Cả làng thoát... án tử nhờ Quận Hoa công chúa

Google News

(Kiến Thức) - Không chỉ ban phát ruộng đất cho người dân Thạch Thán, chính công chúa đã cứu giúp cho người dân nơi đây thoát khỏi án tử mà chúa Trịnh ban hành.

Xã Thạch Thán, trước đây vốn là làng, nay thuộc huyện Quốc Oai, TP Hà Nội trong lịch sử đã từng đứng trước nguy cơ bị chúa Trịnh xử tử. May mắn là thời điểm đó đã có một bà chúa giúp cho dân làng thoát khỏi án tử.
Tru di tam tộc vì đúc tiền giả

Hiện ở xóm 4, xã Thạch Thán, gia đình ông Bùi Văn Phú nhiều đời nay được dòng họ cử trông coi quản lý đền thờ Quận Hoa công chúa (hay còn gọi là bà chúa) người có công giúp cho người dân Thạch Thán mở mang ruộng đất làm ăn sinh sống và cứu người dân nơi thoát khỏi án tử của chúa Trịnh.
Theo như gia phả mà cha ông ông Phú để lại thì bà chúa đó có tên là Quận Hoa công chúa Trịnh Thị Ngọc Dai. Xưa kia Ngọc Hoa công chúa là con của chúa Trịnh. Khi đó, chúa Trịnh bị ốm nặng, các ngự y trong triều đi khắp nơi các vị thuốc để chữa trị cho chúa mà không khỏi, sau này đã tìm về làng Thạch Thán (xã Thạch Thán xưa kia gọi là làng) tìm đến gia đình cụ Bùi Tất Tố - một gia đình làm thuốc chữa bệnh cứu người có tiếng trong vùng. Cụ Tố đã được các ngự y mời vào phủ để chữa bệnh cho chúa Trịnh. 
Sau một thời gian bốc thuốc cho chúa Trịnh, bệnh tình của chúa đã thuyên giảm và khỏi hẳn. Chúa Trịnh cảm phục y đức của cụ Bùi Tất Tố. Để cảm ơn người đã cải tử hoàn sinh cho mình chúa Trịnh đã quyết định gả Quận Hoa công chúa cho người con trai của cụ Bùi Tất Tố. Người con trai của cụ Tố khi đó là ông Bùi Tiến Triều. 
Theo người dân Thạch Thán, xưa kia nơi đây là bến Đồng Bến - nơi dòng họ Phan đúc tiền giả. 
Cụ Bùi Văn Cưu (89 tuổi) cho biết, khi đó cụ Triều cũng đã có vợ, nhưng vì chúa đã gán ghép nên không dám trái lời. Khi trở thành nàng dâu của gia đình họ Bùi và dân làng Thạch Thán công chúa sống rất ôn hòa với mọi người, đặc biệt rất quan tâm đến dân nghèo. Bà chúa ban cho dân làng nơi đây mấy mẫu ruộng để làm ăn.
Không chỉ ban phát ruộng đất cho người dân Thạch Thán, chính công chúa đã cứu giúp cho người dân nơi đây thoát khỏi án tử mà chúa Trịnh ban hành. "Cách đây khoảng 300 năm trước, trong làng Thạch Thán dòng họ Phan có nhiều người làm quan trong triều, đã học được cách đúc tiền. Vì thế, về làng lén lút mở lò đúc tiền bằng kẽm để sử dụng. Chúa Trịnh biết tin vô cùng tức giận đã cho quân lính về tận làng để điều tra làm rõ. 
Theo như quy định thời đó, người dân ai dám cả gan đúc tiền sẽ bị quy là tội phản quốc. Vì thế, chúa Trịnh đã hạ lệnh tru di cả làng, dòng họ Phan trực tiếp đúc tiền trái phép sẽ bị tru di tam tộc. Khi biết tin đó, công chúa đã trở về phủ để tâu với vua cha, xin cho mọi người dân ở nơi đây được thoát tội chết. Nhờ đó mà án tử của dân làng và dòng họ Phan mới được xóa bỏ", cụ Cưu kể.
Nhiều đời gia đình ông Phú thờ phụng Quận Hoa công chúa. 
Đúc tiền giả vì không được chúa trọng dụng?
Để hiểu rõ hơn thực hư câu chuyện khi xưa dòng họ Phan đã mở lò đúc tiền, chúng tôi đã tìm gặp các cụ cao niên trong làng. Ông Trần Minh Phụng, Trưởng ban hương lão đình Thạch Thán cho hay, từ xưa đến giờ người dân nơi đây cũng nghe nói trước đây người dòng họ Phan nhờ học được cách đúc tiền của triều đình. Khi đó, gia đình họ sống bên dòng sông Tích Giang đã tự ý mở lò đúc tiền, mang tiền đúc được để mua sắm các vật dụng đắt tiền. Nghe dân chúng đồn đại, chúa Trịnh đã cho quân lính về điều tra, tịch thu hết ruộng đất của cải của các gia đình dòng họ Phan. Từ đó dòng họ Phan sống trong cảnh khốn khó, chạy loạn.
Cụ Phan Văn Vi (79 tuổi) kể: "Ngày xưa dòng họ chúng tôi rất giàu có, nhiều người làm quan trong triều. Nhưng từ khi bị triều đình phát hiện đúc tiền giả thì cuộc sống của mọi người rơi vào cảnh loạn lạc. Nhiều người đã bị bắt và xử tử. Khi bị phát lệnh tru di, mọi người trong dòng họ chạy tán loạn khắp nơi như: Xuân Mai, Đồng Chữ, Thạch Thất để lánh nạn. Trong sổ sách của dòng họ tôi ghi lại từ đời Tự Đức thứ 4 có đoạn: Có mấy chục người trong dòng họ Phan bị xử tội chết vì đúc tiền giả".
Ông Tuất cho hay, vì uất ức với triều đình mà các cụ trong họ ông mới đúc tiền giả. 
Theo ông Phan Văn Tuất, Trưởng dòng họ Phan thì trước đây ông cũng có nghe nói dòng họ mình có người đúc tiền giả, bị chúa Trịnh phát hiện được và hạ lệnh tru di tam tộc. Nhưng nhờ có Quận Hoa công chúa cứu giúp nên dòng họ mới thoát tội. Tuy không bị tru di tam tộc, nhưng  nhiều người trong dòng họ Phan khi đó phải tẩu tán đi nơi khác đi sinh sống, nhiều người trong dòng họ đã phải thay tên, đổi họ để lập nghiệp nơi khác. Một số chi chuyển sang họ Nguyễn, họ Bùi, số hộ khác thì vẫn giữ nguyên họ Phan.
Lý giải về việc một số người trong dòng họ mình dám tự mở lò đúc tiền, ông Tuất mở cuốn gia phả của dòng họ và bảo: Trong dòng họ Phan thời chúa Trịnh có nhiều người làm quan trong triều, các cụ làm quan võ, đánh Đông dẹp Bắc có nhiều công trạng trong triều đình. Nhưng vì hiềm khích với các quan khác, có ông uất ức với triều đình vì không được đối xử công bằng. Nhiều kẻ tôi thần không cống hiến được cho đất nước công trạng gì, nhưng nịnh vua chúa nên được thăng quan tiến chức. Vì lẽ đó, các ông đã xin phép vua chúa trở về quê để ở ẩn. Khi ở trong triều các vị đã học được cách đúc tiền, vì thế trở về quê một thời gian họ đã làm lò đúc tiền. Nhưng không ngờ đã bị chúa Trịnh phát hiện và xử tội chết.
Tuy nhiên, có cụ cao niên ở xã Thạch Thán cho biết, việc làm lò đúc tiền xưa kia không chỉ riêng dòng họ Phan mà còn có một số gia đình ở nơi đây cũng tham gia. Còn việc làm thế nào để họ có công thức đúc tiền thì không ai biết.
"Tôi cũng được nghe các cụ kể lại việc một số người dòng họ Phan đúc tiền xưa kia, đã làm liên lụy tới cả dân làng Thạch Thán. Chúa Trịnh đã hạ lệnh tru di cả dòng họ và cả làng. Xét về họ hàng, một nhánh họ ngoại dòng họ Phan cũng anh em với dòng họ Bùi chúng tôi. Do đó, Quận Hoa công chúa mới ra tay cứu giúp cho mọi người thoát khỏi án tử của chúa Trịnh. Hiện tôi được dòng họ phân công có nhiệm vụ hương khói cho bà chúa. Mỗi dịp lễ, Tết, dòng họ Phan đều làm lễ sang đền bà chúa để thắp hương, thể hiện sự biết ơn. Vì bà đã giúp cho họ thoát khỏi án tử.
Ông Bùi Văn Phú
Đại Cát