Không quá để nói rằng, đây là triền đê oan khuất trong lịch sử Việt Nam.
Kỳ 1: Đến nơi thờ thần xà “miệng cắn thân, chân xé mình”
Dọc theo triền đê có nhiều huyền tích bí ẩn này, chúng tôi như lạc vào những câu chuyện lịch sử đầy oan khiên của dân tộc. Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là đền thờ Trạng nguyên khai khoa Lê Văn Thịnh tại thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
Vén màn bí ẩn vụ án hồ Dâm Đàm
Trong khói nhang trầm uy nghi, chúng tôi như được trở lại với lịch sử gần 1.000 năm trước. Ông Nguyễn Văn Đam - thủ từ đền Lê Văn Thịnh kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời bi tráng của vị trạng nguyên này. Lê Văn Thịnh là người thôn Bảo Tháp, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
|
Cổng vào đền và chùa thờ Lê Văn Thịnh. |
Tháng 2 năm Ất Mão (1075), Vua
Lý Nhân Tông cho mở khoa thi Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường, Lê Văn Thịnh dự thi và đã đỗ đầu. Vì thế, ông được coi là Trạng nguyên khai khoa của Việt Nam. Ban đầu, ông được vào hầu vua học, sau thăng chức Nội cấp sự, rồi Thị lang Bộ Binh. Tháng 6 năm Giáp Tý (1084), ông được cử đi đến trại Vĩnh Bình (thuộc Cao Bằng ngày nay) để bàn nghị về việc cương giới với Chánh sứ nhà Tống là Thành Trạc.
Sau khi đã "phân giải mọi lẽ", nhà Tống chấp thuận trả lại cho Đại Việt 6 huyện, 3 động thuộc châu Quảng Nguyên (nay là phần đất ở phía tây bắc tỉnh Cao Bằng) mà họ đã chiếm trước đây và cho thông sứ như cũ. Sau này, ông được thăng tới chức Thái sư. Ông cống hiến cho nhà Lý thêm 10 năm thì xảy ra "vụ án hồ Dâm Đàm" vào năm Ất Hợi (1095).
Về vụ án này, đến nay vẫn còn rất nhiều điều chưa được làm sáng tỏ. Sách
Đại Việt sử lược ra đời vào
thời Trần kể lại vụ án như sau: "Mùa đông tháng 11 năm Ất Hợi (1095), nhà vua (Lý Nhân Tông) xem đánh cá ở Diêu Đàm (hay Dâm Đàm, nay là hồ Tây, Hà Nội).
Lúc bấy giờ vua ngự trong một chiếc thuyền nhỏ, thị vệ theo hầu rất ít. Thái sư Lê Văn Thịnh vốn có mưu gian, nhân cơ hội ấy mới dùng phép thuật làm khói sương nổi thoắt lên bao phủ cả mặt hồ, ban ngày mà tối tăm mù mịt. Một lát, nhà vua nghe tiếng mái chèo sắp đến gần, vua có ý sợ xảy ra tai biến mới lấy cái mác phóng ra. Khói sương theo cái mác mà tan biến đi thì thấy thuyền của Lê Văn Thịnh đã đến gần, với đồ hung khí.
Vua sai người bắt giữ Lê Văn Thịnh lại rồi hạ chiếu đem an trí ở miệt Thao Giang. Trước kia, trong nhà Lê Văn Thịnh có tên đầy tớ là người Đại Lý (tức Vân Nam, Trung Quốc ngày nay) giỏi làm ảo thuật, Lê Văn Thịnh học được phép của nó. Và, đến đây thì làm phản".
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều tài liệu lịch sử đã chứng minh sự hàm oan của vị trạng nguyên tài hoa này và đời hậu thế vẫn đang tìm mọi cách chứng minh sự trong sạch cho ông. Ông Lê Viết Nga - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh - cho biết: "Hiện nay ở Bảo tàng Bắc Ninh còn lưu giữ lại rất nhiều sắc phong cho Thái sư Lê Văn Thịnh qua các triều đại vua. Sắc phong cổ xưa nhất còn lưu lại gần như nguyên vẹn cho thấy ngay từ triều
Hậu Lê, Thái sư Lê Văn Thịnh đã được minh oan rồi”.
Ông Nga khẳng định: "Nếu như thái sư không được minh oan, không được sắc phong trở lại thì trong dân gian sẽ không bao giờ dám dựng đền để thờ tự”.
Với sự cố gắng của rất nhiều người, nhiều cơ quan đoàn thể, năm 1993 một cuộc hội thảo với sự góp mặt của nhiều nhà sử học, nhà điêu khắc và các học giả nổi tiếng đã diễn ra. Hội thảo đã thành công tốt đẹp và bước đầu minh oan cho vị Trạng nguyên tài hoa Lê Văn Thịnh.
Bức thần xà bí ẩn
Về cuộc đời của cụ Lê Văn Thịnh, sau vụ án hồ Dâm Đàm còn nhiều uẩn khúc. Theo lưu truyền dân gian, khoảng ba năm sau, Lê Văn Thịnh được ân xá. Trên đường về quê đến chợ Điềng, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, ông dừng chân nghỉ lại. Một nông dân thấy cụ già gầy yếu như hành khất liền biếu bát cháo hoa để cụ ăn. Bác nông dân hỏi “Cụ có thèm ăn thứ gì nữa không?”, cụ trả lời muốn ăn một khúc cá. Bác nông dân lựa được con cá mè hoa đem nướng một khúc biếu cụ. Lê Văn Thịnh ăn cá xong nằm nghỉ và mất tại đó. Dân làng Điềng khi biết đó là Trạng nguyên Lê Văn Thịnh liền đưa cụ ra một gò nổi bên bờ sông Dâu. Xác cụ được mối đùn kín, dân làng thấy lạ liền chôn cất và lập đình thờ, tôn cụ làm thành hoàng làng.
Lại nói, sau khi xảy ra vụ án hồ Dâm Đàm, ngôi nhà của cụ Lê Văn Thịnh tại thôn Bảo Tháp đã được thân phụ là cụ Lê Văn Thành cúng tiến thành chùa. Sau này khi Lê Văn Thịnh được minh oan, dân làng xây đền cho cụ và trở thành cụm di tích đền và chùa Lê Văn Thịnh như hiện nay.
Trong khuôn viên đền và chùa Lê Văn Thịnh hiện nay có một bức tượng đá hết sức bí ẩn. Đó là bức tượng rồng (nhưng người dân địa phương gọi là bức tượng xà thần) trong tư thế “miệng cắn thân, chân xé mình”. Bức tượng này vừa được công nhận là bảo vật quốc gia ngày 30.12.2013.
Theo người dân địa phương kể lại, năm 1991, trong một lần dọn dẹp trước cửa đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh, ông thủ từ khi đó là Phan Đình Phô tình cờ phát hiện được một bức tượng bằng đá nguyên khối, chôn sâu dưới đất. Bố cục và hình dáng bức tượng cực kỳ đặc biệt: Một loài động vật bò sát giống rắn, nhưng có chân, miệng đầy răng, trong động thái "miệng cắn thân, chân xé mình".
Khi đó sự việc khiến dư luận trở nên rất xôn xao. Mỗi ngày, có hàng ngàn người hiếu kỳ kéo đến vái lạy pho tượng. Các nhà khoa học, chính quyền và nhân dân thảo luận xong, thì quyết định nhấc bức tượng lên khỏi lòng đất. Lạ thay, mấy chục thanh niên trai tráng ghé vai, cùng với đòn bẩy, xà beng mà pho tượng rồng không hề nhúc nhích.
Thấy sự lạ, cụ Phô vào đền nhang khói, kính xin Thái sư Lê Văn Thịnh linh thiêng cho phép người dân được rước “ông rồng” lên thờ. Không ngờ, xin phép xong, các trai tráng ghé vai nâng pho tượng thấy nhẹ bẫng.
Trước quá trình tôn tạo, một cuộc khai quật nhỏ đã diễn ra. Các nhà khảo cổ phát hiện thêm 2 bộ phận nữa của tượng rồng đá. Một bộ phận là bàn chân rồng nguyên vẹn với móng vuốt sắc nhọn. Các nhà khoa học xác định hai bộ phận này có chất liệu và phong cách tạo tác phù hợp với pho tượng rồng cắn thân trong miếu xà thần từ thời Lý. Tuy nhiên, hai bộ phận này chưa khớp với phần thân đứt hai bên pho tượng.
Có một số luồng ý kiến phân tích ý tưởng nghệ thuật của pho tượng này. Có ý kiến cho rằng, pho tượng biểu thị sự hối hận của Vua Lý Nhân Tông. Tượng rồng có đôi tai, thì một bên lành, một bên bị bịt kín. Điều này biểu thị việc vua Lý nghe lời xiểm nịnh của gian thần. Việc rồng tự cắn thân, xé mình thể hiện cho việc đau lòng khi gây ra nỗi oan trái của Vua Lý Nhân Tông với người thầy của mình là Lê Văn Thịnh. Rồng tượng trưng cho vua, nên lý giải này không phải không có lý. Nhưng phần lớn ý kiến vẫn tin rằng, pho tượng đặc biệt, vừa giống rồng, lại vừa giống rắn này là biểu thị cho nỗi oan trái của Thái sư Lê Văn Thịnh, bị triều đình ghép tội “hóa hổ giết vua”.
Vụ án hồ Dâm Đàm đã diễn ra ngót một thiên niên kỷ và mặc dù đến nay có nhiều tình tiết chưa được làm rõ, nhưng việc Nhà nước công nhận bức tượng xà thần trong miếu thờ Lê Văn Thịnh là bảo vật quốc gia đã phần nào ghi nhận công lao to lớn của ông đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Hy vọng rồi đây, sẽ có thêm những cuộc hội thảo làm rõ và chứng minh sự nghiệp vĩ đại của ông.
Kỳ tiếp: Oan tình của Trúc Lâm tam tổ - thiền sư Lý Đạo Tái
Theo Lao Động