Lật lại chiến tranh Nam - Bắc triều

Google News

(Kiến Thức) - Thế kỷ XVI, đất nước ta luôn diễn ra chiến tranh liên miên, chỉ riêng cuộc chiến Nam - Bắc triều cũng kéo dài suốt sáu thập kỷ.

Bắt đầu cuộc chiến tranh giữa nhà Mạc và nhà Lê
Bắc triều là nói về nhà Mạc. Nam triều là nói về nhà Lê Trung Hưng (nhưng thực chất là với họ Trịnh). Mạc Đăng Dung lên ngôi, lập nên triều Mạc vào năm 1532. Chỉ một năm sau, năm 1533, Nguyễn Kim, một cựu thần nhà Lê chạy sang Ai Lao (Lào) tìm được hậu duệ nhà Lê lập lên làm vua. Và như thế cuộc chiến tranh bắt đầu.
Trong những năm đầu, lực lượng của nhà Lê còn non yếu, mấy lần kéo quân về nước đều không thành công, lại phải rút về Sầm Châu trên đất Lào. Đến năm 1539, Nguyễn Kim đánh chiếm được Lôi Dương, Thanh Hóa và năm sau chiếm được Nghệ An, tạo được địa bàn vững chắc để làm căn cứ địa.
Bấy giờ Mạc Đăng Dung đã truyền ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh. Mạc Đăng Doanh chết trẻ, chỉ ở ngôi được 10 năm. Con trưởng là Mạc Phúc Hải lên ngôi cũng chỉ được 5 năm thì chết.
Trong khoảng 15 năm ấy, nhà Mạc nhiều lần đánh dẹp, nhưng không nổi, ngược lại nhà Lê mỗi lúc một mạnh lên. Năm 1543, quân nhà Lê do Nguyễn Kim chỉ huy đã đánh chiếm được thành Tây Đô (Thanh Hóa), tổng trấn giữ thành là Dương Chấp Nhất buộc phải đầu hàng.
Hai năm sau, Nguyễn Kim lại cầm quân tiến đánh Sơn Nam, nhưng mới chỉ đến Yên Mô, Ninh Bình thì ông bị Dương Chấp Nhất đánh thuốc độc chết. Tất cả quyền bính chuyển sang tay con rể là Trịnh Kiểm. Trịnh Kiểm lui quân về Thanh Hóa, lập hành điện tại sách Vạn Lại làm "tổng hành dinh" như một kinh đô mới cho vua ở và tập hợp lực lượng, chiêu mộ quân sĩ, tích trữ lương thảo...
Tranh minh họa.  
Kỳ phùng địch thủ
Tại triều đình nhà Mạc, Mạc Đăng Dung đã mất, đời vua thứ tư là Mạc Phúc Nguyên lên ngôi khi còn nhỏ tuổi. Việc triều chính và binh quyền giao tất cả cho chú là Mạc Kính Điển trông coi.
Từ đây trên hai trận tuyến Bắc - Nam có hai vị tướng tài ba, kỳ phùng địch thủ đối địch với nhau cân tài cân sức. Phía nhà Mạc, đại tướng Mạc Kính Điển là một nhà quân sự thao lược. Lại có Lê Bá Li, một lão tướng trải nhiều kinh nghiệm trận mạc trợ giúp.
Phía nhà Lê là Trịnh Kiểm, tài kiêm văn võ, giương ngọn cờ phò Lê diệt Mạc, nhưng nắm mọi thực quyền trong tay, rất giỏi điều binh khiển tướng. Dưới thời Mạc Phúc Nguyên, Mạc Kính Điển đã mười lần cầm quân đánh vào Thanh Hóa. Quân Trịnh chống đỡ vất vả, nhưng cũng buộc được quân Mạc phải lui binh. Ngược lại, quân Trịnh sáu lần đem quân đánh ra Bắc, nhưng chiến sự cũng chỉ diễn ra quanh quẩn vùng Sơn Nam, Ninh Bình.
Năm 1551, một biến cố xảy ra trong triều đình nhà Mạc. Bị vu oan, lão tướng Lê Bá Li và thông gia là Thượng thư Nguyễn Thiến đem hàng loạt tướng giỏi và hàng vạn quân lính vào Thanh Hóa quy phục nhà Lê.
Nhân cơ hội này, Trịnh Kiểm dẫn quân ra Bắc ba mặt tấn công Đông Kinh (Thăng Long). Chiếm được kinh đô, nhưng thế lực quân Mạc còn mạnh, Trịnh Kiểm không dám rước vua ra Bắc, mà đành lại lui quân về trấn giữ Thanh Hóa.
Mạc Kính Điển củng cố lực lượng, lại nhiều phen đem quân thủy bộ tấn công trở lại. Có lần ông đem 300 chiến thuyền vượt qua cửa Thần Phù, tiến đánh đến gần sách Vạn Lại thì bị phục binh của Trịnh Kiểm đánh tan. Lần khác ông phải nhảy xuống sông trốn thoát.
Trịnh Kiểm cũng nhiều lần đánh ra Sơn Nam vơ vét thóc gạo mang về Thanh Hóa. Chiến tranh liên miên, dân tình khốn khổ chẳng bao giờ được sống yên bình.
Năm 1559, Trịnh Kiểm đem 6 vạn quân ra đánh, đã chiếm được cả vùng rộng lớn ở mạn Thái Nguyên, Kinh Bắc và các huyện ở Hải Dương. Tưởng chừng như lần này thành công, nhưng quân của Mạc Kính Điển lại đánh tập hậu vào Thanh Hóa, Trịnh Kiểm phải vội kéo quân về giữ đất Tây Đô. 
Đánh nhau giằng co mãi. Nhà Lê tuy đã "trung hưng" nhưng thực ra chỉ chiếm cứ được xứ Thanh. Ngay cả đất Nghệ An cũng thường bị quân Mạc dùng thủy quân nhiều lần đột nhập đánh phá, mà quân Trịnh không ứng cứu kịp. Về sau tướng nhà Lê là Nguyễn Hoàng (con trai Nguyễn Kim) chiếm cứ Thuận Hóa, quân Mạc mới không tiến đánh được Nghệ An nữa. Nhà Mạc cũng chỉ làm vua ở miền Bắc mà thôi.
(còn nữa)
Dĩ Nguyên