Không ham tranh giành nhưng lại được chọn truyền ngôi
Vua Lê Đại Hành có tất cả 11 người con trai và 1 người con nuôi, sau khi lên ngôi, ông đã lần lượt phong vương cho họ rồi cử đi trấn trị ở các vùng đất quan trọng. Vào năm Kỷ Sửu (989), vua phong người con cả là Thái tử Thâu (còn gọi là Thau) làm Kình Thiên Đại Vương, hoàng tử thứ hai là Ngân Tích (còn gọi là Long Tích) làm Đông Thành Vương, hoàng tử thứ ba là Long Việt làm Nam Phong Vương. Đến năm Tân Mão (991), vua phong hoàng tử thứ tư là Long Đinh làm Ngự Man Vương cho đóng ở Phong Châu (thuộc Phú Thọ ngày nay), hoàng tử thứ sáu là Long Cân làm Ngự Bắc Vương đóng ở trại Phù Lan (nay thuộc huyện Đường Hào, Hưng Yên).
Năm Nhâm Thìn (992) Lê Đại Hành tiếp tục phong hoàng tử thứ năm là Long Đĩnh làm Khai Minh Vương cho đóng ở Đằng Châu (nay thuộc huyện Kim Động, Hưng Yên). Tới năm Quý Tỵ (993) hoàng tử thứ bảy là Long Tung được phong làm Định Phiên Vương, đóng ở thành Tư Doanh, Ngũ Huyện Giang (nay thuộc huyện Yên Phong và Tiên Du, Bắc Ninh); hoàng tử thứ tám là Long Tương được làm Phó Vương, đóng ở Đỗ Động Giang (nay thuộc huyện Thanh Oai, Hà Nội); hoàng tử thứ chín là Long Kính được phong làm Trung Quốc Vương đóng ở Càn Đà, huyện Mạt Liên (nay thuộc huyện Tiên Lữ, Hưng Yên). Năm Giáp Ngọ (994) vua phong hoàng tử thứ mười là Long Mang làm Nam Quốc Vương, đóng ở châu Vũ Lung (nay thuộc tỉnh Thanh Hoá).
Năm Ất Mùi (995), phong hoàng tử thứ mười một là Long Đề (còn gọi là Minh Đề) làm Hành Quân Vương, đóng ở Bắc Ngạn châu Cổ Lãm (nay thuộc huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh.); còn người con nuôi của vua là Dương Hy Liễn được phong làm Phù Đái Vương, đóng ở hương Phù Đái (nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng).
Năm Canh Tý (1000) Thái tử Long Thau tước Kình Thiên Vương mất, đến tháng giêng năm Giáp Thìn (1004) vua lập người con thứ ba là Nam Phong Vương Long Việt làm hoàng thái tử, gia phong con thứ năm là Long Đĩnh làm Khai Minh Đại Vương và con thứ hai là Long Tích làm Đông Thành Đại Vương. Sở dĩ có chuyện này là vì lẽ ra theo thứ bậc hoàng tử thứ hai là Đông Thành Vương Long Tích nhưng hoàng tử thứ 5 là Long Đĩnh có ý tranh giành nên Lê Đại Hành đã dung hòa bằng việc lập Lê Long Việt, hoàng tử thứ ba làm Thái tử. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết: “Giáp Thìn, năm thứ 11 (1004). (Tống, năm Cảnh Đức thứ 1). Tháng giêng, mùa xuân. Lập Nam Phong vương Long Việt làm Thái tử.
Trước đây, con trưởng là Kình Thiên đại vương Long Thâu mất, Ngân Tích, theo thứ tự, đáng được lập. Bấy giờ Long Đĩnh cầu xin làm Thái tử, ý nhà vua muốn cho; đình thần bàn rằng không lập con trưởng mà lập con thứ thì không hợp lễ; thành thử lại thôi. Đến đây, lập Long Việt làm Thái tử, gia phong Đông Thành vương Ngân Tích và Khai Minh vương Long Đĩnh làm đại vương”.
Vì sao Lê Trung Tông bị sử sách vừa chê trách, vừa tiếc nuối?
Tháng 3 năm Ất Tị (1005), Lê Đại Hành mất ở điện Trường Xuân, triều thần chuẩn bị làm lễ tôn Thái tử Lê Long Việt lên ngôi kế vị nhưng các anh em của ông dấy quân tranh giành ngai vàng, chép gần giống như sách Đại Việt sử ký toàn thư, trong sách Đại Việt sử ký tiền biên cũng viết: “Sau khi vua Đại Hành băng, Đông Thành Vương là Ngân Tích, Trung Quốc Vương là Kính và Khai Minh Vương là Long Đĩnh đều nổi loạn nên Thái tử vẫn chưa được lên ngôi, giằng co nhau đến 8 tháng, trong nước vô chủ”.
Đến tháng 10 năm Ất Tị (1005), sau 8 tháng tranh giành quyền lực với các anh em, Lê Long Việt lên ngôi được 3 ngày thì bị giết chết, thọ 23 tuổi. Nhà sử học Lê Văn Hưu bàn về chuyện này đã viết như sau: “Ngọa Triều giết anh tự lập làm vua, bạo ngược với dân chúng để thỏa lòng hung ác, đến nỗi mất ngôi, mất nước, không phải là sự bất hạnh của nhà Lê mà là lỗi ở Đại Hành không sớm đặt Thái tử và do Trung Tông không biết phòng giữ từ khi mới chớm nên đến nỗi thế!”.
|
Đế vương ngã gục trước sát thủ. Tranh minh họa.
|
Sách Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tiền biên đánh giá về Lê Trung Tông: “Vua không biết phòng giữ cẩn mật đến nỗi bị nạn, có tính nhân hậu mà không biết làm vua, đáng tiếc thay!”. Trong Việt giám thông khảo tổng luận, một sử thần triều Hậu Lê là Lê Tung viết: “Trung Tông vâng di chiếu của Lê Đại Hành, vào nối ngôi vua, tha tội cướp ngôi giết vua cho em cùng mẹ, mà chính lệnh quá phần nhu nhược”.
Sử thần Ngô Sĩ Liên viết: “Sách Dã sử chép rằng Đại Hành băng, Trung Tông vâng di chiếu nối ngôi. Long Đĩnh làm loạn, Trung tông vì anh em cùng mẹ không nỡ giết, tha cho. Sau Long Đĩnh sai bọn trộm cướp đêm trèo tường vào cung giết Trung Tông. Thế thì Trung Tông về tình anh em tuy là hậu, nhưng việc đứng chủ cúng tế, nối dõi tổ tiên thì xã tắc là trọng, anh em là khinh, huống chi là em bất dễ! Lúc ấy Trung Tông phải nêu việc Quản Thúc, Thúc Nha mà trị tội thì mới phải, nếu không làm thế thì đem giam cầm ở một nơi riêng cho đến khi chết cũng được. Nhưng Trung Tông lại thả lỏng thì sao cho khỏi bị phản, rốt cuộc tan họ, diệt dòng là tự Trung Tông làm ra cả. Ngọa Triều thì có bõ trách làm chi? Cho nên người làm vua tất phải cư xử cho thật đúng đắn và phải xét hết lẽ vậy”.
Có thể nói theo sử sách một con người nhân hậu, đức độ như Lê Trung Tông mà ở ngôi vua là điều có phúc cho dân, cho xã tắc, nhưng vì thiếu quyết đoán, không nghiêm khắc, cẩn thận nên dẫn đến bi kịch cho bản thân và cho cả vương triều Tiền Lê.
Ở ngôi ba ngày, tám tháng hay một năm?
Sử sách đều chép rằng lẽ ra Thái tử Lê Long Việt lên ngôi ngay sau khi vua cha băng hà, nhưng vì tranh chấp với các anh em nên sau 8 tháng đánh nhau ông mới giành ưu thế, rồi mới có thể tổ chức lễ đăng quang, chính thức làm vua nhưng mới được 3 ngày đã bị giết chết.
|
Lê Trung Tông, vị hoàng đế bạc mệnh. Tranh minh họa. |
Chỉ với 3 ngày ở trên ngôi báu, Lê Trung Tông cùng với Dục Đức triều Nguyễn là hai vị vua có thời gian cai trị ngắn nhất. Tuy nhiên theo phàm lệ về việc biên soạn sách Đại Việt sử ký toàn thư thì lệ chép sử các triều vua được tính như sau: “Đế vương các đời ở ngôi lâu hay chóng, vị trước sáng nghiệp năm nào thì lấy năm ấy làm năm bắt đầu ở ngôi, đến năm nào chết, hay nhường ngôi hoặc bị giết mà vị sau nối lên ngôi và đổi niên hiệu thì năm ấy hãy còn là năm cuối cùng của vị vua trước. Hoặc là chết hay nhường ngôi vào mùa xuân, mùa hạ năm ấy, thì năm ấy là năm đầu ở ngôi của vị sau, mà những tháng mùa xuân, mùa hạ ấy là tháng còn lẻ lại của vị trước; nếu chết hay nhường ngôi vào cuối năm, tính lại những năm ở ngôi còn có những tháng chưa hết thì cũng gọi là tháng lẻ… Lê Trung Tông lên ngôi được 3 ngày thì bị giết, nhưng các vương tranh nhau làm vua đến 8 tháng, những tháng ấy ở vào trong năm Trung Tông nối ngôi, cho nên chép Trung Tông là vua, để định tội của Ngọa Triều cướp ngôi giết anh, mà tính kể là Trung Tông nối ngôi được 1 năm”.
Trong sách Đại Việt sử ký tiền biên, nhà sử học Ngô Sĩ Liên thì bàn rằng: “Xét việc Trung Tông lên ngôi mới được 3 ngày, chưa kịp đổi niên hiệu đã bị giết, trước 3 ngày đó thuộc Đại Hành, sau 3 ngày đó thuộc Ngọa Triều. Niên hiệu hình như không lệ thuộc vào đâu, nhưng Trung Tông chính ngôi Thái tử, Lê Đại Hành mất, [Trung Tông] vâng theo di chiếu nối ngôi, tức là Thái tử lên ngôi báu đã thành vua rồi. Năm đó tuy Ngọa Triều đã cướp ngôi, nhưng cũng chưa có niên hiệu, đối với phép chép sử biên niên không có vướng mắc gì. Xét như Bắc sử, khi vua Minh Thần Tông mất, Thái tử Hy Tông lên nối ngôi, chưa kịp đổi niên hiệu nhưng sử vẫn chép to chữ “Hy Tông” cho rõ chính thống mà niên hiệu thì viết to chữ “Vạn Lịch năm thứ 40 vua [Thần Tông] mất”. Như vậy kỷ Lê Trung Tông nên chép theo phép chép ấy là đúng, cho nên chép theo như thế”.
Nếu xét thực tế thì Lê Trung Tông chỉ làm vua có 3 ngày nhưng theo cách tính thời gian theo phép chép sử thời xưa thì thời gian làm vua của ông được tính là 8 tháng hoặc thậm chí tính tròn là 1 năm.
Lê Thái Dũng