Triều đình nhà Nguyễn truyền được 13 đời vua. Lịch sử nhìn nhận lại những công, tội đối với đất nước của mỗi thời kì một cách khách quan. Nhưng hai cha con Đồng Khánh và Khải Định không thể có bất cứ một điểm sáng nào đáng để đời sau châm chước cả.
Ngai vàng bỏ trống không vua
Ba người con nuôi của vua Tự Đức có số phận khác nhau. Ưng Chân vì lớn tuổi nhất, được chỉ định lên làm vua, nhưng chỉ được ba ngày thì bị truất. Ưng Đăng nhỏ tuổi nhất cũng được đưa lên làm vua vì... nhỏ tuổi dễ sai khiến. Nhưng lại chết yểu một cách mờ ám. Những tưởng Ưng Đường, người đứng thứ hai, không có cơ hội lên làm vua, nhưng rồi thế sự xoay vần, vị hoàng tử này cũng đến lượt mình.
Triều đình Huế bấy giờ năm bè bảy mối, bị chi phối bởi các vị quyền thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường. Việc chọn ai lên ngai vàng lấy tiếng là do Hoàng Thái hậu, nhưng thực ra đều do các ông này quyết định cả.
Sau khi Kiến Phúc (Ưng Đăng) chết đi, người ta không chọn ông anh (Ưng Đường) mà lại chọn ông em (Ưng Lịch) cũng vì... còn nhỏ lên làm vua Hàm Nghi. Hàm Nghi nhỏ tuổi nhưng có chí lớn, đã cùng Tôn Thất Thuyết lên đường phát hịch Cần Vương chống thực dân Pháp.
Ngai vàng bỏ trống không vua. Vua Hàm Nghi vẫn còn, không thể thay bằng vua khác được. Nhưng người Pháp không muốn thế, họ muốn có một vị vua bù nhìn để khống chế triều đình và mị dân.
|
Vua Đồng Khánh. |
Chiếc ghế nóng
Ta còn nhớ, tình thế bấy giờ ngai vàng là chiếc "ghế nóng" đầy bất trắc. Cho nên Hồng Dật khi được mời làm vua (Hiệp Hòa) đã hết lời khước từ. Ưng Đăng phải trốn tránh, khóc lóc xin tha. Ấy vậy mà Ưng Đường lại vô cùng ao ước được làm vua.
Ưng Đường còn có tên là Ưng Biện, được ngồi học ở điện Chánh Mông nên thường được gọi là hoàng tử Chánh Mông. Khi ấy hoàng tử này đã 21 tuổi, mê đọc sách, nhưng rất mê tín. Ông ta luôn đến điện Ngọc Trân để cầu nữ thần Thiên Y A Na cho mình có cơ hội ngồi lên ngai vàng.
Cơ hội ấy đã đến. Viện Cơ mật tranh cãi nên chọn ai: Bửu Lân con vua Tự Đức hay Chánh Mông? Chọn ai cũng phải được phía Pháp chuẩn y. Quan đại thần Nguyễn Hữu Độ là cha vợ của Chánh Mông lại là người thân Pháp, ton hót với De Courcy nên người được chọn chính là Chánh Mông. Đại thần Viện Cơ mật Phan Đình Bình phản đối, về sau bị vu là phản nghịch và bị bức tử.
Nhục nhã thay một việc chưa từng có, Chánh Mông phải sang Tòa Khâm sứ để được thụ phong làm vua, lấy niên hiệu là Đồng Khánh, sau đó mới được trở về làm lễ đăng quang ở điện Thái Hòa. Thật mỉa mai, niên hiệu Đồng Khánh có hàm nghĩa cả Nam triều và Pháp triều cùng vui vẻ cả!
Được lên làm vua, tất tật việc gì Pháp yêu cầu, Đồng Khánh đều răm rắp nghe theo. Ông ta viết thư tạ ơn quan thầy: "Nước tôi xin nhận quý quốc là thượng quốc, và xin tuyên phong quý Đô đốc De Courcy làm Bảo Hộ quận vương".
Đồng Khánh còn khen thưởng, truy tặng những quan lính Pháp "có công" đàn áp cuộc binh biến của quân ta tấn công vào đồn Mang Cá năm trước. Sau đó, Đồng Khánh còn nhường thêm đất để quân Pháp mở rộng đồn Mang Cá kiên cố hơn nữa. Đồng thời ông ta ký nhường cho Pháp các hải cảng quan trọng là Hải Phòng và Đà Nẵng làm nhượng địa.
Đổi lại, Đồng Khánh được hưởng thụ một cuộc sống xa hoa, tiệc tùng liên miên. Ăn mặc chau chuốt, cầu kì. Bộ hoàng bào thêu rồng thêu phượng, dát vàng ròng, khảm châu ngọc nặng đến nỗi khi bước đi phải có thái giám nâng vạt áo.
(Còn nữa)
Nguyễn Di