Chuyện “vua Thái” ở Sơn La: Vụ án chấn động một thời

Google News

(Kiến Thức) - Cầm Văn Dung, con trai “vua Thái” Cầm Oai đã dính vào vụ án chấn động dư luận Đông Dương. 

Cầm Văn Dung, con trai “vua Thái” Cầm Oai đã dính vào vụ án chấn động dư luận Đông Dương. Bí mật vẫn chưa có lời giải nhưng ông bị tòa kết án chung thân và giam tại Hỏa Lò (Hà Nội).
Con đường Tây học
Ông Vi Văn Vần (96 tuổi) ở bản Ban xã Tú Nang (Mai Sơn) là người từng có thời gian gần gũi với các con trai của “vua Thái” Cầm Oai. Trong số những công tử đất Mai Sơn ấy, ông Vần ấn tượng nhất với Cầm Văn Dung, người sau này được kế tục chức bố chánh từ cha và cũng là người liên đới tới vụ án nổi tiếng trong việc công sứ Sơn La Xanh Pu Lốp bị đầu độc chết.
Cầm Văn Dung có dáng người cao ráo, da dẻ trắng trẻo và giọng hát rất hay. Ông có tài xuất khẩu thành thơ, hát đối tài tình và thông thạo nhiều ngoại ngữ. Trong đó có tiếng Pháp, Trung, Anh...
Còn theo ông Cầm Văn Kẻo, con trai Cầm Văn Dung thì do “vua Thái” Cầm Oai nhiều tiền nên gửi Cầm Văn Dung xuống Hà Nội, vào cả Sài Gòn học trong một trường dòng của Pháp.
Chuyen “vua Thai” o Son La: Vu an chan dong mot thoi
Vợ chồng Cầm Văn Dung. 
Nếu như “vua Thái” Cầm Oai là người trọng lễ giáo phong kiến thì Cầm Văn Dung lại được học hành rất bài bản theo giáo trình Tây học. Đương thời, nhiều tờ báo đánh giá chính Cầm Oai cũng là người có tư tưởng tiến bộ. Chính hành động gửi con vào trường dòng đã chứng minh điều ấy.
Theo một nguồn chúng tôi có được, Cầm Văn Dung đã từng theo học tại trường Lycée Chasseloup Laubat tại Sài Gòn cùng thái tử Campuchia lúc bấy giờ là Nô-rô-đôm Xi-ha-núc. Trước đó ông cũng học cùng hoàng thân Xu-pha-nu-vông tại trường Albert Sarraut tại Hà Nội.
Ông Kẻo xác nhận, đã có lần những thái tử Campuchia và hoàng thân Lào cùng Cầm Văn Dung lên Mai Sơn thăm nhà “vua Thái” Cầm Oai. Sau này khi ra trường về nhậm chức bố chánh, thi thoảng bộ ba họ còn liên lạc với nhau. 
Tuy theo con đường Tây học, nhưng Cầm Văn Dung không ưa người Pháp và thường xuyên xui khiến người Thái tại Sơn La không nộp thuế và đi lính cho Pháp. Vì thế, thực dân Pháp rất hằn học ông và thừa cơ hội kéo ông vào một vụ án chấn động.
Chuyen “vua Thai” o Son La: Vu an chan dong mot thoi-Hinh-2
Những bức hình khi ông Cầm Văn Dung hoạt động cách mạng sau khi thoát khỏi Hỏa Lò. 
Vụ án công sứ
Sự kiện công sứ Pháp tại Sơn La là Xanh Pu Lốp bị đầu độc chết năm 1933 đã kéo theo không ít người liên lụy. Đáng chú ý với báo giới lúc bấy giờ là bố chánh Mai Sơn Cầm Văn Dung.
Theo ông Vần, vì đẹp trai, tài giỏi lại có nhiều tài sản nên ông Dung được không ít người theo đuổi. Thừa cơ hội đó, thực dân Pháp cho rằng ông Cầm Văn Dung đã thông đồng với vợ công sứ Pháp để đầu độc Xanh Pu Lốp. Thực dân Pháp bắt Cầm Văn Dung giải về Hà Nội.
Theo cáo trạng, vợ công sứ Pháp là Lù Thị Cam. Người này đã bỏ độc giết chồng thông qua một thầy phù thủy người Tàu tên Liêu Thế Hữu để được chung sống với Cầm Văn Dung. Tuy nhiên, theo ông Vần điều đó là hoàn toàn vô lý bởi Lù Thị Cam là người rất xấu, da đen và lùn, không lẽ gì Cầm Văn Dung lại có tình cảm với bà. Đó chẳng qua là cái cớ, là cơ hội để chính quyền bảo hộ bám vào hòng triệt tiêu cái gai trong mắt.
Trong phiên tòa xét xử năm 1935, cả Lù Thị Cam, Liêu Thế Hữu và Cầm Văn Dung đều một mực kêu oan. Thầy phù thủy Liêu Thế Hữu cho rằng, ông chỉ làm bùa yêu cho bà Cam vì chồng bà, ông Xanh Pu Lốp ít mặn mà với vợ. Các chứng cứ đưa ra từ phía bà Lù Thị Cam rằng, nồi xúp bà nấu có rất nhiều người ăn. Tại sao không ai chết mà chỉ có Xanh Pu Lốp tử vong?
Mặt khác, tòa án cũng không tìm được bằng chứng chứng tỏ ông Cầm Văn Dung có quan hệ tình cảm với vợ công sứ Pháp dẫn tới việc đầu độc Xanh Pu Lốp.
Chuyen “vua Thai” o Son La: Vu an chan dong mot thoi-Hinh-3
Ông Cầm Văn Kẻo và bức hình vợ chồng Cầm Văn Dung. 
Luật sư bào chữa cho Cầm Văn Dung cũng khẳng định không có chuyện ông Dung quan hệ tình cảm với bà Lù Thị Cam. Càng không có chuyện ông thông đồng âm mưu đầu độc Xanh Pu Lốp. Vì thế, luật sư yêu cầu tòa án hủy tất cả những cáo buộc giết người liên quan tới Cầm Văn Dung.
Tờ Hà Thành Ngọ Báo là một trong những tờ báo bám theo vụ án này rất kỹ. Họ từng tường thuật những phiên xét xử Cầm Văn Dung. Rằng, hôm ra tòa Cầm Văn Dung vẫn đi giầy Tây, đầu tóc chải mượt, có bạn bè thời học và nhiều viên quan các vùng về dự để bảo vệ bạn.
Tuy nhiên, như có một kế hoạch đen tối trước đó của Pháp, tòa án vẫn kết án tử hình đối với Cầm Văn Dung. Tuy nhiên, vì Cầm Văn Dung một mực kêu oan cùng với đó là áp lực từ bạn bè, các viên quan vùng Sơn La và thế lực còn lại của gia đình “vua Thái” nên tòa án đành kết án chung thân và đưa Cầm Văn Dung vào giam tại Hỏa Lò.
Gặp những người bạn lớn
Tại nhà tù Hỏa Lò, Cầm Văn Dung không phải khổ sở như những bạn tù khác. Ngược lại, ông vẫn rất sung túc, tay chân không bị cùm, ngủ vẫn có màn tuyn, ăn uống đầy đủ và thậm chí vẫn có cà phê, rượu để uống và thi thoảng còn được đi dạo phố.
“Được như vậy vì thứ nhất cha tôi có rất nhiều tiền, thứ hai do uy tín và những thế lực của ông. Chính những viên lính coi ngục, một phần vì sợ, một phần vì được tiền nên chúng mới để ông được tự do trong tù”, ông Cầm Văn Kẻo cho biết.
Cũng tại Hỏa Lò này, ông Cầm Văn Dung đã kết bạn với Trần Đăng Ninh, Văn Tiến Dũng, họ là những người bạn lớn của nhau trong thời gian ngồi tù và cả sau này nữa. 
Có cảm tình với cách mạng, lại nhiều tiền để đút lót cho lính cai ngục nên sau này, chính Cầm Văn Dung đã giúp những người tù chính trị trốn thoát khỏi Hỏa Lò với một câu chuyện “thông thiên độn thổ” đã đi vào giai thoại lịch sử. Để rồi sau đó, Cầm Văn Dung tham gia Việt Minh, trở thành Chủ tịch khu tự trị Tây Bắc theo như lời kể của Đại tướng Văn Tiến Dũng.
“Thực dân Pháp từng nói: Ai có được Cầm Văn Dung là có được Tây Bắc. Tuy nhiên, ông Dung lại không ưa thực daab Pháp nên thường xúi giục người dân trốn thuế và không đi lính. Sau này, khi ông Dung trốn khỏi Hỏa Lò, tất cả Tây Bắc ai cũng vui và hân hoan đón thủ lĩnh của mình về”.
Ông Vi Văn Vần
“Sau này có nhiều lần tôi đến nhà Đại tướng Văn Tiến Dũng thăm hỏi mới được Đại tướng kể cho nghe về thời gian bị giam trong Hỏa Lò. Đại tướng khẳng định, bọn cai ngục rất nể và sợ Cầm Văn Dung, cũng chính vì lẽ đó nên những người tù chính trị mới bắt liên lạc với bố tôi để tìm cách thoát ngục”.
Ông Cầm Văn Kẻo
Trần Hòa