Công chúa Ngọc Hân là một nhân vật lịch sử được hậu thế ngưỡng mộ. Điều này được thể hiện qua việc nhiều con đường, nhiều ngôi trường mang tên công chúa nhà Lê.
Nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều giai thoại khác về hoàng hậu của Quang Trung khiến người đời sau bán tín bán nghi. Trong khuôn khổ bài báo tới đây, chúng tôi cố gắng làm sáng tỏ các nghi án lịch sử theo cách khách quan nhất.
|
Công chúa Ngọc Hân và vua Quang Trung (Lý Hùng và Thùy Lâm thủ vai) trong phim Tây Sơn hào kiệt. Ảnh minh họa. |
Có nhiều giai thoại nói rằng
công chúa Ngọc Hân không hề yêu Nguyễn Huệ (cách gọi vua Quang Trung trước khi lên ngôi) và mối tình của họ chỉ là dàn xếp chính trị giữa triều Lê và Tây Sơn. Chuyện này thì ban đầu đúng là có thật.
Khi Nguyễn Huệ vâng lệnh vua anh là Nguyễn Nhạc ra Thăng Long dẹp loạn thì Nguyễn Hữu Chỉnh mới bày kế kết hôn để tạo niềm tin giữa nhà Lê và Tây Sơn. Trong Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái có chép:
“Nguyên trong số những người con gái đẻ sau của hoàng thượng, còn có đến năm, sáu nàng công chúa chưa chồng. Nhưng chỉ riêng có một nàng tên chữ gọi Ngọc Hân, là người có sắc đẹp và nết na hơn cả. Hoàng thượng rất yêu quí Ngọc Hân, thường ngày vẫn nói: "Con bé này ngày sau nên gả làm vương phi, không nên gả cho hạng phò mã tầm thường!"
Lúc ấy nghe lời Chỉnh nói, hoàng thượng trong bụng cũng ưng, bèn bảo Chỉnh:
- Con gái chưa chồng của trẫm còn nhiều, nhưng chỉ có mình Ngọc Hân là có chút nhan sắc. Tuy vậy, thói thường yêu con vẫn hay thiên lệch, chưa biết ở mắt người ngoài thì ra sao. Ngươi hãy ở đây, để trẫm đòi cả ra cho mà coi qua, rồi tuỳ người lựa xem người nào xứng đáng thì giúp cho thành việc đi!
....Ngắm dung nhan các công chúa xong, Chỉnh về nói với Bình (tức Nguyễn Huệ):
- Hiện hoàng thượng có nàng công chúa thứ chín, tuổi vừa đôi tám, xin cho nương bóng nhà sau, hầu hạ khăn lược, để cho hai nước thành thông gia, đời đời hoà hiếu với nhau.
Bình nói đùa rằng:
- Vì dẹp loạn mà ra, để rồi lấy vợ mà về; bọn trẻ nó cười cho thì sao. Tuy nhiên, ta mới chỉ quen gái Nam Hà, chưa biết con gái Bắc Hà, nay cũng nên thử một chuyến xem có tốt không?”
Lúc đó, Nguyễn Huệ đã 33, đã có chính thất họ Phạm ở miền trong còn Ngọc Hân mới 16 tuổi. Chính vì vậy, nhiều người cho rằng công chúa Ngọc Hân không hề yêu Nguyễn Huệ mà phải miễn cưỡng chấp nhận cuộc hôn nhân do vua cha sắp đặt vì sự tồn vong của triều Lê.
Thật ra đây chỉ là quan điểm bị ảnh hưởng từ thời nhà Nguyễn vốn coi Tây Sơn là giặc.
Trên thực tế, con gái hoàng thất khi đó sống trong khuê phòng (thời Lê thì Nho giáo đã ảnh hưởng rất sâu) chỉ luôn ao ước có được một người chồng anh hùng mã thượng. Do đó, không thể nói Ngọc Hân buồn bã, miễn cưỡng khi kết hôn với Nguyễn Huệ.
Nói về tâm đầu ý hợp giữa hai vợ chồng Nguyễn Huệ - Ngọc Hân thì Hoàng Lê nhất thống chí cũng chép mấy đoạn. Chẳng hạn sau khi làm lễ nghênh hôn: “Công chúa lúc mới về còn có vẻ bẽn lẽn e thẹn, nhưng sau rồi cũng quen. Hôm vào làm lễ yết các vị tiên hoàng đế ở nhà Thái Miếu, Bình và công chúa gióng kiệu cùng đi, lúc lễ xong lại gióng kiệu cùng về.
Bình vốn có tính kiêu căng, chợt hỏi công chúa:
- Con trai con gái nhà vua, đã có mấy người được vẻ vang như nàng?
Công chúa đáp:
- Nhà vua ít lộc, các con trai con gái ai cũng thanh bạch nghèo khó. Chỉ riêng thiếp có duyên, lấy được lệnh công (tiếng gọi tôn trọng, chỉ Nguyễn Bình), ví như hạt mưa, bụi ngọc bay ở giữa trời được sa vào chốn lâu đài như thế này, là sự may mắn của thiếp mà thôi!
Bình nghe câu ấy, thích thú lắm”.
Hay đoạn Nguyễn Huệ lo xong tang chế cho vua Lê Hiển Tông (cha của Ngọc Hân), có ghi:
“Bình bảo công chúa:
- Tiên đế có hơn ba mươi người con trai, ngày nay báo hiếu lại chỉ ở một người con gái, nào có ai giúp đỡ cho được mảy may? Người xưa thường bảo "Con gái làm rạng rỡ cho nhà cửa", quả cũng đúng thật!
Công chúa cảm tạ và nói:
- Nhờ công đức của thượng công, thiếp được báo hiếu với hoàng khảo, mở mặt với anh chị em. Tục ngữ vẫn nói: "Trai không ăn mày vợ, gái phải ăn mày chồng", chính là như thế đó!
Bình nghe nói, thích lắm”.
Như vậy, chỉ trong có một hồi của Hoàng Lê nhất thống chí mà Ngô gia văn phái đã 2 lần tả “Bình nghe công chúa nói, thích thú lắm”. Như vậy là đủ thấy trong mắt của văn sĩ thân Lê thời đó thì công chúa Ngọc Hân và Nguyễn Huệ rất tâm đầu ý hợp rồi.
Tất nhiên, chỉ dựa vào mô tả ước lệ trong riêng Hoàng lê nhất thống chí thì chưa thể nói hết tình cảm của Ngọc Hân công chúa cho Nguyễn Huệ. Rất may, vẫn còn những áng văn thơ khác của chính công chúa Ngọc Hân làm sáng tỏ chuyện này.
(Kỳ sau: Công chúa Ngọc Hân muốn quyên sinh sau khi Quang Trung băng hà?)
Theo Anh Tú/Một thế giới