Yết Kiêu, Dã Tượng coi người làm thịt dê tên Duyệt là thầy
Yết Kiêu tên thật là Phạm Hữu Thế, quê ở làng Hạ Bì (tên nôm là làng Quát), huyện Gia Lộc, lộ Hải Đông (nay thuộc xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương), xuất thân từ một gia đình nghèo. Còn Dã Tượng không rõ tên thật, quê quán, xuất thân. Hai người này là gia nô trung thành, là cận vệ đắc lực của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.
Sử sách chép rằng, cha của Hưng Đạo Vương là An Sinh vương Trần Liễu vì có sự ấm ức về ngôi vị nên trước khi mất có dặn con trai sau này khi có cơ hội, nhất định phải đoạt ngôi báu về tay. Khi đã ở chức vị lớn, quyền hành trong tay, dù không có ý phản nghịch nhưng Trần Hưng Đạo muốn thử ý mọi người mới đem chuyện cũ ra hỏi các con, lại hỏi cả thân thuộc của mình. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Đến khi nước lung lay, quyền bính quân quốc ở tay mình, Quốc Tuấn đem lời cha dặn nói với gia nô là Dã Tượng, Yết Kiêu. Hai người can rằng: Làm kế ấy tuy được phú quý một lúc mà để lại tiếng xấu nghìn năm. Nay đại vương há chẳng phú quý hay sao? Chúng tôi thà chết già làm gia nô, chứ không muốn làm quan mà không trung hiếu, chỉ xin lấy người làm thịt dê là Duyệt làm thầy mà thôi!.Quốc Tuấn cảm phục đến khóc, rồi khen ngợi mãi”.
|
Tượng Trần Hưng Đạo và hai cận vệ Yết Kiêu, Dã Tượng. Nguồn: sangtao.org. |
Chuyện người làm thịt dê tên Duyệt mà Yết Kiêu, Dã Tượng coi làm thầy là biểu thị sự trung thành, nghĩa khí, không vì danh vọng mà làm điều trái đạo. Thời nhà Chu ở phương Bắc, Sở Chiêu Vương chạy loạn, có người làm thịt dê tên là Duyệt theo hầu, đến khi giành lại được ngôi báu, muốn ban tước cho Duyệt nhưng người này từ chối mà nói: “Nhà vua mất nước, tôi không được làm thịt dê. Nay nhà vua về lại nước, tôi lại được làm nghề giết dê, tước lộc thế là đủ, cần gì phải thưởng nữa!”.
Hình ảnh dê trong bài ngự chế Trần Anh Tông ban cho bề tôi
Thời Trần Anh Tông, hoàng đế thứ 4 của vương triều Trần, có một viên quan nổi tiếng thanh liêm, chính trực, xét đoán hình ngục rất giỏi, cương nghị, cứng cỏi, không chịu ăn của đút, đó là Trần Thì Kiến, người làng Cự Xạ, huyện Đông Triều, phủ Tân Hưng (nay là huyện Đông Triều, Quảng Ninh). Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết về ông như sau: “Mỗi khi có việc kiện, lấy lẽ mà bẻ, việc đến thì dùng phép đối phó. Người ta đều cho là giỏi xử đoán kiện tụng”.
|
Viên quan cầm hốt ngà. Tranh minh họa. Nguồn: lib.agu.edu.vn.
|
Trần Thì Kiến vốn là môn khách của Trần Hưng Đạo, được tiến cử lên vua Trần Nhân Tông, được vua cho giữ chức An phủ sứ phủ Thiên Trường (nay thuộc Nam Định), rồi phủ Yên Ninh (nay thuộc Ninh Bình). Đến năm Đinh Dậu (1297) vua Trần Anh Tông phong ông làm quan Kiểm pháp, nhận chức Đại An phủ sứ kinh sư ở Thăng Long; tháng 12 năm Mậu Tuất (1298) lại phong lên chức Nhập nội Hành khiển, Hữu gián ghị Đại phu. Vua lại ban cho ông cái hốt làm bằng ngà voi khắc bài minh ngự chế của vua:
Thái sơn trinh cao,
Tượng hốt trinh liệt.
Linh trãi tiên giác,
Vị hốt nan chiết.
Nghĩa là:
Núi Thái rất cao,
Hốt ngà rất cứng.
Sừng con dê thần,
Làm sừng khó gãy.
Vì sao vua Trần Anh Tông lại nhắc đến con dê trong bài chế ban cho Trần Thì Kiến, điều này sẽ được lý giải rõ hơn về hình tượng đó qua phần tiểu chuyện tiếp theo trình bày dưới đây.
Ý nghĩa tên gọi của danh nhân Nguyễn Trãi
Nguyễn Trãi là bậc danh nhân nổi tiếng trong lịch sử, là người có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi giặc Minh xâm lược, lập lên vương triều Hậu Lê.
Cha của Nguyễn Trãi là Nguyễn Ứng Long (sau đổi là Nguyễn Phi Khanh), quê gốc ở xã Chi Ngãi, lộ Hải Đông (nay là phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, Hải Dương), sau dời về sống ở Ngọc Ổi (nay thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội). Ông được Trần Nguyên Đán gả con gái là Trần Thị Thái cho làm vợ, trở thành con rể quan Tư đồ quyền hành trong triều đình.
|
Chân dung Nguyễn Trãi trên tranh lụa cổ. Nguồn: vanhoaviet.
|
Nguyễn Phi Khanh từng đỗ Thái học sinh đời vua Trần Dụ Tông nhưng vì triều đình cho là xuất thân bình dân mà lấy con gái hoàng tộc nên không trọng dụng. Khi nhà Hồ thành lập ông mới được làm quan, giữ chức Hàn Lâm học sĩ, sau thăng lên đến Đại lý tự khanh, kiêm Trung thư thị lang, Tư nghiệp Quốc Tử Giám.
Con cả của Nguyễn Phi Khanh là Nguyễn Trãi, sở dĩ ông lấy tên Trãi đặt cho con với nhiều hàm ý. Trong huyền thoại Đông phương lưu truyền ở vùng Đông Á (như Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên…) có nhắc đến một loài dê thần chỉ có một sừng gọi là “Giải Trãi”, loài này có tài lạ, đó là khi hai bên có tranh chấp, nó sẽ dùng sừng húc vào bên nào thì cho biết bên đó là gian tà, rất chính xác. Chính vì thế đặt tên con là Trãi, Nguyễn Phi Khanh muốn con mình sau này là người công minh, chính trực, diệt tà trừ ác, bảo vệ lẽ phải.
Lê Dụ Tông quy định các quan làm án luật phải mang mũ áo thêu hình dê
Lê Dụ Tông tên thật là Lê Duy Đường, hoàng đế thứ 11 của nhà Lê Trung Hưng, ở ngôi 24 năm (1705 - 1729) với hai niên hiệu là Vĩnh Thịnh và Bảo Thái. Sách Đại Việt sử ký tục biên đánh giá về ông như sau: “Bấy giờ vua thừa hưởng cơ nghiệp thái bình, không xảy ra binh đao, trong nước vô sự, triều đình làm được nhiều việc, pháp độ rất đầy đủ, kỷ cương thi hành tốt, các nước phương xa đến nạp khoản, thượng quốc trả lại đất, đáng gọi là đời cực thịnh. Vua khoanh tay, rủ áo ngồi ở trên, không khó nhọc mà đâu ra đấy. Nói đến đời thịnh trị, tất phải quy về vua”.
|
Mũ giải trãi với hai sừng nhỏ. Nguồn: phocovat.phomuaban.vn.
|
Theo sách Lịch triều hiến chương loại chí, vào năm Tân Sửu (1721) đời vua Lê Dụ Tông có ban chiếu quy định về phẩm phục của các quan, trong đó đối với các quan làm án luật, trên áo phải có thêu hình con dê thần “Giải Trãi”, để biểu thị cho sự sáng suốt, trí tuệ, công tâm, khách quan khi thực thi chức trách. Hình dê thần được thêu vào một ô vuông trước và sau áo (gọi là bổ tử).
Trong triều, quan đứng đầu công việc chuyên môn này là Ngự sử đội mũ giải trãi (tức mũ có thêu hình dê thần), bổ tử trên áo cũng có hình giải trãi, tiếp đó là các chức Đề hình, Hiến sứ, Cai đạo… cũng đội mũ, mặc áo thêu hình giải trãi. Quan chức thuộc các đạo ở địa phương phụ trách việc hình án như Hiến phó đều đội mũ, mặc áo có hình như vậy, chỉ khác nhau về màu sắc, hoa văn mà thôi.
Hải Thượng Lãn Ông và bài ca công dụng chữa bệnh của thịt dê
Hải Thượng Lãn Ông tên thật là Lê Hữu Trác (1720 - 1791) quê ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, trấn Hải Dương (nay thuộc Yên Mỹ, Hưng Yên), xuất thân trong một gia đình quyền quý, cha là Tiến sĩ làm quan tới chức Thị lang bộ Công. Ông là con thứ 7 nên mọi người thường gọi là “cậu Chiêu Bảy”.
|
Hải thượng Lãn ông Lê Hữu Trác. Nguồn: hole.com.vn.
|
Lê Hữu Trác là một danh y nổi tiếng trong lịch sử nước ta. Ông học nghề thuốc để chữa bệnh cho mình, cho người và quyết tâm “làm hết sức mình, dựng lên một lá cờ trong y giới”. Tổng kết những kiến thức y học cổ truyền, kết hợp lý luận cổ với kinh nghiệm dân gian, thuốc Bắc và thuốc Nam, ông đã xây dựng lên nguyên tắc chữa bệnh hợp với con người và khí hậu Việt Nam, đồng thời viết nhiều tác phẩm y dược có giá trị. Trong cuốn Lĩnh Nam bản thảo, Lê Hữu Trác cho hay thịt dê không chỉ là một món ăn ngon, nó còn là vị thuốc có nhiều công dụng qua một số bài ca ngắn như sau:
Dương nhục tục gọi là thịt dê,
Nóng nhiều, ngọt đắng ích tâm tỳ.
Bổ hủ lao lạnh trừ kinh giản,
Phong, đầu choáng, lưng đau, dương suy.
Linh dương giác là sừng dê trắng,
Mặn lạnh tính bình chữa cổ trùng.
Chữa cả mụn thấp và phong nhiệt,
Loạn huyết giản linh với liệt dương.
Sơn dương nhục là thịt dê rừng,
Ngọt nóng lạnh lành hay bổ dương.
Chữa khỏi hư lao phong chướng lỵ,
Đàn bà bạch đới nóng trong xương.
Số phận vua Hiệp Hòa và điềm báo đàn dê qua cầu
Hiệp Hòa là vị vua thứ 6 của triều Nguyễn, tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Dật, còn có tên là Nguyễn Phúc Thăng. Ông là con thứ 29, cũng là con út của vua Thiệu Trị (Nguyễn Hiến Tổ) và là em của vua Tự Đức (Nguyễn Dực Tông).
Nguyễn Phúc Hồng Dật lên làm vua trong bối cảnh triều đình nhà Nguyễn có những biến động sau cái chết của vua Tự Đức, giai đoạn mà sau này được gọi là “tứ nguyệt tam vương” (4 tháng 3 vua). Vua Dục Đức bị phế truất khi ở ngôi chưa đến 3 ngày, các quan đại thần đứng đầu là Tôn Thất Thuyết sai người đi đón Hồng Dật về lập làm hoàng đế. Mặc cho ông từ chối, kêu khóc, quân lính miệng thì năn nỉ nhưng tay thì xốc nách kiêng Hồng Dật lên kiệu đưa vào cung.
|
Chân dung vua Hiệp Hòa. Nguồn: vi.wikipedia.org.
|
Ngày 29 tháng 6 năm Quý Mùi (30/7/1883); Hồng Dật làm lễ đăng quang, lấy niên hiệu là Hiệp Hòa. Tương truyền trong buổi lễ, khi các quan đứng theo hàng để lạy, có một con chim đậu trên ngọn cây trước điện Thái Hòa kêu lên tiếng lớn; đến khi đọc chiếu lại có một đoàn dê đi qua cầu Kim Thủy. Người ta có đó là điềm không tốt.
Quả nhiên hậu vận của Hiệp Hòa rất bi thảm. Vì có ý muốn giảm bớt thế lực của mấy quan phụ chính đại thần nên vua đã thay đổi vị trí trong triều của họ, mặt khác trước áp lực của Pháp buộc triều đình nhà Nguyễn phải ký hòa ước chấp nhận Nam Kỳ là thuộc địa, Trung Kỳ và Bắc Kỳ là đất bảo hộ của Pháp. Thấy khó chống lại, vua Hiệp Hòa đã chấp thuận yêu sách của Pháp bằng việc sai đại thần là Trần Đình Túc cùng đại diện Chính phủ Pháp là Harmand ký hòa ước Quý Mùi (còn gọi là hòa ước Harmand).
Điều này khiến phe chủ chiến trong triều bất bình, họ ép vua phải viết chiếu thoái vị sau đó bắt giam rồi buộc Hiệp Hòa thuốc độc mà chết vào chiều ngày 30 tháng 10 năm Quý Mùi (29/11/1883), sau 4 tháng 10 ngày ở trên ngôi báu.
Bấy giờ người đời cho rằng điềm đàn dê đi qua cầu là điềm xấu, vì dê trong Hán tự viết là “Dương”, mà “Dương” khi ấy được ám chỉ đến người Pháp, được gọi là Tây Dương, ứng với việc vua vì chủ hòa với Pháp mà bị hại. Hơn nữa, vua Hiệp Hòa sinh tháng 9 (tháng Tuất) năm Đinh Mùi (1847), bị ép lên ngôi vào tháng Mùi (tháng 6) năm Mùi (Qúy Mùi 1883), toàn vào “năm xung, tháng hạn”, phạm vào “tứ hành xung” (Thìn – Tuất – Sửu – Mùi) và kết cục số phận cũng vào năm Mùi.
Lê Thái Dũng