Chuyện hai người vợ của nhà cách mạng Nguyễn Phong Sắc

Google News

Ngày gặp mặt, hai người phụ nữ tuy chung một chồng nhưng mới lần đầu biết nhau đã coi nhau như chị em ruột. Bà Cán đã nắm tay bà Ái rưng rưng nước mắt: “Chị có công sanh thì em có công dưỡng".

Rất lâu sau ngày Nguyễn Phong Sắc bị giặc giết trong tù, hai người vợ là bà Trinh Thị Cán và bà Hoàng Thị Ái (nguyên Phó chủ tịch hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam) mới có dịp gặp nhau. Bà Cán đã nói: "Anh Sắc đã không còn, chị em ta sẽ coi nhau như chị em ruột trong nhà".

Kể từ khi đó, hai người phụ nữ cùng chung một chồng đã chia sẻ mọi niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống và cùng nhau nuôi dạy một người con. Đến khi chết, hai bà cũng được con cháu thờ chung một nơi, bên cạnh người chồng của mình.

Năm 2004, bà Hoàng Thị Ái qua đời khi vừa bước sang tuổi 104. Bà mất chỉ sau hai ngày khi bước sang tuổi mới. Bà không có con nên người đứng ra chịu tang và lo chuyện ma chay cho bà khi ấy là ông Nguyễn Phong Vinh (con trai riêng của Nguyễn Phong Sắc) và ông Hoàng Đàm (cháu ruột của bà).

Hoàng Thị Ái xuất thân trong một gia đình quan lại nổi tiếng ở Quảng Trị, ông nội bà là cụ Hoàng Hữu Xứng, từng có 30 năm làm quan dưới 7 đời vua Nguyễn. Cha bà cũng là một trí thức Tây học, vì yêu nước mà khi trở về Việt Nam, thay vì ra làm quan đã quyết định mở trường tư dạy con em người Việt tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm.

Khi bà Ái chưa tròn 10 tuổi, cha bà bị ốm nặng rồi qua đời, gia cảnh bắt đầu sa sút. Bà đã phải cùng mẹ đi làm thuê làm mướn để trả nợ cho cha và lo cho người em út học hành thành tài. Năm 1929, khi người em trai út đã học hành đỗ đạt và trở thành nhà giáo, bà theo cách mạng, trở thành một trong nữ đảng viên cộng sản đầu tiên của Việt Nam.

 Ông Nguyễn Phong Sắc.

Năm 1929, bà Hoàng Thị Ái trở thành thư ký cho Nguyễn Phong Sắc, Bí thư xứ ủy Trung Kỳ. Khi đó, phong trào cách mạng ở Trung Kỳ đang phát triển mạnh, tổ chức đã yêu cầu hai ông bà đóng giả vợ chồng, cùng chung sống với nhau dưới một mái nhà, cùng sinh hoạt chung như vợ chồng để dễ bề thâm nhập phong trào công nhân ở miền Nam. Chính trong những ngày này, họ nảy sinh tình cảm với nhau. Được tổ chức động viên, bà đã trở thành vợ của ông, dù biết rằng ở Hà Nội, ông đã có một người vợ và hai con nhỏ.

Tuy nhiên, bà chỉ được sống những ngày tháng hạnh phúc ngắn ngủi của một người vợ. Khi mới sinh người con gái đầu lòng được 7 ngày, ông bà phải chia tay nhau vì yêu cầu hoạt động. Ông là người lãnh đạo phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, còn bà phải lên đường làm nhiệm vụ công tác khác. Đứa con sơ sinh mới 7 ngày tuổi còn khát sữa mẹ đã được bà gửi cho một gia đình cơ sở cách mạng nuôi giúp. Ngày chia tay chồng con lên đường làm nhiệm vụ, bà chẳng ngờ rằng đó là ngày cuối cùng bà được gặp những người thân yêu nhất của cuộc đời mình.

Trong cuốn hồi ký của mình, bà Hoàng Thị Ái tuyệt nhiên không nói tới những đau khổ, mất mát mà bà từng trải qua. Ngay cả với những người thân trong gia đình, bà cũng hầu như không chia sẻ những câu chuyện buồn đau cũ. Nhưng tất cả con cháu đều hiểu những đau đớn, thiệt thòi và những hy sinh mà bà đã phải chịu đựng.

Giữa năm 1931, bà nhận được tin chồng bị giặc bắt tại ga Hàng Cỏ và bị chúng giết chết trong tù. Bản thân bà cũng bị địch bắt và bỏ tù. Năm 1935, khi vừa được trả tự do, quay trở lại gia đình cơ sở cũ nơi đã gửi đứa con còn đỏ hỏn, bà lại nhân được tin sét đánh: vợ chồng gia đình cơ sở cách mạng đó cũng bị địch bắt sau phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Con của bà cùng với con của đôi vợ chồng ấy đã chết vì khát sữa. Ở tuổi 35, bà góa chồng, mất con, và trở thành người phụ nữ bơ vơ, cô độc, không có gia đình.

Đã có nhều người khuyên bà cố gắng nguôi ngoai nỗi đau mất mát để xây dựng hạnh phúc mới, vì khi đó bà còn rất trẻ, có nhiều người ngỏ ý, nhưng bà đều nhẹ nhàng từ chối. Bà nói, sau khi chồng con mất, bà chỉ có hai nguyện vọng: ở vậy thờ chồng, thờ con,và dành trọn đời mình cho cách mạng. Và bà đã sống như thế suốt hơn 104 tuổi đời của mình.

Sau 5 năm bị giam ở nhà tù Hỏa Lò từ năm 1940 - 1945, bà trở thành tỉnh ủy viên, tham gia thành lập Ủy ban khởi nghĩa ở Bình – Trị - Thiên, trở thành Bí thư phụ vận khu 4, rồi Chủ tịch Hội Phụ nữ cứu quốc thay liệt sĩ Hoàng Ngân (vợ của nhà cách mạng Hoàng Văn Thụ). Sau này, bà trở thành Phó chủ Tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu.

Tình chị em cao quý của hai người vợ

Nguyện hy sinh hết đời mình cho cách mạng, quên đi hạnh phúc riêng tư, nhưng cuộc đời bà Hoàng Thị Ái đã được bù đắp một phần khi duyên phận đã cho bà cơ hội được gặp người con trai út của nhà cách mạng Nguyễn Phong Sắc và người vợ đầu của ông trên đường hoạt động cách mạng.

Ngày kết hôn với Nguyễn Phong Sắc, dù biết ông đã có vợ con và còn cha mẹ già ở Hà Nội nhưng bà Hoàng Thị Ái chưa bao giờ có cơ hội được về Hà Nội ra mắt gia đình chồng. Khi đó, ông vẫn hứa với bà một ngày nào đó khi cách mạng bớt cam go, ông sẽ đưa bà về ra mắt gia đình, họ hàng. Nhưng lời hứa đó, ông đã không thể thực hiện được. Bà mất chồng, rồi mất con mà vẫn chưa được một lần thắp hương trước ông bà tổ tiên bên chồng như một người con dâu thực sự.

Trong những năm tháng hoạt động ở chiến khu, bà tình cờ gặp người lính trẻ Nguyễn Phong Vinh. Qua lời những người đồng chí, bà mới biết đó là con trai của Nguyễn Phong Sắc. Kể từ đó, trong những ngày hoạt động trên chiến khu, bà luôn chăm sóc người con riêng của chồng và coi người con này như con đẻ của mình. Sau này, qua người con ấy, bà mới gặp được người vợ đầu của chồng – bà Trịnh Thị Cán.

Ngày gặp mặt, hai người phụ nữ tuy chung một chồng nhưng mới lần đầu biết nhau đã coi nhau như chị em ruột. Xúc động trước tình cảm của bà Ái dành cho con trai mình, bà Cán đã nắm tay bà Ái rưng rưng nước mắt: “Chị có công sanh thì em có công dưỡng. Từ giờ con của chị cũng là con của em. Anh Sắc không còn, chị em ta đùm bọc yêu thương nhau, coi nhau như chị em ruột thịt”.

Nhà cách mạng Nguyễn Phong Sắc có hai người con trai, một đã hy sinh năm 1972 trong cuộc tấn công của máy bay Mỹ 12 ngày đêm ở Hà Nội. Người con trai thứ là Nguyễn Phong Vinh (từng công tác tại Ban tổ chức Trung ương Đảng). Sau ngày tìm lại được gia đình chồng, bà Ái đã được bà Cán và người con riêng của chồng đón nhận, coi như ruột thịt trong nhà.

Suốt mấy chục năm trời trước khi bà Ái mất, cứ thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, người ta lại thấy bà Ái khi thì đạp xe đạp, khi thì đi xe buýt đến nhà bà Cán ở phố Bạch Mai rủ rỉ tâm sự từ sáng đến tối. Người con riêng của ông Nguyễn Phong Sắc là Nguyễn Phong Vinh cũng cố gắng làm tròn chữ hiếu với bà, để bù đắp cho những thiệt thòi mà bà phải chịu.

Khi về già, bà Hoàng Thị Ái đón người cháu gọi bà bằng bác ruột ra nuôi và sống cùng vợ chồng người cháu ấy cho đến lúc mất. Nhưng hằng tuần, người ta vẫn thấy Nguyễn Phong Vinh đến chăm sóc, hỏi thăm sức khỏe của người mẹ hai của mình. Khi mua được cái bánh khúc hay cái bánh giò nóng, biết đó là món bà Ái thích ăn, Nguyễn Phong Vinh đều không ngại đường xá xa xôi, không ngại vất vả nắng mưa để đến biếu bà.

Đến lúc bà Hoàng Thị Ái mất khi vừa bước qua tuổi 104, người con Nguyễn Phong Vinh đã đưa di ảnh của bà về thờ tại gia đình, bên cạnh nhà cách mạng Nguyễn Phong Sắc và bà Trịnh Thị Cán.

TIN BÀI LIÊN QUAN

BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU

Theo Đang Yêu