"Tưởng đùa thành thật"
Vua Thành Thái tên thật là Nguyễn Phúc Bửu Lân, là con thứ 7 của vua Dục Đức và bà Từ Minh Huệ Hoàng hậu Phan Thị Điểu, và là cháu nội Thụy Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Y, gọi vua Thiệu Trị là cụ nội. Ông sinh năm Kỷ Mão 1879, sau khi Đồng Khánh mất vào năm Mậu Tý 1888, ông được khâm sứ Pháp Rheinart và Nam triều trọn nối ngôi. Lễ đăng quang được tổ chức năm Kỷ Sửu 1889.
|
Vua Thành Thái khi còn tại vị. Ảnh: Internet.
|
Trong số các vua nhà Nguyễn, Thành Thái là một trong những vua có nhiều vợ con. Theo thống kê của Nguyễn Phước tộc thế phả ông có tới 19 hoàng tử và 26 hoàng nữ. Sở dĩ ông có nhiều con như vậy là vì trong việc tuyển lựa phi tần, ông rất dễ dàng. Quanh việc tuyển lựa mĩ nữ làm cung phi của Thành Thái còn lưu truyền một giai thoại đặc biệt.
Sách Chuyện tình vua chúa hoàng tộc Việt Nam của tác giả Đinh Công Vĩ cho biết: Có lần ông ( Vua Thành Thái) cải trang thành một thư sinh rất mực nho nhã lên Kim Long chơi. Chơi chán rồi, ông cùng mấy người tùy tùng đủng đỉnh dạo xuống bến đò. Bỗng thấy cô lái đò xinh đẹp, hấp dẫn, ông ỡm ờ hỏi cô gái: “Này o tê, có ưng làm vợ của vua không?”
Vốn dĩ chưa bao giờ gặp mặt vua, cô lái đò không bao giờ nghĩ rằng người trước mặt mình chính là vua. Chỉ nghĩ rằng ông khách phong lưu này là công tử nhà giàu đi chơi nên trước câu hỏi mà cô nghĩ là trêu trọc ấy, cô cũng đánh bạo nói nửa đùa nửa thật bảo “ưng”.
Chẳng ngờ cô vừa nói xong thì ông khách cầm ngay lấy tay nàng, kéo ra mũi thuyền, mặc cho nàng mặt đỏ thẹn thùng. Ông liếc mắt đưa tình nói: “Rứa thì Quí phi ngồi nghỉ, để trẫm chèo cho!
Nói xong ông giành ngay lấy tay chèo từ tay nàng, đích thân chèo, cho đò xuôi dòng Hương giang từ Kim Long đến bến Nghinh Lương trước Phú Văn Lâu. Đò cập bến, ông bảo các người cùng đi tiễn đưa “quí phi vào nội” thể theo nguyện ước của nàng, rồi sau đó mới báo về gia đình cô gái, kèm theo lễ vật. Tự dưng cô lái đò trở thành vợ vua – một điều có lẽ ngay cả trong mơ cô cũng chưa nghĩ đến bao giờ.
Đó quả là lối tuyển cung phi rất đặc sắc. Nó chỉ độc đáo ở vua Thành Thái, mới có sáng kiến kiểu đó. Có lẽ từ câu chuyện đó mà ở Huế có 2 câu ca dao rất phổ biến: “Kim Long cô gái mỹ miều, Trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi”.
Vua Duy Tân với cách “đãi cát tìm vàng”
Vua Duy Tân tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh San. Ông sinh năm Canh Tí 1900, là con thứ 5 của vua Thành Thái và bà Nguyễn Thị Định. Sau khi vua cha bị Pháp bắt thoái vị, ông được đưa lên nối ngôi vào năm 1907 lấy niên hiệu Duy Tân. Năm Duy Tân 16 tuổi, triều đình bàn việc nạp phi cho ông. Mặc dù không táo bạo như vua Thành Thái nhưng lối tuyển phi của vua Duy Tân cũng rất đặc biệt.
|
Vua Duy Tân lúc mới lên ngôi. Ảnh: Internet. |
Tác giả Lưỡng Kim Thành trong sách Chuyện các bà hoàng bà chúa triều Nguyễn cho biết: “Khi vua đến tuổi cần phải nạp phi, triều đình cho chọn con gái các đại thần, cho chụp ảnh đưa vào để chọn. Có hai bức ảnh được vào tới vòng cuối cùng, dâng lên vua xem, là ảnh của cô Hồ Thị Chỉ - con gái thượng thư bộ Học Hồ Đắc Trung và cô Mai Thị Vàng, con gái quan Học sĩ Mai Khắc Đôn. Nhìn kỹ 2 bức ảnh, vua Duy Tân thấy cô Chỉ ăn mặc lụa là, cổ và tay đeo vòng vàng xuyến bạc thì có ý không hài lòng. Thấy ảnh cô Vàng ăn mặc đơn sơ giản dị, ông có ý cảm mến, liền chọn cô cho tiến cung”.
Chuyện tình của vua Duy Tân với bà Mai Thị Vàng còn có những giai thoại lãng mạn khác. Sách Chuyện tình vua chúa hoàng tộc Việt Nam kể rằng: Khi Duy Tân 16 tuổi, triều đình rục rịch bàn chuyện nạp phi cho ông nhưng ông nói vận nước nhà còn đang gay gắt thì việc lấy vợ chưa gấp, càng chậm càng tốt. Nghe được lời ấy, mẹ ông là bà Nguyễn Thị Định sốt ruột nên nhiều lần năn nỉ con lấy vợ. Không muốn mẹ buồn, cuối cùng ông đồng ý nạp phi.
Biết tin ấy, các bậc mệnh phụ phu nhân, vợ các đại thần có máu mặt ở triều đình từng có con hoặc cháu gái đã chơi trò “đuổi bắt” với vua khi còn bé, đua nhau vào chầu Hoàng mẫu để nhắc tên tuổi con cháu mình. Một danh sách ghi rõ tiều sử, cá tính, có ảnh kèm theo của 25 nàng con cháu các mệnh phụ ấy đã được các thái giám lập và dâng lên cho vua chọn với sự giám sát của Hoàng mẫu. Nhưng Duy Tân chỉ cười mà bảo rằng: “Con không thể chấm nàng nào cả, vì con đã được trời se cho một người đẹp rồi”.
Mừng mừng tủi tủi, mẹ vua hỏi: “Người yêu con ở mô? Mấy tuổi?”. Ngài trả lời: “Ở cửa Tùng, hơn con 1 tuổi”. Rồi ông bảo 3 ngày nữa sẽ mời ả (mẹ) đi ra cửa Tùng nghỉ 10 ngày sẽ có dịp gặp và nếu ả ưng thì ông sẽ lấy người ấy làm vợ.
Đúng ngày hẹn, vua Duy Tân và mẹ ra cửa Tùng. Nhưng suốt mấy ngày bà mẹ chả thấy một cô gái nào suýt soát tuổi Duy Tân. Trong khi ấy, hoàng đế suốt ngày hỳ hụi đào cát. Hỏi thì ông bảo: “ Đãi cát mới lấy được vàng. Hôm nay không tìm ra vàng thì ngày “mai” về Huế sẽ tìm được vàng. Vợ là ở đấy”.
Hoàng mẫu chợt hiểu, phì cười nói: “Ả hiểu con rồi. “Mai về” tức là họ Mai. Người con định tìm là Mai Thị Vàng, con gái đầu lòng của quan phụ đạo Mai Khắc Đôn, có đúng không?” Vua Duy Tân mắt sáng lên, lay lay bàn tay mẹ nói: “Thưa đúng. Vậy ả có bằng lòng không?”.
Bà mẹ gật đầu nói: “Ả bằng lòng. Nhưng con phải giải thích vì sao con lại chọn cô Vàng?”. Vua bảo: “Thưa, thầyy Đôn khác với nhiều thầy, thầy không chỉ dạy chữ cho con mà còn dạy con biết thương dân thương nước, biết trọng kẻ trung thần, xa lánh bọn nịnh thần. Con tin là cô Vàng cũng được bố dạy như rứa”.
Sau khi mẹ con trao đổi, tuân lời mẹ, vua Duy Tân cho 2 người đến thôn Kim Long (thuộc xã Hương Long, huyện Hương Trà, tình Thừa Thiên) để xem mặt cô Vàng và xin ảnh của cô đem về cho Lưỡng tôn cung xem. Một tháng sau, lễ hỏi Mai Thị Vàng được tổ chức tại nhà quan Phụ đạo họ Mai ở thôn Kim Long, rồi qua ngày 30 tháng giêng năm 1916, lễ nạp phi được cử hành trọng thể ở bộ Lễ.
Như vậy, trong chuyện nạp phi của Duy Tân, tình yêu đã có sức nặng. Chọn người giản dị và tin rằng được dạy dỗ lòng yêu nước thương dân chứ không vì toan tính chính trị, đó là nét hay của vua Duy Tân mặc dù lúc đó ông còn rất trẻ.
Vũ Tiến Đức