Quyết định bỏ trưởng lập thứ để chọn con trai thứ hai là Hồ Hán Thương làm Thái tử, Hồ Quý Ly không những chọn lựa người thừa kế mà sâu xa hơn, đấy còn là kết quả của những toan tính chính trị được ông cân nhắc kĩ lưỡng. Đó là những toan tính gì? Dựa vào ghi chép của sử cũ và căn cứ vào diễn biến chính trị - xã hội ở cuối thế kỉ XIV đầu thế kỉ XV, chúng ta có thể bước đầu khám phá những động cơ thúc đẩy Hồ Quý Ly đi đến quyết định lập Thái tử có một không hai này.
|
Chân dung Hồ Quý Ly. Tranh sơn dầu của Hoàng Hoa Mai. |
Chuyện lập Thái tử lạ nhất trong lịch sử
Hồ Quý Ly là ngoại thích (họ hàng bên ngoại) của Hoàng Đế Trần Nghệ Tông (1370-1372) và Trần Duệ Tông (1373-1377). Thân mẫu của Trần Nghệ Tông và Trần Duệ Tông là hai người cô ruột của Hồ Quý Ly. Nhờ mối quan hệ này, Hồ Quý Ly được Hoàng Đế nhà Trần rất tin cẩn và tiến rất nhanh trên quan trường. Từ khi Trần Duệ Tông đi đánh Chiêm Thành và tử trận (1377), Trần Nghệ Tông lúc ấy là Thái Thượng Hoàng đã từng bước từng bước giao phó mọi việc quân quốc đại sự cho Hồ Quý Ly. Hồ Quý Ly cũng nhân đó từng bước xây dựng phe cánh, diệt trừ những người không ăn cánh với mình, trở thành thế lực lớn nhất trong triều lúc bấy giờ. Đến năm 1394, Trần Nghệ Tông mất, Hồ Quý Ly không phải kiêng dè ai nữa. Thế lực đã mạnh, vây cánh đã đông, đại quyền triều đình nằm trong tay, trong khi đó cơ nghiệp nhà Trần đang hồi đổ nát, đó là cơ sở để Hồ Quý Ly cùng những người tin cẩn trù tính kế hoạch cướp ngôi nhà Trần, giành lấy ngai vàng cho Hồ Quý Ly.
Tháng Giêng năm 1400, sau khi loại bỏ những đối thủ chính trị tiềm ẩn cuối cùng và hoàn toàn khống chế được Hoàng Đế nhà Trần, Hồ Quý Ly quyết định công khai ý muốn làm Hoàng Đế của mình. Với thân phận Quốc Tổ Chương Hoàng Đế, Hồ Quý Ly đã chọn cách lập một người con làm Thái tử nhằm bày tỏ tham vọng Hoàng Đế của mình cũng như thăm dò phản ứng của dư luận, tạo một bước chuẩn bị quan trọng cho ngày chính thức lên ngôi sau này. Và, Hồ Quý Ly đã chọn người con thứ hai là Hồ Hán Thương để lập làm Thái tử.
Sau khi lập Hán Thương, Hồ Quý Ly vui mừng vì không vấp phải một sự phản đối nào của triều thần. Bởi vậy, ngày 28 tháng 2 năm ấy, Hồ Quý Ly đã phế bỏ vua Trần, tự lên ngôi Hoàng Đế, mở đầu triều Hồ trong lịch sử.
Chuyện lập Thái tử của Hồ Quý Ly là chuyện có một không hai trong lịch sử. Thái tử là người sẽ kế nghiệp vị Hoàng Đế hiện tại để ngồi lên ngai vàng trong tương lai khi người đương nhiệm qua đời. Nhưng ở thời điểm tháng Giêng năm 1400, Hồ Quý Ly chưa chính thức xưng đế và vẫn là một quyền thần của triều Trần, danh xưng Quốc Tổ Chương Hoàng Đế chỉ là cách tự đề cao bản thân mà thôi. Như thế, Hồ Quý Ly đã lập Thái tử ngay từ khi chưa làm Hoàng Đế và Hồ Hán Thương là vị Thái tử duy nhất trong lịch sử được sách lập trong một hoàn cảnh đặc biệt, xưa nay hiếm. Nhưng điều kì lạ này không có gì khó hiểu bởi nó đã được dự tính trước, là bước đi áp chót trên con đường tiến đến ngai vàng của Hồ Quý Ly.
Vì sao Hồ Hán Thương được chọn?
Theo sử sách ghi nhận, trước khi lập Hán Thương, Hồ Quý Ly đã dò ý con trưởng là Hồ Nguyên Trừng bằng cách ra vế đối cho người này đối lại. Câu đối như sau:
Hồ Quý Ly: “Thử nhất quyền kì thạch, hữu thì vi vân vi vũ dĩ nhuận sinh dân” (nghĩa là: Hòn đá bằng nắm tay này, có khi làm mây làm mưa, để thấm nhuần nhân dân).
Hồ Nguyên Trừng đối lại: “Giá tam thốn tiểu tùng, tha nhật tác đống tác lương dĩ phù xã tắc” (nghĩa là: Cây thông nhỏ ba tấc ấy, sau này làm rường làm cột, để chống đỡ xã tắc).
Vế đối của Nguyên Trừng hàm ý ông chỉ muốn làm bề tôi chứ không muốn làm Hoàng Đế. Hồ Quý Ly sau đó bèn quyết ý lập Hồ Hán Thương. Bề nổi của vấn đề được sử cũ ghi chép như vậy, nhưng đó chưa phải là tất cả. Ẩn sâu bên trong quyết định ấy là những toan tính rất kĩ của Hồ Quý Ly dựa trên tập quán chính trị và thời thế lúc bấy giờ.
Trước thời Hồ, hai triều Lý và Trần ở buổi đầu mới thành lập đều có một điểm chung: người kế vị của vị Hoàng Đế sáng lập triều đại đều mang dòng máu của hoàng tộc triều trước. Lý Thái Tông là con của Lý Thái Tổ với Công Chúa Lê Phất Ngân nhà Tiền Lê. Trần Thánh Tông là con của Trần Thái Tông với Công Chúa Lý Thuận Thiên nhà Lý. Tập quán chính trị này xuất phát từ việc người lập triều đại mới vốn xuất thân là quan chức triều trước, nhờ khôn khéo tạo dựng ảnh hưởng, thế lực trong triều ngoài nội và tận dụng được thời thế để tự mình (hay cả dòng họ) vươn lên nắm giữ đại quyền trong triều, được tin cẩn và kết hôn nhân với con gái trong hoàng tộc. Tập quán chính trị này còn nhằm mục đích tạo yên ổn, vững chãi cho triều đại mới ở buổi đầu mới thành lập và nhằm làm giảm sự chống đối (nếu có) của con cháu tiền triều với tân triều.
Hồ Quý Ly ở hoàn cảnh xuất thân tương tự như Lý Thái Tổ và Trần Thái Tông. Hồ Quý Ly được Trần Nghệ Tông đặc biệt yêu quý và đem em gái mới góa chồng là Công Chúa Huy Ninh gả cho. Công Chúa Huy Ninh sinh ra hai người con: gái là Thánh Ngẫu (sau là Hoàng Hậu của Trần Thuận Tông – con của Trần Nghệ Tông) và trai là Hồ Hán Thương. Nhờ mối hôn nhân này, Hồ Quý Ly càng tiến nhanh trên hoạn lộ và thâu tóm dần quyền lực của nhà Trần.
Tuy nhiên, con đường tiến đến ngai vàng của Hồ Quý Ly không hề đơn giản bởi sự chống đối quyết liệt của hoàng tộc nhà Trần. Sau một quá trình lâu dài và vận dụng nhiều mưu kế khác nhau, Hồ Quý Ly đã loại trừ được hầu hết những nhân vật chống đối có thế lực trong tôn thất họ Trần để có thể thâu tóm quyền bính vào tay. Đến khi Hồ Quý Ly quyết định lập Thái tử, sức chống đối của hoàng tộc và triều thần nhà Trần đã rất yếu ớt nhưng không phải là đã hết. Sự bất bình và oán giận còn chất chứa và sục sôi trong lòng nhiều người, chỉ có điều họ không dám biểu lộ ra mà thôi. Nếu Hồ Quý Ly chọn Hồ Nguyên Trừng là người không có huyết thống gì với họ Trần thì những người oán giận ấy rất có thể sẽ nổi lên phản ứng khiến ông phải một phen dẹp trừ. Mặt khác, nếu chọn Hồ Nguyên Trừng thì chính những người thuộc dòng dõi nhà Trần đã quy phục Hồ Quý Ly cũng cảm thấy bất an vì Nguyên Trừng không có máu mủ với họ. Còn Hồ Hán Thương dẫu sao cũng là cháu ngoại của Trần Minh Tông (cha của Công Chúa Huy Ninh và Trần Nghệ Tông), tức mang trong mình nửa dòng máu họ Trần. Trong hoàn cảnh bấy giờ, thân thế của Hồ Hán Thương rõ ràng là có lợi hơn trong việc cố kết lòng người hướng về Hồ Qúy Ly, trước hết là một bộ phận trong họ Trần.
Như thế, tập quán chính trị có từ trước cùng với yêu cầu cụ thể của việc cố kết nhân tâm ở thời điểm năm 1400 đã khiến Hồ Quý Ly chọn Hồ Hán Thương làm Thái tử. Hồ Nguyên Trừng thông minh và có nhãn quan chính trị tinh tường, đã hiểu rõ tình thế và tâm tư của cha nên mới đối đáp với Hồ Quý Ly như vậy.
Bên cạnh đó, chọn Hồ Hán Thương làm Thái tử còn giúp Hồ Quý Ly có thể đối phó được trên phương diện ngoại giao với nhà Minh (Trung Quốc). Nhà Minh lúc ấy đang có ý đồ xâm lược nước ta và đã nhiều lần ra yêu sách đòi nhà Trần phải đáp ứng. Do thế nước suy yếu, nhà Trần phải chấp thuận một số đòi hỏi của nhà Minh. Khi Hồ Quý Ly thực sự chi phối được mọi việc của đất nước, những khó khăn trong nước chưa được giải quyết, quốc lực đang yếu mà tham vọng của nhà Minh cứ lớn dần lên. Hồ Quý Ly không còn cách nào khác phải tiếp tục có những nhượng bộ nhất định. Trong chuyện lập Thái tử, nếu chọn Hán Thương thì nếu nhà Minh có biết, Hồ Quý Ly cũng dễ ăn dễ nói bởi Hán Thương là cháu ngoại nhà Trần, ít nhiều cũng có tư cách kế thừa cơ nghiệp họ Trần, nhà Minh khó mà làm khó dễ được. Điều này sẽ giúp Hồ Quý Ly tạm giải quyết vấn đề ngoại giao, tạm tránh được việc nhà Minh tạo cớ xâm lược nước ta.
Sau khi lên ngôi, Hồ Quý Ly làm Hoàng Đế được gần 1 năm thì nhường ngôi cho Hồ Hán Thương. Sau đó, Hồ Quý Ly đã dùng chính thân thế của Hồ Hán Thương để buộc nhà Minh phải công nhận triều Hồ. Về việc này, sử cũ chép: “Tháng 12 (năm 1400)…, Quý Ly đem ngôi nhường cho con là Hán Thương, tự xưng là Thái Thượng Hoàng, cùng coi chính sự…, Quý Ly sai sứ sang nước Minh…, nói rằng họ Trần đã tuyệt giống, Hán Thương là cháu ngoại của (Trần) Minh Tông tạm trông coi việc nước”(Đại Việt sử kí toàn thư).
Trong chuyện lập Thái tử đầu năm 1400, Hồ Quý Ly đã khôn ngoan sử dụng thân thế của Hồ Hán Thương như một lợi khí nhằm củng cố quyền lực của bản thân, cố kết lòng người, chuẩn bị để thành lập triều đại mới và có thể đối phó được với những hạch sách đến từ người láng giềng phương Bắc. Những tính toán của Hồ Quý Ly đã phát huy hiệu quả bước đầu, giúp ông thành công bước lên ngôi báu. Tuy nhiên, nó không thể giúp ông duy trì cơ nghiệp lâu dài. Thực trạng khủng hoảng xã hội toàn diện dưới thời trị vì của ông không được giải quyết triệt để đã khiến đất nước suy yếu trầm trọng, không đủ sức đương đầu với cuộc xâm lăng của nhà Minh vào cuối năm 1406. Năm 1407, nhà Minh chiếm được nước ta, quyền thống trị của nhà Hồ theo đó cũng kết thúc.
Nguyễn Thanh Tuyền