Không chỉ là một nhà giáo dục, Nguyễn Đức Đạt còn là một học giả, một triết gia. Những điều ông bàn về việc thu hút nhân tài, về đạo làm vua, làm tôi, về luật pháp và giáo hoá... đến nay vẫn là những điều đáng phải suy nghĩ.
Vua muốn lấy gỗ thì bề tôi phá rừng
Vua Minh Mạng hỏi: "Trẫm lo chấn hưng văn giáo mà sao hiền tài ít thế?". Một đình thần thưa: "Thần cũng chưa biết tại sao". Vua Tự Đức cũng hỏi tại sao đất nước thiếu kẻ hiền tài đến thế trong lúc đang bao nhiêu nhiễu sự này.
Trong sách Nam Sơn Tùng thoại, Nguyễn Đức Đạt đã trả lời hai vua: Ông vua trước hết phải có cái gì giỏi thì những người giỏi khác sẽ kéo về đầy triều. Đi săn mà không lưới, không tên thì không được chim. Đi câu mà không mồi thì không được cá. Kẻ sĩ là chim, cá của vua chúa... vua muốn được người hiền tài phải lấy lễ làm mồi, làm lưới. Chưa đủ, muốn kẻ sĩ có tài về với mình, vua phải là đấng minh quân. Minh quân theo Nguyễn Đức Đạt là người phải có đạo đức cao, ân tính sâu, rộng dùng hiền tài giúp đỡ mọi người, hậu quý mưu lược, lo việc cày cấy, kịp việc hình án. Hình án là việc thưởng phạt. Một nhà nước dù có trật tự kỷ cương, ra đường không ai nhặt của rơi, đêm ngủ không phải cài cửa, thì vẫn phải có hình án.
Nguyễn Đức Đạt cho rằng, giáo hoá với hình phạt khi dùng phải phân biệt với gốc ngọn, khi làm phải thứ tự trước sau. Một phần hình án, hai phần giáo hoá là đạo vương, một phần giáo hoá hai phần hình án là đạo bá, chuyên hình án mà bỏ giáo hoá là mất nước. Như vậy, dù vua là đấng chí tôn rất sáng suốt, công minh có nhiều kẻ hiền tài dưới trướng, thì nước phải có pháp luật. Bề tôi phục tùng nhà vua là để giữ gìn pháp luật. Học trò hỏi Nguyễn Đức Đạt: Vua chế ngự dân hay pháp luật cấm đoán dân?
Nguyễn Đức Đạt trả lời: "Vua là để chế ngự quan, còn pháp luật là để ngăn cấm vua. Bề tôi mà chuyên hoạch là vì vua bỏ mất quyền. Vua mà độc đoán thì pháp luật bỏ xó. Cho nên bề tôi phục tùng vua là để giữ gìn pháp luật. Vua lập ra pháp luật là để giữ mình cho ngay thẳng. Muốn dạy bảo kẻ dưới thì bề trên phải giữ đã. Mình không tự phạm thì dân không phạm".
Những lời bàn ấy, những người cầm quyền cai trị dân chẳng phải suy nghĩ sao? Nguyễn Đức Đạt nói tiếp: "Vua muốn lấy gỗ thì bề tôi phá rừng, vua muốn ăn cá thì bề tôi tát cạn ao ngòi. Vua đã dục thì quan không thanh liêm". Ông cũng cho rằng, trời sinh ra vua để giúp dân, nhưng giúp dân vua không được xem đó là ân. Vua không được kể ân với dân.
|
Tranh minh họa. |
Hiếu thuận là gốc của đạo trị quốc
Còn bề tôi đối với vua, Nguyễn Đức Đạt khẳng định có hai đức lớn: Trung tín và ưu cần. Ông nói: "Trung tín là gốc của đức, nếu gốc không ra gốc thì dẫu đào nảy cũng vô bổ, ưu cần là nền tảng cho nghiệp, nếu nền tảng không ra nền tảng thì dẫu khẩn khẩn, khoản khoản để tỏ lòng trung, cũng vô ích cho nghiệp".
Trong quan hệ cha con, các nhà nho đều cho chữ Hiếu là quan trọng. Hiếu thuận là đạo tề gia mà cũng là gốc của đạo trị quốc. Có hiếu mới có trung, đã bất hiếu với cha thì không thể trung với vua được. Nho giáo xem nước là gia đình mở rộng, xem thiên hạ là nước mở rộng, cho nên cái lý của tề gia cũng là cái lý của trị quốc và bình thiên hạ.
Nguyễn Đức Đạt cũng không ngoài quan niệm ấy, cho nên ông ăn ở phụng dưỡng cha mẹ chí hiếu. Lúc đau yếu già nua thì hết lòng chăm sóc. Lúc cha mẹ qua đời thì xin về cư tang nghiêm túc. học trò nhắc đến ông, bạn bè và người đời nhắc đến ông là nhắc đến tấm lòng, cách ăn ở, nói năng đối với cha mẹ hết lòng theo chữ hiếu của ông coi đó là một tấm gương để răn dạy con cháu.
Chí Đức