thuộc xã Thái Tân, huyện Nam Sách, Hải Dương) đỗ Thám hoa khoa Bính Thìn (1496) đời Lê Thánh Tông, khi đó ông mới 17 tuổi, sau làm quan đến chức Đông các đại học sĩ.
Ngay từ nhỏ Đinh Lưu đã nổi danh là thần đồng và đặc biệt không chỉ giỏi văn thơ mà ông ham hiểu bách công kỹ nghệ, thành thạo nhiều nghề và giỏi nhiều môn như tài cưỡi ngựa, bắn cung, đánh bóng, nhất là giỏi đá cầu, hễ đã đá cầu thì có thể đá mãi mà quả cầu vẫn không rơi xuống đất.
|
Đá cầu bằng đồng xu, tranh khắc gỗ của Henry Oger.
|
Theo sách Dã sử và Tam khôi bị lục, sở dĩ Đinh Lưu ham thích các môn như vậy vì ông thường bảo với anh em, bè bạn:
- Bọn ta cầm một cây viết, tự phụ là kẻ nho nhã phong lưu, lỡ khi non sông có biến cố gì, ngâm thơ có thể lui được giặc chăng?
Một năm, vào dịp tiết Đoan ngọ (5/5 âm lịch), vua Lê Hiến Tông (1497-1504) ngự xem đua thuyền, trong khi các quan đều dâng thơ mừng thì riêng Đinh Lưu xin đá cầu chúc thọ và nói rằng số lần đá mà quả cầu không rơi sẽ ứng với tuổi thọ của nhà vua. Điều khiến mọi người ngạc nhiên và lo lắng ông sẽ phạm tội khi quân vì thấy Đinh Lưu đứng trên đầu một chiếc thuyền nhỏ mà đá cầu. Thế nhưng ông vẫn điềm tĩnh như không, đá đến lượt thứ 89 thì vua truyền tạm dừng nghỉ chân và ban rượu thưởng. Uống rượu xong Đinh Lưu lại tiếp tục đá đến mấy trăm lượt, mãi đến khi vua phán nghỉ ông mới thôi.
Vua Lê Hiến Tông rất thích thú ban thưởng cho ông 300 mẫu ruộng ở châu Võ Nhai (nay thuộc huyện Võ Nhai, Thái Nguyên). Dân gian khen ngợi Đinh Lưu là bậc kỳ tài đá cầu lại là người có dũng khí và tự tin nên tôn ông là Trạng Cầu. Người ta còn truyền tụng rằng mộ tổ nhà ông nằm ở một quả núi tròn trông giống như quả cầu nên Đinh Lưu mới có biệt tài như vậy.
Cuộc đời và sự nghiệp làm quan của Đinh Lưu ít được nhắc đến, tư liệu cũng không có mấy nên chúng ta không rõ tài năng của ông được thể hiện ra sao trong chốn quan trường. Sách Tục biên Công dư tiệp ký cho hay hậu vận của Đinh Lưu không được may mắn vì gia đình có biến cố, gặp phải họa sát thân nên ông đã phải bỏ trốn ra nước ngoài.
Bấy giờ, vào thời trị vì của vua Lê Uy Mục (1505-1509), Quản đô lực sĩ (lực lượng bảo vệ vua) do ba người giữ chức Kị đô úy chỉ huy gồm có thân phụ Đinh Lưu đứng đầu, người thứ hai không rõ họ tên, người thứ ba là Mạc Đăng Dung, đều là những người tài danh có tiếng cả. Một đêm vua nằm mộng thấy có người nói rằng:
- Một ngày gần đây Tam đô sẽ được thiên hạ
Từ đó vua Lê Uy Mục có ý nghi ngờ các quan Kị đô úy, nhất là cha của Đinh Lưu vì ông tài sức hơn người lại có con cũng nổi danh không kém, sau đó vua ép cha Đinh Lưu phải tự vẫn, viên Đô úy thứ hai cũng bị nạn chết theo, riêng Mạc Đăng Dung thì không bị gì cả. Sách Tục biên Công dư tiệp ký viết: “Chẳng ngờ Tam đô là người thứ ba, tức Mạc Đăng Dung. Mệnh trời có thể trái được sao? Nhân lúc gia biến, ông (tức Đinh Lưu- PV) trốn sang Chiêm Thành và không biết kết cục ra sao?”
Lê Thái Dũng